Xã tắc đàn và cơ mơ khoa học

Xã tắc đàn và cơ mơ khoa học

Thứ 6, 18/10/2013 13:21

Đàn xã tắc ở khu vực Ô Chợ Dừa, Hà Nội đã được công nhận là Di tích lịch sử. Tuy nhiên, từ khi khai quật đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều nhau. Vậy nó có phải là một nghi án lịch sử mới, một cơn mơ khoa học?.

Đi tìm lời giải về Xã tắc, Xã đàn

Sự bất đồng giữa chủ trương, dự án xây dựng công trình giao thông dân sinh với di vật khảo cổ học đào được lần này làm ta nhớ đến trường hợp mộ Hán Dương Lôi được nghi sai là mộ tổ nhà Lý năm nào, khiến cho công trình hoãn thi công hằng 2 năm ròng, kiện tụng, mất trật tự trị an thời gian dài. Ông Viện trưởng Viện khảo cổ học hiện nay, lúc đó đã từng bị dân chỉ trích oan. Tốn kém công quĩ vô vàn. Chậm tiến độ hao tổn hơn nhiều lần lãng phí hoặc bôi trơn. Việc không chỉ ở dân, mà còn ở ít nhất 3 nhà sử học trước đó có bài viết giấy trắng mực đen hẳn hoi (nay còn), tạo nên một cú hích cho lòng dân vốn tự hào với quê hương mình. Khi nhận ra thì câu chuyện đã trở nên quá phức tạp.

Xã hội -  Xã tắc đàn và cơ mơ khoa họci

Vị trí Đàn Xã tắc.

Những tác động nội căn, ngoại cảnh được ngũ quan tiếp nhận, thần kinh lưu tích, chợt tắt đỏ khi người ta ngủ tạo ra mộng mơ. Mộng mơ cũng là căn tính của nghệ sĩ, trí thức vì họ là “nhân sinh thức tự đa ưu hoạn” như Tô Đông Pha từng viết. Từ mộng mơ, nhiều khi cũng làm nên những phát kiến diệu kì. Độ chập ngẫu nhiên của vô thức làm lóe sáng một định đề ý thức. Theo tôi, cuộc đi tìm Đàn xã tắc có đủ yếu tố của một cơn mơ mộng.

Một dấu hiệu di tích, dù dưới dạng nào cũng cần thiết được nghiên cứu và có cách bảo vệ. Tuy nhiên, qui mô, phạm vi, cách thức bảo vệ lại phải rất phù hợp với giá trị của những dấu hiệu di tích đó. Cái đó gọi là cái lẽ “tri túc” (biết dừng khi đã đủ). Ở đây, một sự thảo luận khoa học, khách quan là cần thiết. Cùng trong một thể chế, cùng hướng tới một mục đích tốt đẹp, nhưng tình thế “tay chọc con mắt” không phải là chưa từng xẩy ra.

Ý tưởng tìm di tích xã tắc đàn chắc chắn nẩy sinh từ 3 nguồn: 1. Hai câu ghi chép trong Việt sử lược, Đại Việt sử kí toàn thư; 2. Địa danh Xã Đàn (không thể khảo rõ có từ thời nào); dư luận dân gian hiện đại về cái đàn này trên không gian Xã Đàn.

Ghi chép trong Việt sử lược (VSL), tác phẩm mang nhiều dấu vết đời Trần, về việc vua Lý Thái tông năm 1048, tháng 3, lập “xã đàn” ở ngoài cửa Trường Quảng để làm nơi bốn mùa cúng tế, cầu được mùa (Lập xã đàn vu Trường Quảng môn ngoại, tứ thời kỳ cốc).

Đến Đại Việt sử kí toàn thư (ĐVSKTT), hoàn thành đời Lê, thì cái xã đàn kia bỗng chốc biến thành “xã tắc đàn”, thành ra là “lập đàn xã tắc ở ngoài cửa Trường Quảng, bốn mùa cầu đảo cho mùa màng” (Lập xã tắc đàn vu Trường Quảng môn ngoại, tứ thời kỳ cốc).

Là người đọc sử kí trung đại, không ai khi gặp những thông tin như trên của hai cuốn sử cơ bản và quan trọng nhất lại không đặt ra những câu hỏi:  xã thần, tắc thần, xã đàn, xã tắc đàn và đàn… là gì?. Tài liệu trung đại ghi chép trước đời Lý về vấn đề này không thiếu, tài liệu ghi những vấn đề liên quan không thiếu, từ điển chú giải không thiếu, ta có thể tham khảo để hiểu những câu ghi trên của VSL và ĐVSKTT.

Đọc một văn bản cổ cũng như “đọc” một hố khảo cổ, trong đó, từ vựng là di vật, ngữ pháp là tương quan di vật, các ngữ đoạn, ngữ cảnh là các lớp di vật… Ta thấy ở đây, xã thần là thần thổ địa (thổ công, thổ địa, hậu chủ, hộ trạch…); tắc thần là thần lúa, thần ngũ cốc, thần mùa màng…; xã đàn là cái đàn để tế thổ địa thần, tắc đàn là cái đàn tế thần lúa, xã tắc đàn là từ mở rộng chỉ chung việc tế thổ địa và mùa màng, trong nhiều trường hợp, vì thần nông phụ trách việc mùa màng nên người ta dùng tế thần nông. Nó rất khác với Nam Giao đàn, một địa điểm có kiến trúc mà hoàng đế hay vua dùng để tế giao, công việc quan trọng hàng đầu của thể chế phong kiến trước đây. Còn từ vựng “xã tắc” để chỉ quốc gia, triều đại là một kiểu nói phiếm chỉ. Khi hai chữ này đi với  “đàn” thì nó có nghĩa cụ thể,  không thể hiểu nó là nơi tế trời đất hoặc quốc gia được.

Xã hội -  Xã tắc đàn và cơ mơ khoa học (Hình 2).

Tìm dấu tích cách đây cả ngàn năm- khó thay!

Chính sử chép về nhà Lý dài mênh mông nhưng duy nhất chỉ mỗi chỗ bé xíu đó là có chữ “xã đàn” (VSL) hoặc “xã tắc đàn” (ĐVSKTT) mà thôi. Tuyệt nơi khác không thể có mấy chữ này. Biết tin cuốn sử nào đây khi mà xã đàn và xã tắc đàn về nghĩa có chỗ giao nhau nhưng cũng nhiều chỗ xa nhau lắm. Nếu ghi là “xã đàn” thì dù là người giàu tưởng tượng cũng khó mà liên hệ trường nghĩa của nó với quốc gia, dân tộc, triều đại, tổ tiên. Còn nếu là xã tắc đàn thì trí tưởng tượng tha hồ bay bổng vì ai ai cũng thuộc làu câu thơ nhà Trần sau này: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã” hoặc câu văn Nguyễn Trãi, thời Lê, trong Đại cáo bình Ngô: “Xã tắc từ đây vững bền/Giang sơn từ đây đổi mới”. Nhưng thôi ta cứ mộng mơ, lấy cái nghĩa phiếm chỉ văn chương làm kim chỉ nam mà đi tìm cái sự vật thật của sử kí chép. Hai chữ “xã tắc” (nghĩa bóng chỉ quốc gia) có khi đã trở thành chiếc kính lúp soi chiếu quá khứ làm nó lấp lánh hào quang và đến lượt ta dùng hào quang đó để hoạch định công việc tương lai. Cấp số nhân của mơ mộng.

Nhưng thôi, dễ tính một tí, cứ coi “xã đàn” cũng là “xã tắc đàn” đi. Nhưng còn “đàn” là gì vậy? Ta có thể lấy một loạt “đàn” sau này của Nguyên, Minh, Thanh Trần, Lê, Tây Sơn, Nguyễn để mà qui chiếu ngược. Còn các từ điển đều thống nhất gọi đó là: Thời xưa, nó hoặc là chỗ đất người ta dọn sạch rưới nước hoặc rượu, hoặc là chỗ đất người ta đắp tạm nên,  hoặc là chỗ đất người ta đóng gỗ cừ để cúng tế hoặc diễn lễ. Thế thôi. Nó khác với “đài” là phải xây dựng khá cố định. Trời ơi! Đã ngót 1000 năm trôi qua, bây giờ đi tìm một chỗ đất tạm bợ như vậy thì khó biết dường nào. Nhưng mộng mơ ai cấm ta đừng. Đi tìm là tìm chứng cứ đất và gỗ, những thứ vốn rất dễ hỏng nát cùng thời gian. Nếu gặp gạch thì sao? Thì cứ coi là nền tảng của nó vậy, đóng gỗ xuống gạch chứ làm sao nữa.

Mà này, nhà Lý trọng nông lắm, cầu mùa, cầu mưa, cầu tạnh, cầu thần nông… nhiều lắm. Ngay trước 1048, đã có thông tin chắc chắn Lý công Uẩn đã tế xã thần, xã tắc thần. Tế thì phải có “đàn”. Nhưng khổ nỗi là họ cầu nơi khác với kiểu khác với sự cầu ở xã tắc đàn kia. Ta có thể khảo được. Tuyệt đối không lóe lên hi vọng nào là họ, sau cái năm 1048 lập đàn ấy, còn dùng lại đàn này một lần nào nữa. Có nghĩa là họ không tu bổ tu sửa, đắp/đóng nó lại lần nào. Nó như biến khỏi ý thức của giới sử học phong kiến vốn cẩn trọng với việc vua làm. Thế mới khó cho cuộc đi tìm chứ. Tại sao vua sau không tiếp bước tiên vương cái công việc quan trọng đó nhỉ? Hay nó không quan trọng như ta nghĩ?. Không! Hãy cứ hi vọng.

Có phải thế này không? Là vì sau khi “lập đàn”, không rõ cầu cúng thế nào mà 7 năm còn lại đời vua Lý Thái tông, chỉ thấy nước to, lụt lội, động đất, dân làm phản, đất biên cương Đại Việt bị lấn chiếm… nên các vua sau bỏ nó đi. Đó là những trang sử kí u buồn và loạn lạc. Ngoài thành mà bị lụt lội (có khi 2 tháng ròng như năm 1053) thì ở chỗ thấp, đất và gỗ chịu sao thấu. Thật khó khăn cho công việc đi tìm.

Nhưng mộng mơ vẫn giục ta đi, địa danh Xã Đàn còn đó, dù ta biết rằng, từ thôn, hương, huyện, châu, kinh sư đều có thể lập ra cái chỗ để tế thổ công, thổ địa, hậu thổ, gọi là “xã đàn” cả. Và ta đã gặp, không phải là đất và gỗ, mà là gạch và một số thứ khác. Đây rồi, công nhận Di tích ngay để giữ gìn dấu hiệu. Và thế là ta giữ lấy nó như giữ giấc mơ rất mơ mộng của mình. Xã-Tắc mà lại. Giấc mơ vẫn tiếp tục cơ mà.

Hà Nội 30-4-2013.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.