Bảo vệ chỉ ra oai với người nhà bệnh nhân
Giang hồ, "cò", trộm cắp móc túi tự do lộng hành tại các bệnh viện, nhưng lực lượng bảo vệ lại tỏ ra thờ ơ, vô cảm khiến nhiều bệnh nhân rất bức xúc, đã có không ít những vụ việc được trình báo lên cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa có phương án hiệu quả ngăn chặn tình trạng này.
Thực tế, nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận, vẫn thấy xuất hiện tình trạng đội ngũ bảo vệ "cho có" người chứ thực tế họ không thể làm được việc. PV tìm đến trung tâm Y khoa Medic, trên đường Nguyễn Duy Dương, quận 10 đã mục sở thị tình trạng các "cò" lộng hành, có khi giở cả thói côn đồ với người bệnh. Sau nhiều ngày theo dõi, chúng tôi phát hiện ở khu vực cửa sau của trung tâm luôn có các băng nhóm "cò" nhộn nhịp và công khai mọi hoạt động. Ngoài việc lôi kéo người bệnh, bán số khám nhanh 100-300 ngàn đồng/số, nơi đây còn hình thành một nhóm "cò" rất đầu gấu. Một người dân ở gần trung tâm này nói rằng, ai muốn khám nhanh chỉ cần đưa cho nhóm "cò" này 300 nghìn đồng thì sẽ được khám nhanh mà không bị "làm phiền". Tuy nhiên, các nhân viên bảo vệ ở đây không hề làm được trách nhiệm là bảo vệ bệnh nhân khỏi bị "cò mồi" mà còn thấy sự kết hợp "ăn ý" với cò để trục lợi.
Tại bệnh viện Triều An (quận Bình Tân, TP.HCM), lực lượng bảo vệ ở đây chỉ thấy vài người, nên có vụ ẩu đả hay côn đồ đến quấy phá bệnh viện thì lực lượng bảo vệ ở đây cũng không thể can thiệp được. Ngoài việc bệnh viện được ít bảo vệ túc trực, tại bệnh viện này cũng đã ghi nhận một trường hợp khiến người dân rất bức xúc. Trước đó, một nạn nhân là anh Nguyễn Hữu Diên bị côn đồ hành hung ngay trong sân bệnh viện, nhưng theo nhiều nhân chứng, các bảo vệ ở đây cũng chỉ biết đứng nhìn và hoàn toàn không hề can thiệp khiến nạn nhân bị đánh đến chết. Không ít người đặt câu hỏi phải chăng lực lượng an ninh tại chỗ này chỉ sinh ra cho có, khi mà trước đó bệnh nhân từng chứng kiến việc bảo vệ la lối, hách dịch với người bệnh nhưng khi có côn đồ thì tìm cách né tránh, chối bỏ trách nhiệm vì sợ phiền hà. Bên cạnh đó, hiện tượng có một số bảo vệ "hờ" cũng sẵn sàng áp giải bệnh nhân cho "cò" để đôi bên cùng có lợi cũng không ít.
Người nhà vây đánh bác sĩ ở bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh.
Trả lời PV về tình trạng côn đồ gây rối loạn an ninh trật tự tại bệnh viện, thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng, cán bộ đội CSĐT TPTTXH công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) nhận định: "Không ít bệnh viện sử dụng lực lượng bảo vệ không được đào tạo, những bảo vệ này tuy chịu sự quản lý trực tiếp của bệnh viện, nhưng vì những lý do khác nhau nên nhiều khi không kiểm soát được triệt để lực lượng bảo vệ bệnh viện. Vụ giang hồ lộng hành tại bệnh viện Nhân dân Gia Định mới đây như một lời cảnh báo về sự yếu kém của lực lượng bảo vệ an ninh tại chỗ này. Lúc xảy ra sự việc, toàn bộ bảo vệ trong bệnh viện vừa mỏng lại không phản ứng kịp thời nên khiến không khí trong bệnh viện rất nhốn nháo, có sự đe dọa nguy hiểm. Trong vụ việc tối ngày 22/9 ngoài các bác sỹ, y tá thì bảo vệ tại đây cũng bị đe dọa sẽ bị "xử" nếu can thiệp. Cho nên, bảo vệ cũng phải chạy trốn. Điều này, chứng tỏ một điều, lực lượng bảo vệ bệnh viện không thể bảo đảm an ninh khi có sự cố xảy ra tại nơi họ ký hợp đồng làm việc".
“Chạy loạn” trong bệnh viện...
Mấy ngày qua, vụ việc 30 người xông vào bệnh viện Gia Định (TP.HCM) truy sát bệnh nhân, đòi "xử" bác sỹ và vụ côn đồn vào bệnh viện giết người nhà bệnh nhân vô cớ tại bệnh viện đa khoa huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) khiến dư luận hết sức lo ngại. Bà đánh giá sao về hiện tượng này?
Hiện nay, ngành y tế có quá nhiều vấn đề bức xúc. Nhiều vấn đề tôi cảm thấy như đang quá sức của ngành. Bệnh viện đã quá tải, đáp ứng nhu cầu khám bệnh còn chưa đủ, chưa giải quyết được thì cũng khó có thể đáp ứng được những yêu cầu khác về an ninh. Đành rằng đó là trách nhiệm của bệnh viện, mục tiêu đảm bảo sức khoẻ là của ngành y tế, nhưng họ cũng không thể lường trước được những việc như thế xảy ra. Nó quá bất ngờ và nở rộ trong vài năm gần đây. Nó thực sự đang quá sức với ngành y tế.
Nhưng thực tế, tại nhiều bệnh viện, đội ngũ "cò" và những kẻ chuyên dàn cảnh để móc túi, lừa tiền người bệnh và người nhà đều hoạt động theo băng nhóm nên rất hung hãn và trắng trợn, thưa bà?
Đó đúng là bài toán nan giải hiện nay đối với các bệnh viện. Từ nạn "cò" hoành hành đến đạo chích, hai ngón và giờ là côn đồ ngang nhiên xông vào viện hành hung bệnh nhân, bác sỹ...
Theo tôi, để bảo đảm an ninh trật tự trong các bệnh viện, ngành y tế mà cụ thể là các bệnh viện cần phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ. Trước hết, tăng cường hoạt động tuyên truyền, cảnh báo cho người bệnh và người nhà nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ tài sản của mình. Cụ thể là không để “cò” lôi kéo, dụ dỗ. Không ăn đồ ăn, uống cà - phê của người lạ mời để tránh bị đánh thuốc mê. Không nhận giữ giùm đồ cho người không quen biết để phòng kẻ gian bắt chuyện rồi tiến hành lừa đảo. Trường hợp bị gạ gẫm, đe dọa cần liên hệ ngay trực ban bảo vệ để được giúp đỡ. Các địa phương cần bố trí lực lượng cùng bảo vệ bệnh viện và công an lập thành tổ công tác thường xuyên theo dõi, giám sát để phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời các đối tượng lừa đảo, môi giới khám, chữa bệnh trái phép. Những hoạt động trên phải được tiến hành một cách kiên quyết, thường xuyên và lâu dài thì mới có thể lập lại được an ninh trật tự ở các bệnh viện.
Dư luận vẫn luôn ác cảm với việc lực lượng bảo vệ luôn hoạnh họe người dân về thủ tục ra vào, thăm khám nhưng đến khi có "sự cố" thì họ khoanh tay đứng nhìn?
Đúng là có tồn tại thực tế đó ở một số bệnh viện, nhưng không phải bệnh viện nào cũng xảy ra tình trạng bảo vệ thờ ơ, khoanh tay nhìn bệnh nhân, bác sỹ bị hành hung. Tuy nhiên, với những vụ lình xình đó, các bệnh viện lẽ ra phải cầu cứu các lực lượng khác chứ họ chưa làm hoặc cuống nên không xử lý kịp. Như trong trường hợp đó, họ có thể ngay lập tức gọi 113 thay vì di chuyển bệnh nhân chạy hết từ phòng này sang phòng khác như vậy.
...Là hiện tượng bất thường
Nhiều ý kiến cho rằng, nạn trộm cắp, đạo chích hoành hành đến côn đồ hành hung bệnh nhân trong bệnh viện đang phản ánh thực tế an ninh bệnh viện rất lỏng lẻo, thưa bà?
Trước đây người ta vào bệnh viện để cầu cứu bác sỹ, bệnh viện cứu người thì giờ đây lại có sự việc ngược lại. Người ta vào bệnh viện dọa bác sỹ cấm cứu người, vào bệnh viện đe dọa, thậm chí đòi "xử" bác sỹ. Đây là việc bất bình bình thường, các bệnh viện cũng không lường hết được nên họ không có sự phòng vệ. Lực lượng bảo vệ có thể có nhưng lại quá mỏng và thậm chí chỉ mới kiểm soát được một phần an ninh tại bệnh viện chứ chưa thể đối phó những sự việc bất ngờ ở mức cao. Và trong những tình huống gay go đó, họ lại có phần sợ sệt hoặc không dám phản ứng, phản ứng không kịp thời.
Trước đây, tại các trụ sở tòa án cũng từng xảy ra tình trạng náo loạn, mất an ninh trật tự. Và lực lượng hỗ trợ tư pháp được thành lập. Nhiều người có ý kiến cho rằng, cần phải thành lập một lực lượng an ninh chuyên biệt để đảm bảo an ninh tại các bệnh viện. Bà nghĩ sao về ý kiến này?
ĐBQH Bùi Thị An.
Nếu ngành nào cũng muốn có lực lượng an ninh chuyên biệt thì rất khó. Ngành y tế cũng không ngoại lệ. Ngành y tế, vì sự quá tải nên không thể kiểm soát hết được sinh ra những tiêu cực như: "Cò" bệnh viện, mất cắp, an ninh không đảm bảo... Theo tôi, nên nghiên cứu có một lực lượng an ninh tại các bệnh viện tuyến trung ương, ở các bệnh viện đang quá tải. Người nhà phải ra gốc cây, ghế đá ngồi. Người dân lúc nào cũng nơm nớp lo trộm cắp, về mặt tinh thần cũng không đảm bảo. Người nghèo có một chút tiền tích cóp đi chữa bệnh, đến bệnh viện lại trở thành nạn nhân của nạn móc túi thì họ cũng mất niềm tin vào bệnh viện và đặt câu hỏi về an ninh bệnh viện có thực sự an toàn?
Theo tôi, muốn giải quyết vấn đề một cách triệt để cần có những giải pháp khác, cần có sự vào cuộc từ Chính phủ đến nhân dân cùng chia sẻ.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt những vụ côn đồ vác gậy, mã tấu xông thẳng vào bệnh viện đòi giết bệnh nhân, "xử" bác sỹ, thưa bà?
Theo quan điểm của tôi, điều cốt lõi xuất phát từ giáo dục (gia đình, nhà trường). Hai là, hiện tượng mở cửa, game bạo lực bùng nổ, các trang mạng xã hội với những nội dung "bôi đen", bóp méo sự thật, ảnh hưởng đến tư tưởng, hành động của một bộ phận không nhỏ trong xã hội. Quản lý lỏng lẻo tại địa phương là nguyên nhân cho sự bùng phát những xung đột, mâu thuẫn. Hãy phát huy công tác giáo dục cộng đồng, tạo mối quan hệ lành mạnh trong xã hội... Để, nếu có va chạm, mâu thuẫn, họ đừng dùng vũ lực, gậy để hành xử với nhau.
Xin cảm ơn bà!
Xử lý nghiêm nếu thấy bảo vệ thiếu trách nhiệm Công tố viên Đặng Đình Liêm, viện KSND tỉnh Hậu Giang cho biết: "Có nhiều trường hợp bảo vệ không kiểm soát được các tệ nạn xảy ra trong khu vực mình quản lý, nhưng khi được người dân cung cấp thông tin cho những vụ việc thuộc quyền xử lý của bảo vệ thì nhiều người thuộc lực lượng này lại tỏ ra thờ ơ, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm. Do đó, khi phát hiện những sai phạm này, bệnh viện cần phối hợp với các công ty cung cấp bảo vệ để xử lý nghiêm". |
Lan Thơm - Công Thư - Huệ Trần