Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh: “Ngày 25/5, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 705/QĐ-TTg ban hành chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021. Theo đó, Hội Luật gia Việt Nam được giao tiếp tục chủ trì thực hiện đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý” đến năm 2021”.
“Việc Hội Luật gia được giao tiếp tục chủ trì thực hiện đề án "Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý" đến năm 2021 cho thấy, nhận thức của các bộ, ngành hữu quan, của các cấp ủy, chính quyền địa phương về vai trò, ý nghĩa của việc xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, về vị trí, vai trò của Hội Luật gia trong lĩnh vực công tác này đã được nâng lên rõ rệt và có nhiều điểm chung. Đồng thời, hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ, chức năng của Hội”, ông Quyền cho biết thêm.
Tiếp đó, GS.TS Lê Minh Tâm, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, sau khi có quyết định trên của Chính phủ, ngày 28/6, Hội Luật gia Việt Nam đã ban hành quyết định số 72/QĐ-HLGVN về việc thành lập ban Chỉ đạo và quyết định số 73/QĐ-BCĐ về thành lập ban Thư ký đề án gồm đại diện Hội Luật gia Việt Nam, bộ Tư pháp, bộ Tài chính, liên đoàn Luật sư Việt Nam để chỉ đạo, điều phối các hoạt động của đề án nhằm tạo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất trên phạm vi cả nước và trong từng địa bàn cụ thể.
Ngày 20/7, Hội Luật gia ban hành văn bản số 198/HLGVN về việc hướng dẫn thực hiện đề án “Xã hội hóa công tác phố biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017-2021”. Ngày 10/8, Hội tiếp tục ban hành kế hoạch số 215/KH-HLGVN triển khai thực hiện đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2012-2016” đến năm 2021 và kế hoạch số 216/KH-HLGVN triển khai thực hiện đề án năm 2017.
Ngày 5/9, Hội Luật gia Việt Nam đã có công văn số 229/HLGVN gửi bộ Tư pháp đề nghị công nhận thêm 18 báo cáo viên pháp luật của Trung ương Hội. Triển khai nghiên cứu, xây dựng dự thảo quy chế về tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý.
Nhiều hoạt động trong thời gian ngắn nhưng Hội Luật gia Việt Nam đã thực hiện tốt, chứng minh vai trò và thực lực của Hội. Qua đó, đã phổ biến sâu rộng các chủ trương, quan điểm, chính sách của dự thảo luật, pháp lệnh dự kiến trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét. Đồng thời, tham gia tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…
Đối với các địa phương, khi có các kế hoạch và văn bản hướng dẫn của Hội Luật gia Việt Nam thì đều tích cực triển khai thực hiện từ việc xây dựng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, ban hành kế hoạch, phân công trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện đề án.
Để đạt được những kết quả như trên, trước hết là do sự hướng dẫn, tổ chức triển khai và chỉ đạo kịp thời của Trung ương Hội cùng với sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm cao của bộ Tư pháp, bộ Tài chính và liên đoàn Luật sư Việt Nam. Vai trò của Hội Luật gia các tỉnh, thành phố thể hiện qua sự tích cực, chủ động và sự quan tâm, nhìn nhận đúng đắn của các cấp chính quyền địa phương.
Nếu so với giai đoạn trước thì việc triển khai thực hiện đề án giai đoạn này có sự khẩn trương và tích cực hơn rất nhiều. Minh chứng cụ thể là sau 6 tháng, kể từ khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã có 47 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch triển khai đề án.
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đại diện cho các tỉnh, thành trình bày quan điểm và phương pháp thực hiện đề án của Hội Luật gia Việt Nam. Đáng chú ý, bà Phạm Thị Hồng Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM nêu quan điểm về việc thực hiện mô hình tổ Pháp luật cộng đồng và vận động các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đánh giá cao các quan điểm, phương pháp thực hiện đề án của các tỉnh thành. Đồng thời, ông đánh giá cao sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức đã đồng hành cùng Hội Luật gia trong việc thực hiện đề án. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Quyền cũng nhấn mạnh đối với mỗi địa phương có một đặc thù riêng biệt mà các Hội Luật gia các tỉnh, thành phải vận dụng phương pháp sao cho phù hợp.