Sáng ngày 28/7, ông Nguyễn Hải Thanh, Cục trưởng cục Quản lý công trình bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) dẫn đầu đoàn công tác cùng lãnh đạo tỉnh, sở ban ngành Hà Tĩnh đi kiểm tra thực địa, để có những đánh giá, chỉ đạo tìm nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước tại Đập Dâng – Ngàn Trươi Cẩm Trang (đóng trên địa bàn huyện Vũ Quang) xảy ra thời gian gần đây.
Tác nhân nào gây ô nhiễm Đập Dâng?
Hai tác nhân chính được cơ quan chức năng Hà Tĩnh nhận định khiến nước đập Dâng ô nhiễm là do công ty gỗ MDF Thanh Thành Đạt xả thải và lượng mùn thối rữa đang lắng đọng dưới đáy hồ Ngàn Trươi sau quá trình vệ sinh, thu dọn lòng hồ do Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4) làm chủ đầu tư.
Tại buổi làm việc, ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc Ban 4 trình bày, hồ bắt đầu tích nước từ tháng 2/2017 đến nay. Tháng 12/2018, hồ Ngàn Trươi vận hành đồng bộ với dập Dâng Vũ Quang và đoạn kênh chính từ Đập Dâng đến kênh chính Linh Cảm. Từ đó, cho đến nay, lòng hồ và nước không có diễn biến gì bất thường.
Đến ngày 13 – 15/5, bắt đầu chuyển màu đỏ, Ban 4 đã tổ chức lấy mẫu quan trắc 4 lần vào các ngày 24/5, 24/6 và 26/6. Kết quả cho thấy, chỉ có một thông số NO2 - N (mẫu tầng đáy) trong đợt lấy mẫu ngày 24/5 vượt giới hạn cho phép cột B1 QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Còn lại các thông số khác đều nằm trong ngưỡng cho phép.
Tháng 4/2016, đơn vị này bắt đầu thực hiện công tác thu dọn lòng hồ với tổng diện tích thiết kế thu dọn 1.659,67/ha/4.610,05ha; thuộc phạm vi cao trình 12m đến 52m. Vùng thu dọn tính từ đập chính và tràn xả lũ đi vào phía trong lòng hồ. Nước lòng hồ Ngàn Trươi đảm bảo, không có lý do gì để khiến nước Dập Dâng ô nhiễm cả.
Nói về lượng mùn trong lòng hồ Ngàn Trươi đang được nhận định là một tác nhân gây ô nhiễm, ông Nguyễn Hải Thanh, Cục trưởng cục Quản lý công trình bộ NN-PTNT cho biết thêm, về mặt môi trường, bộ rất thận trọng. Hồ Ngàn Trươi mục đích chính là phục vụ nông nghiệp sau đó mới đến các mục tiêu khác. Tuy nhiên, trước đó, quá trình thu dọn lòng hồ, do chi phí hạn hẹp nên chủ đầu tư chỉ vệ sinh được một phần, mục đích chính là phục vụ nông nghiệp sau đó mới đến các mục tiêu khác vừa đảm bảo kinh tế vừa đảm bảo nguồn nước.
Tuy nhiên, ông Trần Quan Luận, Tổng giám đốc công ty gỗ MDF Thanh Thành Đạt lại cho rằng, công ty ông đang bị vu vạ khiến Đập Dâng ô nhiễm.
Ông Luận trình bày: "Chi phí xây dựng nhà máy sản xuất gỗ MDF là 1800 tỷ, đến 21/4 vừa qua mới khánh thành giai đoạn 1, đang trong quá trình chạy thử, chưa có nước sản xuất để nói rằng là tác nhân gây ô nhiễm".
“Dự án này của chúng tôi 100% dây chuyền của Châu Âu và hệ thống xử lý nước thải cũng là công nghệ của Châu Âu. Chúng tôi không làm gì sai trong dự án này. Nhà máy chúng tôi chưa sản xuất làm sao có lượng nước thải để gây ô nhiễm như vậy. Tôi đề nghị làm rõ nguyên nhân, cần thiết để cơ quan điều tra vào làm”, ông Luận nói.
Đồng tình với những trình bày trên của công ty Thanh Thành Đạt, ông Phan Lam Sơn, Phó Giám đốc sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh cũng cho hay, từ lúc xảy ra hiện tượng nước chuyển màu đến nay, sở đã lấy mẫu 3 lần.
Kết quả quan trắc, ở một số vị trí có thông số Fe, Amoni, CO, COD vượt ngưỡng. Lần quan trắc sau cùng vào ngày 25/7, đến nay chưa có kết quả. Theo đánh giá của Sở TNMT thì Nhà máy sản xuất gỗ của Thanh Thành Đạt đang vận hành thử nghiệm, chưa có nước sản xuất thì không thể có hóa chất xả ra môi trường. Lượng nước mặt ở bãi tập kết nguyên liệu có xả ra 1 phần nhưng sở đánh giá không phải là nguyên nhân chính.
“Có rất nhiều nguồn xả thải ra Đập Dâng nên sở đề xuất tỉnh mời viện công nghệ về tìm nguồn xả để khách quan và phải cô lập các nguồn thải để đánh giá”, Phó Giám đốc sở TNMT nói.
Xả kiệt Đập Dâng tìm nguồn gây ô nhiễm
Kết luận tại buổi làm việc, ông Lê Đình Sơn, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh thống nhất với Ban 4 phương án sẽ xả kiệt nước trong Đập Dâng vào thứ 3 sắp tới (ngày 30/7) để lấy lượng mùn lắng đọng phía dưới đáy đập, xét nghiệm. Ngoài ra, sẽ cô lập các nguồn xả thải khác xả ra Đập Dâng để lấy mẫu quan trắc, xác định chính xác nguồn gây ô nhiễm.
Tất cả các kết quả quan trắc từ trước tới nay sẽ được tổng hợp, để có đánh giá tổng quan, khách quan nhất. Các cơ quan chuyên trách tỉnh Hà Tĩnh sẽ thành lập 1 tổ công tác, do giám đốc sở TNMT chịu trách nhiệm chính. Các chủ thể có liên quan như Ban 4, UBND huyện Vũ Quang, Công ty Thanh Thành Đạt đều tham gia. Cần có sự tổng hợp toàn diện để tích hợp đánh giá toàn diện, tìm nguyên nhân các tác nhân xả thải, trong đó, không loại trừ cả những tác động bất thường của diễn biến thời tiết. Đảm bảo việc đánh giá dựa trên cơ sở khoa học.
“Để xảy ra ô nhiễm tại Đập Dâng là rất đáng tiếc. Phải dứt khoát việc tìm ra nguyên nhân, không thể chậm trễ nữa. Các cơ quan chuyên môn tỉnh Hà Tĩnh phải nhận diện, đánh giá khách quan những tác động nào để nước trong xanh chuyển nâu đục như vậy. Để tình trạng ô nhiễm kéo dài là còn nguy hiểm bởi lượng nước còn đến tận ruộng của dân, chúng ta buộc phải có câu trả lời nếu không trả lời sẽ đề nghị các cơ quan khác trả lời. Việc trả lời phải thực sự công tâm, khách quan và đảm bảo khoa học, kịp thời. Nhiệm vụ trước mắt là động viên nhân dân bình tĩnh. Huyện Vũ Quang có giải pháp kịp thời đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân", Bí thư Lê Đình Sơn nhấn mạnh.
"Nước sạch đầu ra nói là đảm bảo có thực sự đảm bảo không? Tôi yêu cầu lấy mẫu công khai để người dân yên tâm sử dụng. Nếu không đảm bảo phải nói rõ để có phương án thay thế cho dân. Ngoài ra, tôi yêu cầu sở y tế lấy mẫu luôn nguồn nước trên Đập Dâng có đảm bảo cho người dân tắm, trâu bò uống hay không. Sở Nông nghiệp phải chịu trách nhiệm làm rõ nguồn nước có ảnh hưởng gì đến cây trồng không? Sau 10 ngày, tổ công tác phải có báo cáo kết quả cho UBND tỉnh Hà Tĩnh. Đến lúc đó, nếu vượt quá quyền hạn thì tỉnh sẽ mời các cơ quan chuyên môn cao hơn vào làm”, vị Bí thư Tỉnh uỷ nêu rõ.