Ngày 20/10, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (Tp.HCM) cho biết, nam bệnh nhân P.M.T, 55 tuổi, ngụ tại Tiền Giang với chẩn đoán ngộ độc cấp nghi ngờ do sữa đã được xuất viện.
Nhập viện nghi ngộ độc sữa
Liên quan vụ ngộ độc sữa ở tỉnh Tiền Giang, trước đó, mẹ và em trai của bệnh nhân đã tử vong. Đáng nói, cả 3 người đều cùng uống chung một loại sữa bột.
Bệnh nhân được Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp cấp, phải thở máy.
Bệnh sử ghi nhận trong ngày 14 và 15/10, mẹ và em trai bệnh nhân đã tử vong sau khi dùng cùng một loại sữa bột.
Tại đám tang của mẹ và em trai, bệnh nhân cũng sử dụng loại sữa này, sau đó thì nôn ói, diễn tiến nhanh dẫn đến lơ mơ, suy hô hấp.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân đang được ê kíp điều trị tích cực áp dụng đồng thời nhiều giải pháp gồm thở máy, lọc máu, sử dụng thuốc vận mạch, truyền dịch để đào thải chất độc.
Trước tình trạng nguy kịch, diễn biến phức tạp của bệnh nhân, ê kip điều trị cũng tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa để tiếp tục xác định nguyên nhân và đưa ra hướng chăm sóc tiếp theo cho bệnh nhân.
Đồng thời, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng phối hợp với các cơ quan pháp y, trung tâm xét nghiệm sinh học để xác định độc chất. Trước đó, mẫu sữa bột cũng đã được cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang gửi đi giám định.
Ngày 20/10, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đến giờ phút này có thể nói, các chất độc đã được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi người bệnh nhân. Người bệnh có thể sinh hoạt bình thường, các chức năng khác trên cơ thể bệnh nhân như thận, phổi đã hồi phục bình thường.
Các chất độc trong cơ thể bệnh nhân là gì?
Bác sĩ Hùng cho biết, hiện kết quả các mẫu xét nghiệm gửi đi đều âm tính, không tìm ra được chính xác độc chất gây ngộ độc cấp.
Bác sĩ Hùng chia sẻ thêm: Qua triệu chứng lâm sàng, bệnh sử, diễn biến bệnh, chúng tôi nghi ngờ 5 loại độc chất theo thứ tự gồm cyanua, nhóm thuốc trừ sâu organophosphate/carbamat, asen, strychnin, botulinum. Nhưng, chúng tôi không thể khẳng định là những chất này tự sản sinh trong sữa hay được bỏ vào trong sữa".
Bác sỹ Hùng khuyến cáo thêm, nếu một người đang bình thường sau một bữa ăn, uống, tiệc tùng mà có triệu chứng bất thường diễn ra nhanh trong khoảng 15-30 phút trở lại cần đưa ngay đến cơ sở y tế. Vì nếu ngộ độc cấp không thể sơ cứu được, chỉ có thể đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Theo các bác sỹ Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, khi mới vào viện, các bác sỹ gặp nhiều áp lực để cấp cứu cho bệnh nhân.
Vì lúc đó tính mạng bệnh nhân trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Các quyết định của bác sỹ đưa ra phải thật nhanh và chính xác và tính bằng giây bằng phút thì mới kịp thời cứu sống bệnh nhân.
Thạc sỹ, bác sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn, gia đình trong lúc tang gia bối rối.
Do đó toàn bộ chi phí điều trị tại bệnh viện của bệnh nhân đã được Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy kêu gọi mạnh thường quân đóng góp. Hiện, bệnh nhân không phải đóng góp bất kỳ khoản viện phí nào…
Ngoài ra, phần hỗ trợ từ mạnh thường quân còn dư và phần gia đình tạm ứng cho bệnh nhân tại bệnh viện sẽ được bệnh viện hoàn lại cho bệnh nhân…
Nguyễn Lành