Chiều 29/3, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền cho hay, Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (gọi tắt là Nghị quyết 88) có rất nhiều điểm tích cực, nhưng khi triển khai thì cách thức, cách làm cũng vấp phải nhiều phản ứng trái chiều của cả người trong cuộc lẫn ngoài cuộc.
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền chia sẻ một số băn khoăn về công tác triển khai SGK xã hội hóa
Cụ thể, việc xã hội hóa SGK đã không có sự thận trọng, chặt chẽ ngay từ đầu. Sau nhiều lần trì hoãn, công tác biên soạn đến năm vừa rồi mới được triển khai trong sự vội vàng nên đã bộc lộ nhiều sai sót cả nội dung lẫn hình thức.
“Những sai sót này cá nhân tôi không cho đó là những “hạt sạn” mà là vấn đề nghiêm trọng. Trong khi việc xử lý trách nhiệm những sai sót này còn chưa rõ ràng, chưa công khai minh bạch thì cho đến giờ lại tiếp tục có những băn khoăn mới liên quan đến giá sách, đến việc chập hai bộ SGK xã hội hóa, rút gọn từ 5 bộ SGK xuống còn 3 bộ… Mà những thông tin này tạo nên nguồn năng lượng tiêu cực. Tôi thấy cần đặt ra một nghi vấn, đó là cách làm hiện nay phải chăng đang đi ngược lại chủ trương của Nghị quyết 88 về vấn đề xã hội hóa SGK”, bà Hiền nêu vấn đề.
Thưa ĐBQH, bà vừa nói đến giá SGK gây tranh cãi. Xin bà nói rõ hơn về vấn đề này?
Giá của các bộ SGK mới chưa thực sự rõ ràng. Ngoài ra, tôi cũng được phản ánh là có đơn vị khi giới thiệu SGK của mình đã nhấn mạnh là sách của họ được “Nhà nước trợ giá”. Nói như vậy là tạo kẽ hở để những nhà làm sách “lách luật”. Đã làm SGK xã hội hóa mà vẫn trông chờ Nhà nước trợ giá, vẫn còn trông chờ vào nguồn ngân sách thì nếu làm không khéo sẽ quay lại thế độc quyền SGK như cũ. Như thế thì lại đi ngược chủ trương của Nghị quyết 88.
Liên quan đến công tác xã hội hóa SGK, vừa rồi xảy ra vụ việc bộ GD&ĐT “quên” biên soạn bộ SGK tiếng dân tộc. Bà nhận định thế nào về vấn đề này?
Đó là một sai sót không nên có. Đặt ở góc độ những người biên soạn SGK, tôi rất chia sẻ và thấu hiểu vì những người biên soạn không có nhiều thời gian. Và trong quá trình làm, cách tiếp cận chưa thật sự phù hợp với lứa tuổi, chưa thật phù hợp với địa phương vùng miền. Nhưng đó là sai sót cần phải làm rõ và Chính phủ cần quyết liệt, cứng rắn trong việc này.
Vậy theo bà, vấn đề này nói riêng, vấn đề sai sót trong biên soạn SGK xã hội hóa nói chung, phải làm rõ thế nào?
Theo tôi, kỳ Quốc hội khoá XV tới phải có sự rà soát, giám sát chặt chẽ về cách làm, cũng như làm rõ trách nhiệm ở khâu nào. Bộ ngành nào, bộ phận nào đã làm sai hoặc làm chưa đúng thì phải có sự chấn chỉnh, thay đổi.
Nghị quyết 88 từ khóa Quốc hội XIII sang khóa XIV vẫn rất lưng chừng, cách làm chậm trễ, đến khi làm được rồi thì lại sai sót, phải kéo sang khóa XV. Một chủ trương mà kéo dài tới 3 nhiệm kỳ Quốc hội, đó là dấu hỏi lớn đặt ra đối với trách nhiệm của bộ ngành, cá nhân liên quan. Điều đó là không thể im lặng, “dĩ hòa vi quý” được.
Ngoài ra, Quốc hội cũng cần rà soát lại xem các nội dung của Nghị quyết 88 còn phù hợp hay không. Nghị quyết ban hành ra vẫn có thể điều chỉnh vì có những điều vào thời điểm ban hành thì phù hợp nhưng hiện tại không còn phù hợp nữa.
Tức là, khi xem xét trách nhiệm việc tổ chức thực hiện xã hội hóa SGK thì phải có sự hài hòa giữa các bên, chứ không phải chỉ đổ hết trách nhiệm cho bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), gây thiệt thòi cho các nhà đầu tư.
Tôi xin khẳng định, việc làm rõ trách nhiệm ở đây không phải là dồn ép trách nhiệm của các bộ ngành liên quan; mà phải nhìn ở cục diện chung, đó là chúng ta đang cải cách, đổi mới giáo dục. Và mục tiêu hướng tới là người học, phải đặt người học lên hàng đầu.
Hiện nay, với những sai sót đã xảy ra trong ngành Giáo dục, rõ ràng quyền lợi của người học chưa được đảm bảo. Do đó cần thiết phải xem xét trách nhiệm của các bộ ngành, cá nhân liên quan, đầu tiên là trách nhiệm của bộ GD&ĐT, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Còn trách nhiệm đến đâu thì phải có trọng tài, người cầm trịch làm rõ.
Xin cảm ơn bà!
“Đừng để cử tri chờ quá lâu..!!”
“Có không ít giáo viên, phụ huynh học sinh vẫn mang nhiều tâm tư, trăn trở gửi đến tôi ở kỳ họp cuối cùng này. Họ lo lắng rất nhiều, họ chờ đợi một phương hướng xử lý thật mạch lạc, một thái độ tôn trọng đối với những người đang chịu sự tác động của các quy định liên quan của ngành Giáo dục.
Để có niềm tin, chúng ta có quyền đặt câu hỏi nghi vấn hướng đến sự minh bạch. Quốc hội chất vấn thì Bộ trưởng, Chính phủ trả lời. Trả lời nghĩa là nói, nói phải đi đôi với làm, xin đừng để cử tri chờ quá lâu, chờ miệt mài từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác”.
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền