Trận đấu chung kết World Cup 2018 giữa tuyển Pháp với Croatia đã kết thúc với chiến thắng 4-2 dành cho những chú "Gà trống". Với thắng lợi này tuyển Pháp lần thứ 2 đăng quang ở sân chơi lớn nhất hành tinh, trong khi tuyển Croatia cũng làm nên lịch sử khi lần đầu vào chung kết World Cup.
Trận cầu này cũng chính thức khép lại World Cup năm nay. Giờ hãy cùng điểm lại những dấu ấn của kỳ hội bóng đá lớn nhất hành tinh này.
Mùa hè đặc biệt của nước chủ nhà
Cách đây 8 năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đó với cương vị Thủ tướng, đã tích cực vận động để đưa ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đến với nước Nga.
Trong 8 năm chuẩn bị cho World Cup, Chính phủ Nga đã phê chuẩn nhiều dự luật cho phép Moscow chi tới 14 tỷ USD, để xây mới 8 sân vận động và 95 sân tập, sửa chữa và nâng cấp 4 sân vận động khác.
Những hạng mục tốn kém nhất bao gồm nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông (6,11 tỷ USD), xây dựng các sân vận động (SVĐ) (3,45 tỷ USD) và chỗ ở (680 triệu USD).
Người dân Nga cũng được hưởng lợi từ kỳ World Cup, đây là cơ hội không thể tốt hơn để quảng bá du lịch. Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, sân bóng sẽ vẫn được duy trì sau khi World Cup kết thúc, đem lại lợi ích lớn cho người dân.
Nước Nga đã chào đón hơn một triệu lượt khách nước ngoài kể từ khi giải đấu diễn ra, tại 12 SVĐ luôn được lấp đầy tới 98% khán giả. Khu vực dành cho người hâm mộ được thiết lập ở 11 thành phố diễn ra các trận đấu đã được hơn 7 triệu người ghé tới.
Để đảm bảo an toàn cho World Cup, chủ nhà Nga đã huy động một lực lượng an ninh hùng hậu.
Thực tế trong suốt một tháng diễn ra World Cup chưa ghi nhận sự cố an ninh lớn nào, những lo ngại trước đó về phân biệt chủng tộc và khủng bố không xảy ra. Du khách từ khắp nơi đều được nồng nhiệt chào đón.
Đổi lại, các chuyên gia kinh tế nhận định, việc tổ chức ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh có thể mang về cho nước Nga một khoản lợi nhuận khổng lồ lên tới gần 31 tỷ USD.
Quá trình chuẩn bị tổ chức World Cup đã thúc đẩy GDP của nước này tăng thêm từ 26 tỷ USD đến 30,8 tỷ USD. Những lợi nhuận này đến từ tăng trưởng du lịch, tỉ lệ đầu tư lớn vào xây dựng, hiệu ứng từ các nguồn đầu tư của Chính phủ.
Những kỳ vọng về kinh tế xa hơn còn ở phía trước, nhưng trong mắt hàng triệu du khách, đây là một đất nước xinh đẹp, an toàn và mến khách.
Alexei Sorokin, Giám đốc điều hành của Ủy ban Tổ chức World Cup 2018 phát biểu hôm 15/7: “World Cup đã thay đổi suy nghĩ của nhiều du khách về nước Nga, người Nga đã cho thấy họ là một quốc gia cởi mở, hiếu khách và thân thiện.
Trước đó nhiều thông tin cho rằng, sẽ ít người Anh đến Nga xem World Cup vì những căng thẳng ngoại giao 2 bên. Tuy nhiên, định kiến về Nga đã bị phá bỏ tại giải đấu lần này. Các bạn thấy đó, chủ nhà Nga đã làm tốt nhất để chào đón người hâm mộ từ bất cứ quốc gia nào, bất cứ nơi nào trên thế giới".
Công nghệ VAR và luật fair-play
Để đảm bảo sự công bằng trong bóng đá, lần đầu tiên FIFA (liên đoàn bóng đá thế giới) cho áp dụng công nghệ VAR (hỗ trợ video trọng tài). Ngay tại vòng bảng, công nghệ này đã tham gia vào 335 tình huống và làm thay đổi 14 quyết định ban đầu của trọng tài.
Theo FIFA, trong 62 trận đã qua VAR điều chỉnh 16/19 phán quyết ban đầu chưa chính xác của trọng tài. Tuy nhiên VAR vẫn tạo ra tranh cãi. Điển hình là tình huống tiền đạo Aleksandar Mitrovic của Serbia bị hai cầu thủ Thụy Sỹ phạm lỗi trong vòng cấm, nhưng VAR không phát hiện ra.
Quả phạt đền thứ hai cho Ả-rập Xê-ut, trong trận gặp Ai Cập, cũng bị coi là trò hề dù các trọng tài đã xem lại băng hình nhiều lần, nhưng không ra được quyết định.
World Cup 2018, chỉ số fair-play (chơi đẹp) cũng lần đầu được áp dụng làm chỉ số phụ. Nhật Bản là tuyển áp dụng triệt để chỉ số này. Kết thúc lượt trận đấu cuối bảng H, World Cup 2018, Nhật Bản và Senegal có cùng điểm, hiệu số, đối đầu và bàn thắng.
Đại diện châu Á giành quyền đi tiếp nhờ chỉ số fair-play khi có 4 thẻ vàng, so với 6 thẻ của Senegal. Tuy nhiên để đạt được chỉ số chơi đẹp, trong trận cuối vòng bảng gặp Ba Lan, sau khi bị dẫn trước 0-1 các cầu thủ Nhật đã lui toàn bộ về phần sân nhà. Họ chỉ chuyền bóng qua lại để tránh phải lên bóng và nhận thêm thẻ phạt.
Tuyển Nhật Bản đã thành công với cách chơi đó và đảm bảo các chỉ số để đi tiếp, tuy nhiên điều này vấp phải sự phản ứng gay gắt từ khán giả và chính CĐV nhà.
Bóng đá xóa tan ranh giới sắc tộc
Lịch sử đã chứng minh bóng đá là môn thể thao có khả năng "tích hợp" các cộng đồng nhập cư với người bản địa. Những người nghèo, các khu công nhân luôn là một nguồn cung cấp dồi dào cầu thủ bóng đá, những tài năng sinh ra từ khu ổ chuột và không ít người trong số họ trở thành những siêu sao được yêu mến, trụ cột của đội tuyển quốc gia.
Còn ở World Cup 2018 có thể khẳng định, những người con châu Phi đang thống trị giải đấu này. Xét trong 4 đội tại bán kết, tuyển Pháp có tới (78,3%) là dòng máu gốc Phi, vượt xa tỉ lệ người nhập cư chung của toàn nước Pháp (6,8%). Ngôi sao mới nổi của đội tuyển Pháp - Kylian Mbappe có mẹ là người Algeria và cha là người Cameroon, hiện đang là người hùng trong con mắt hàng triệu người dân Pháp thuộc mọi sắc tộc.
N’Golo Kante và Paul Pogba cũng là những người gốc Phi và là thành viên quan trọng không thể thay thế của đội tuyển. Trong số 23 tuyển thủ Bỉ tham dự World Cup lần này, có 11 người có nguồn gốc nhập cư (chiếm tỉ lệ 47,8%), so với tỉ lệ chung của toàn quốc gia là 12,1%.
Đối với đội tuyển Anh, số lượng cầu thủ nhập cư cũng là 11 người, so với mức trung bình của toàn quốc là 9,2%. Huấn luyện viên Gareth Southgate chia sẻ: “Với sự đa dạng và tuổi trẻ, chúng tôi đại diện cho một nước Anh hiện đại”.
Kỳ tích và những con số kỷ lục
Đáng chú ý nhất có lẽ là Croatia, World Cup lần này họ đứng đầu vòng bảng, lần lượt đánh bại Đan Mạch vòng 1/8, Nga ở tứ kết và tuyển Anh tại bán kết để lần đầu tiên giành vé vào chơi chung kết.
Trận lội ngược dòng 2-1 trước Anh, Croatia cũng là đội thứ 2 trong lịch sử làm được điều này. Tại World Cup 1998 tuyển Pháp là đội đầu tiên lội ngược dòng tại bán kết cũng với tỉ số 2-1 trước Croatia.
Chủ nhà Nga cũng gây bất ngờ tại giải đấu. Ban đầu họ không được đánh giá cao và đặt mục tiêu đến được vòng 1/8. Nhưng bằng đấu pháp hợp lý và quyết tâm đã giúp các chú Gấu Nga lần đầu tiên đặt chân vào tứ kết – điều mà đội bóng Liên Xô hùng mạnh đã không làm được tại World Cup 1986.
World Cup là sự kiện thể thao lớn nhất thế giới, FIFA dự kiến có tới 3,4 tỷ người theo dõi giải đấu này. Khoảng trên 1 tỷ người đã xem trận chung kết World Cup.
400 triệu USD là tổng số tiền thưởng được trao cho 32 đội tham dự. Trong đó, 38 triệu USD là tiền thưởng dành cho đội chiến thắng. Đội về nhì nhận 28 triệu USD, vị trí thứ ba là 24 triệu USD.
16 đội bị loại sau mỗi vòng đấu nhận được 8 triệu USD. Mỗi đội cũng nhận được 1,5 triệu USD trước cuộc thi, được tính là chi phí chuẩn bị.
1,65 tỷ USD là doanh thu từ quảng cáo mà FIFA nhận được trong giai đoạn 2015-2018. Dự kiến con số này sẽ tăng vọt đến 1,8 tỷ USD trong vòng bốn năm tới.
3 tỷ USD là doanh thu FIFA kiếm được từ việc bán quyền phát sóng truyền hình World Cup và kỳ vọng đạt đến 3,5 tỷ USD trong mùa World Cup tiếp theo. 6,1 tỷ USD là tổng doanh thu dự kiến của FIFA từ năm 2015 đến năm 2018. Trong đó, hơn 4 tỷ USD đến từ World Cup 2018.