Bài hát “Con gái” của nhạc sĩ Ngọc Lễ ngay khi ra đời gây được tiếng vang bởi những cảm xúc vô cùng gần gũi và chân thật về phụ nữ. Thế mới thấy may cho nhạc sĩ khi ông sáng tác ca khúc đó từ lâu rồi. Chứ nếu để đến bây giờ ông mới có “cảm hứng” sáng tác thì chắc chắn những câu từ trong ca khúc đó sẽ rất khó thu hút thính giả.
Bởi giờ đây, không chỉ có “con gái nói có là không, con gái nói không là có” nữa mà nhiều cán bộ xã cũng rất ưa kiểu trình bày “vòng vo Tam quốc”, thậm chí “trắng trợn chối bỏ sự thật”.
Trong khi người dân thôn Điền (xã An Nội, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) suốt 2 năm nay phải khốn đốn, khổ sở, phải sống chung với hàng trăm xác lợn chết trên mương tiêu, phải chịu đựng mùi xú uế nồng nặc từ hàng tấn thịt thối đang trong quá trình phân hủy thì nhiều lãnh đạo xã nơi đây lại hoàn toàn phủ nhận!
Trả lời phóng viên (PV) truyền hình về việc xác lợn chết la liệt tại địa phương, ông Trần Xuân Hoàn (Chủ tịch UBND xã An Nội, Bình Lục, Hà Nam) khẳng định rằng: “Tôi đã trực tiếp đi kiểm tra trên kênh có lợn chết, nhưng thực chất là không có tình trạng lợn chết, rác cũng chỉ lác đác, không phải là có nhiều”.
Tuy nhiên, khi được yêu cầu đi kiểm tra “lại” một lần nữa, vị chủ tịch xã lại thẳng thừng từ chối và cử cán bộ cấp dưới đi thay. Được cái “trên dưới một lòng” nên vị cán bộ nói trên cũng… không thấy bất cứ một xác lợn nào dù PV đã “chỉ tận tay, day tận xác” con lợn và hỏi “Con gì đây ạ?”.
Càng nghĩ càng thấy giác quan của vị chủ tịch xã cùng nhiều vị cán bộ nơi đây có vấn đề. Cứ cho rằng ông Hoàn kia đi lộn sang con mương khác (không phải con mương mà người dân phản ánh nên mới không thấy một xác lợn chết nào). Nhưng một con chuột bé bằng nắm đấm, khi chết, mùi hôi thối bốc lên cũng khiến cả khu xóm phải náo loạn, chứ đừng nói đến hàng trăm xác lợn, từ vài ký cho đến cả tạ đang trong quá trình phân hủy.
Ngoài ra, nhiều hộ gia đình “có chút điều kiện” ở thôn đã phải “đầu tư”, lắp đặt cửa kính bởi cửa chỉ cần “hở” một chút thôi, mùi hôi thối sẽ xộc ngay vào nhà và khiến cho người dân phải “đau đầu”.
Vậy mà chủ tịch xã đi “vi hành ngang dọc” thôn, vị cán bộ cấp dưới khi dẫn PV ra hiện trường vẫn một mực khẳng định “không có lợn chết”, họ không có bất cứ phản ứng gì với những “nỗi khổ” của dân. Thế chẳng phải khứu giác của một số cán bộ xã này đều có vấn đề hay sao?
Có lẽ là vậy, bởi nếu thị giác và khứu giác của nhiều cán bộ địa phương này đều “hoạt động bình thường” thì người dân đã chẳng phải chịu cảnh “sống chung với xác” suốt 2 năm nay.
Đúng là sống trong cảnh ô nhiễm đã khổ, lại phải chịu sự quản lý, điều phối của những… cán bộ “điếc” thì khổ gấp trăm nghìn lần.
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả