Thông tin trên được ông Lê Nam Sơn, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường Hà Tĩnh, Thanh tra xác nhận vào chiều 6/7. Công ty Thanh Thành Đạt bị phạt vì lỗi không thực hiện đúng các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Ông Sơn cho hay, theo hồ sơ báo cáo và phê duyệt đánh giá tác động môi trường thì tất cả nước thải của nhà máy sản xuất gỗ của công ty này đều phải thu gom đưa vào hệ thống xử lý trước khi xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, dù đang chạy vận hành thử nhiệm nhưng Nhà máy sản xuất gỗ MDF, HDF, gỗ ván thanh và keo formadehyde của công ty Thanh Thành Đạt, chưa hoàn thành hệ thống xử lý nước thải. Tất cả nước thải đã được nhà máy xả trực tiếp ra Khe Trươi bằng đường ống nổi bán kính gần 1m, nối thẳng với khu vực phía trong nhà máy (Khe Trươi chạy ra đập dâng thuộc Công trình thủy lợi Ngàn Trươi Cẩm Trang).
“Thời điểm kiểm tra, chúng tôi đã yêu cầu công ty tháo dỡ đường ống xả thải. Sau đó họ đã bịt xi măng lại nhưng quan điểm của thanh tra sở là phải tháo dỡ hoàn toàn đường ống, vì nếu để như thế sẽ không thể kiểm soát được”, ông Sơn nói.
Nói về nguyên nhân dẫn đến nước có màu đỏ đục tại đập dâng Ngàn Trươi với kết quả quan trắc cho các thông số vượt ngưỡng, ông Sơn thông tin, sau đợt mưa to từ ngày 13 – 15/5 thì đập dâng xuất hiện hiện tượng nước đỏ đục bất thường. Tuy nhiên, thời điểm khi đoàn tổ chức lấy mẫu thì công ty Thanh Thành Đạt không xả thải nữa, chính vì vậy không thể kết luận chính xác được có phải nguyên nhân do nhà máy này xả thải hay không. Bởi, các nguồn chảy vào đập dâng không chỉ mỗi nhà máy của Thanh Thành Đạt.
“Tại cuộc họp có cả chính quyền địa phương, các sở ban ngành liên quan, có nhiều ý kiến phân tích, nguyên nhân đập dâng bị ô nhiễm có thể do Thanh Thành Đạt gây ra, cũng có thể do tác động khác của môi trường. Với thông số trong kết quả quan trắc này thì chưa thể kết luận một cách thỏa đáng.
Cũng có nhiều ý kiến phân tích, khi chưa có nhà máy gỗ của Thanh Thành Đạt thì đập dâng chưa bao giờ có hiện tượng này, khi nhà máy hoạt động thì lại có nhưng để có kết luận chính xác nguyên nhân trên cơ sở khoa học thì không có cơ sở”, ông Sơn nói.
Trước đó, như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, sau đợt mưa lớn từ ngày 13 – 15/5, nước tại khu vực đập dâng thuộc công trình thủy lợi Ngàn Trươi Cẩm Trang (đóng trên địa bàn huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) bất ngờ chuyển màu đỏ đục bất thường. Tình trạng này chưa từng xảy ra tại công trình thủy lợi quốc gia với nguồn nước vừa phục vụ tưới tiêu vừa sinh hoạt, ăn uống cho 6 huyện Bắc Hà Tĩnh khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng.
Để xác định chính xác nguyên nhân, UBND huyện Vũ Quang đã khẩn trương phối hợp với trung tâm Quan trắc sở TNMT tỉnh, tiến hành lấy mẫu nước quan trắc tại 5 điểm là nguồn xả trực tiếp vào Đập Dâng gồm: Tại vị trí tràn đập dâng; sông Ngàn Trươi; cống xả hồ Ngàn Trươi và 2 điểm trên và dưới nhà máy sản xuất gỗ của công ty cổ phần Gỗ MDF Thanh Thành Đạt. Kết quả quan trắc, 2 mẫu nước tại vị trí tràn đập dâng và dưới nhà máy gỗ MDF có thông số COD vượt ngưỡng cho phép 1,07 lần. Ngoài ra, 3 mẫu nước tại vị trí tràn Đập Dâng, trước nhà máy nước Vũ Quang và cống xả hồ Ngàn Trươi cũng đều có thông số Amoni (NH4) và Sắt vượt ngưỡng.
Trước sự việc, sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Tĩnh phát đi văn bản số 1075/SNN-TL/14/6/2019 gửi UBND tỉnh đề nghị UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân để có giải pháp xử lý triệt, rút kinh nghiệm từ những hậu quả ở sự cố môi trường biển xảy ra vào đầu tháng 4/2016 tại 4 tỉnh miền Trung.