Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Xuân Mậu, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Trực, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) cho biết, ban chỉ đạo mía của xã này đã thay biển “Ban chỉ đạo mía xã Thành Trực cấm bán mía khi chưa được phép của ban chỉ đạo” bằng “Ban chỉ đạo mía xã Thành Trực đề nghị nhân dân không tự ý thu hoạch mía nguyên liệu trong vùng nguyên liệu đã liên kết với nhà máy”.
Theo ông Mậu, đối với diện tích mía mà người dân không ký hợp đồng liên kết, không nhận đầu tư của nhà máy (Công ty mía đường Việt Nam - Đài Loan) là tài sản của họ và nhân dân có quyền tự định đoạt. Đối với những diện tích mía tại địa phương mà người dân đã ký liên kết và nhận đầu tư của nhà máy thì phải tuân thủ hợp đồng.
Xã Thành Trực được quy hoạch là vùng nguyên liệu của nhà máy Công ty mía đường Việt Nam - Đài Loan, dù dân không ký hợp đồng liên kết, không nhận đầu tư, nhưng với chức năng quản lý nhà nước, đảm bảo đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thay vì “cấm bán mía” như trước.
Ông Mậu thông tin, sau khi Người Đưa Tin có phản ánh việc xã Thành Trực cẳm biển “cấm bán mía” tại các con đường dẫn xuống ruộng mía, Chi Cục trồng trọt (Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa) đã về làm việc với địa phương. Xã đã báo kết quả kiểm tra, xử lý việc ban chỉ đạo cắm biển “cấm bán mía” cho UBND huyện Thạch Thành và Chi cục trồng trọt.
Trước mắt, xã sẽ họp để cán bộ các thôn hiểu được chủ trương của xã để tuyên truyền cho nhân dân và sau đó sẽ xem xét trách nhiệm của cán bộ tham mưu cho ban chỉ đạo xã cắm biển “cấm bán mía”.
Theo ông Mậu, cắm biển “cấm bán mía” là do cán bộ văn hóa xã hiểu nhầm ý của ban chỉ đạo mía xã Thành Trực.
Trước đó, Người Đưa Tin có bài viết “Xã cắm biển “Cấm bán mía” do dân tự trồng trên đất nhà”. Nội dung bài viết phản ánh, gần đây, trên những con đường dẫn ra ruộng mía của dân tại các thôn Vọng Thủy, Đa Đụn, xã Thành Trực, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa xuất hiện nhiều tấm biển với dòng chữ: “Ban chỉ đạo mía xã Thành Trực cấm bán mía khi chưa được phép của ban chỉ đạo”.
Việc xã Thành Trực cắm biểm “cấm bán mía” này tạo ra một số thiệt thòi cho người dân trồng mía, số hộ dân không ký hợp đồng liên kết và không nhận đầu tư của nhà máy rất bất bình khi mía đã đến thời kỳ thu hoạch không được bán.
PV Người Đưa Tin trực tiếp tới trụ sở UBND xã Thành Trực liên hệ gặp lãnh đạo xã này để xác minh thông tin, làm rõ sự việc xã cắm biển “Cấm dân bán mía”. Trao đổi qua điện thoại, khi PV đặt vấn đề, xin làm việc với Phó chủ tịch xã phụ trách lĩnh vực thì ông Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch UBND xã Thành Trực phủ nhận thông tin việc xã cắm biển “cấm dân bán mía”. Ông Long nói: “Em đọc lại biến đi rồi hãy đến xã làm việc”!?
PV tiếp tục liên hệ với ông Lê Xuân Mậu, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Trực. Khi chúng tôi cung cấp thông tin, hình ảnh việc xã cắm biển cấm dân bán mía tại đường dẫn xuống ruộng thì ông Mậu thừa nhận sự việc này là đúng thực tế.
Theo ông Mậu, thôn Đa Đụn và Vọng Thủy có khoảng 135 ha mía và đây là vùng nguyên liệu của nhà máy mía đường Việt Nam – Đài Loan.
Đầu vụ mía 2022-2023, địa phương đã ký hợp nhà máy mía đường Việt Nam – Đài Loan về việc bao tiêu nguyên liệu. Ông Mậu thừa nhận, mía được trồng trên đất nhà nước giao hợp pháp cho dân, một số hộ dân tự trồng, không nhận ký hợp đồng liên kết và không nhận đầu tư của nhà máy.
Mục đích UBND xã Thành Trực cắm biến “Cấm bán mía” là nhằm đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu theo hợp đồng đã ký với nhà máy và quyền lợi lâu dài cho người trồng mía trên địa bàn xã.
Ông Mậu thừa nhận, nếu bán mía cho nhà máy thì giá thường thấp hơn thương lái thu mua, dân còn phải bỏ tiền chặt và bốc lên xe, mía phải đạt độ đường theo quy định và việc thanh toán phải qua HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thành Trực.
Theo ông Mậu, vụ mía 2017 – 2018, HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thành Trực và giám đốc là ông Trần Bá Nam đã đã chiếm dụng của gần 40 hộ dân hơn 1 tỷ đồng tiền mía. Hiện tại, ông Nam và hợp tác xã đang nợ dân khoảng 500 triệu đồng tiền mía.
Một số hộ dân đã khởi kiện vụ án dân sự ra tòa và được thanh toán tiền bán mía, hơn 20 hộ còn lại, trong quá trình xét xử, TAND huyện Thạch Thành xác định vụ việc có dấu hiệu hình sự nên chuyển hồ sơ quan Công an huyện Thạch Thành để giải quyết.