Tiếp nhận phản ánh của người dân, PV báo Người Đưa Tin đã tìm đến nơi vừa xảy ra vụ sập cầu giao thông nông thôn thuộc ấp Kênh 9, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau).
Theo ghi nhận của chúng tôi, chiếc cầu ngang 1,5m dày khoảng 3m bắc qua con kênh ở ấp Kênh 9 đã sập hoàn toàn. Sự cố khiến người lưu thông bằng xe máy trong khu vực phải dẫn xe đi vòng trên bờ ruộng hết sức khó khăn.
Theo lời kể của người dân sống quanh khu vực ấp Kênh 9, khi con lộ giao thông nông thôn còn đi lại được, các em học sinh từ 5 trở lên có thể đạp xe đến trường, không cần cha mẹ đưa đón.
Tuy nhiên, khi con con đường xuống cấp nghiêm trọng và cây cầu bắt qua con kênh dẫn nước phục vụ sản xuất của hai hộ dân bị sập, nhiều người phải bỏ việc làm để đưa con đi học, một số em phải đến trường bằng phương tiện đò rất tốn kém.
“Đang mùa cấy lúa, tôi cũng phải bỏ cả việc ruộng đồng đi đón con. Để mấy đứa nhỏ đạp xe đi qua những cây cầu kiểu chấp vá, tôi không yên tâm. Nhiều ngày, con đi học 1 ngày 2 buổi, tôi phải bỏ hết mọi việc chỉ chờ đến giờ đi rước con”, một người dân bức xúc.
Lưu thông trên con đường nông thôn đang được người dân phản ánh, chúng tôi bắt gặp nhiều cây cầu được làm bằng ván tạm bợ, một số cây cầu ván sử dụng lâu năm bị mục rơi gần hết xuống kênh.
Theo người dân địa phương, tuyến đường là mạch lưu thông chính của người dân nhưng họ luôn cảm thấy bất an khi di chuyển.
Ông Nguyễn Văn Minh, một nông dân ở ấp Kênh 9 thông tin, những ngày qua, mưa lớn kéo dài những cây cầu ván sử dụng lâu năm bị mục rơi gần hết xuống kênh. Vì vậy, tai nạn thường xuyên xảy ra...
“Gần đây, cầu trơn trượt lưu thông không được nên tôi xuống xe định dắt xe qua cầu cho an toàn. Tuy nhiên, trong lúc dắt xe qua cầu, tôi và xe đi rơi hẳn xuống sông”, ông Minh Kể.
Thông qua PV báo Người Đưa Tin, nhiều hộ dân ở ấp Kênh 9 rất mong các cấp chính quyền xem xét sớm đầu tư xây dựng cây cầu mới để việc đi lại của người dân được thuận lợi, các em học sinh trong vùng được an toàn cắp sách đến trường.
Trao đổi với PV về con đường nói trên, ông Lê Tuấn An, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bằng thông tin, xã Tân Bằng đã có kế hoạch xây dựng con đường này, nhưng chưa có kinh phí…
Theo ông An, để thuận cho việc đi lại của người dân, trước mắt, địa phương đã huy động lực lượng Đoàn viên thanh niên trong xã kết hợp với người dân tổ chức sửa theo kiểu “chấp vá”, hư đến đâu tự sửa chữa, dặm vá đến đó…
“Trong những năm qua, xã phải bỏ ra rất nhiều chi phí để dặm vá đường, chưa kể công sức của người dân đóng góp nhưng kết quả cũng chỉ như “ném đá ao bèo”. Thấy bà con đi lại cực quá, xã dồn sức huy động rải đá vá “ổ voi” cho bà con đi tạm. Vài chục triệu, xã còn lo được chứ tiền trăm, tiền tỷ thì…”, vị Phó Chủ tịch UBND xã cười trừ.