Chiều 4/7, thông tin với báo chí, đại diện lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hải Phòng cho biết, đã có kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm cá thu kho là nguyên nhân khiến hơn 100 công nhân tại Công ty Cổ phần đóng tàu Sông Cấm tại huyện An Dương bị ngộ độc.
Theo đó, qua lấy mẫu số thức ăn của các công nhân trong bữa trưa 27/6, phát hiện hàm lượng Histamin trong mẫu cá thu kho cao gấp 40 lần giới hạn cho phép. Các mẫu khác như canh rau ngót, bí xanh, dưa hấu… không phát hiện dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật.
Vì thế, có thể khẳng định món cá thu kho khiến hơn 100 công nhân Công ty Cổ phần đóng tàu Sông Cấm bị ngộ độc.
Lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hải Phòng cũng cho biết, Sở Y tế Hải Phòng đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND Thành phố xử phạt đơn vị cung cấp suất ăn là Công ty TNHH dịch vụ Thành Hưng số tiền 180 triệu đồng. Đồng thời, dừng hoạt động của đơn vị này từ 3 - 5 tháng theo quy định.
Trước đó, Người Đưa Tin đã thông tin, sau bữa ăn trưa 27/6 tại bếp ăn tập thể của Công ty CP đóng tàu Sông Cấm ở thôn Ngô Hùng, xã An Hồng, huyện An Dương, Tp.Hải Phòng, nhiều công nhân có dấu hiệu nghi ngộ độc thực phẩm. Sau đó, 127 người nhập viện, 51 người phải nằm theo dõi tại Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Sở Y tế Hải Phòng chỉ đạo các cơ sở y tế tập trung nhân lực, phương tiện điều trị, chăm sóc, theo dõi các công nhân phải nhập viện. Đồng thời, điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ việc theo quy định, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Tối 27/6, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ra Công văn số 1476/ATTP-NĐTT đề nghị Sở Y tế Hải Phòng chỉ đạo bệnh viện có người bệnh đang điều trị, tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng, trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với bệnh viện tuyến trên.
Bên cạnh đó, đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể Công ty CP đóng tàu Sông Cấm, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc theo quy định, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân. Phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.
Ngoài ra, tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, và sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác, xuất xứ.