Khoảng 23h ngày 23/10, gần 600 học viên tại Cơ sở cai nghiện Đồng Nai (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) đồng loạt trốn ra ngoài rồi ùa ra quốc lộ 1 gây náo loạn.
Trước đó không lâu, ngày 25/9 và giữa tháng 10 cũng có hàng chục đối tượng cai nghiện tại cơ sở này đã phá lưới, sau đó dùng quần áo, mùng mền nối thành dây và trốn thoát.
Tại cơ sở cai nghiện ở Hải Phòng cũng từng xảy ra tình trạng tương tự khi hàng trăm học viên vượt tường bỏ trốn, gây náo loạn đường phố và khiến nhiều người dân hoang mang.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin xung quanh vấn đề này, ông Lê Đức Hiền – Phó Cục trưởng Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đưa ra những nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Theo đó, nguyên nhân khách quan được ông Hiền chia sẻ:
Thứ nhất, các đối tượng nghiện được đưa vào trại phần lớn không muốn hợp tác cai nghiện, có nhiều người bị "ngáo đá", không làm chủ được hành vi. Đây là một dạng tâm thần ảo giác và hay phá phách.
Thứ 2, xảy ra sự việc trốn trại chủ yếu là nơi học viên mới vào. Những đối tượng này thường không có nơi cư trú ổn định, được đưa vào trại để cắt cơn nghiện, trong thời gian đó, các cơ quan hoàn thiện thủ tục hồ sơ, sau đó mới đưa ra tòa án cấp huyện xét để cai nghiện bắt buộc. Những đối tượng này chưa quen nề nếp quản lý của cơ sở, bản thân họ cũng có nhiều tiền án, tiền sự, không chấp hành nội quy tại trung tâm.
Mặt khác, trước tình hình “bức xúc” của xã hội, tại một số tỉnh đưa vào cơ sở cai nghiện số lượng lớn các đối tượng trên, vượt mức cho phép mà cơ sở cai nghiện có thể chứa. Ví dụ cơ sở cai nghiện ở Đồng Nai chứa được 700 – 800 người nhưng đưa vào đây con số 1,5 nghìn học viên, gây ra những bức xúc vì chuyện quá tải.
Về mặt chủ quan, theo ông Hiền, để xảy ra tình trạng đó xuất phát từ một số nguyên nhân như: Cơ sở vật chất tại các cơ sở cai nghiện chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là từng thời kỳ có tính chất cao điểm, số lượng cán bộ để nắm bắt được tâm lý người nghiện, chưa đáp đủ theo số lượng đối tượng cai nghiện được đưa vào đây.
“Phải có nhiều cán bộ tâm lý hơn và chất lượng nghiệp vụ tiếp tục phải nâng cao hơn”, đó là kiến nghị của ông Hiền.
Trước tình hình đó ông Hiền cho biết, từ phía tỉnh, thành phố cũng đưa ra các biện pháp tăng cường cơ sở vật chất tại các cơ sở này; mở các lớp tập huấn, nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ đặc biệt là trình độ quản lý và tư vấn; cải thiện chế độ sinh hoạt đối với các học viên; đa dạng các hình thức cai nghiện, mở rộng cai nghiện tự nguyện, xây dựng môi trường thân thiện…
“Tuy nhiên, việc tăng cường ấy không phải một sớm một chiều có thể làm được ngay”, ông Hiền chia sẻ.
Mở rộng vấn đề, lãnh đạo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết: “Như vụ ở Đồng Nai, ban đầu chỉ có 2 – 3 học viên là các đối tượng cộm cán, sau đó họ phá phách, đi hết nơi này nơi khác lôi kéo, đập phá tài sản công. Đây là hình thức manh động của những người cầm đầu và tạo thành hội chứng đám đông sang các đội khác".
Theo thông tin chúng tôi nhận được, Sở LĐTB&XH Đồng Nai phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai, Công an huyện Xuân Lộc cùng các đơn vị chức năng tổ chức truy tìm, đưa học viên trở lại trung tâm. Tính đến trưa 24/10, nhà chức trách đưa 341 học viên trở lại.
Cơ quan chức năng đã xác định được 3 đối tượng cầm đầu trong vụ tổ chức trốn trại cai nghiện ở Đồng Nai gồm: Trần Ngọc Dũng (26 tuổi, ngụ ấp Lộc Hòa, xã Tây hòa, huyện Trảng Bom); Võ Đình Huân (31 tuổi, ngụ KP.5, phường Xuân Hòa, TX.Long Khánh); Đậu Đức Nghĩa (31 tuổi, ngụ tại KP.5, phường Long Bình, TP.Biên Hòa).
Nguyễn Huệ