Đừng “ám ảnh” xác suất thống kê từ đại học
Thầy Hà Đình Hạnh, giáo viên môn Toán, hệ thống Giáo dục Hocmai cho rằng: “Hiện nay, trình độ dân trí ngày càng cao đồng nghĩa với trình độ chuyên môn của các phụ huynh cũng nâng lên, tỷ lệ phụ huynh có trình độ chuyên môn đại học và sau đại học ngày càng nhiều.
Do đó, khi nói đến xác suất thống kê, phụ huynh thường liên tưởng đến học môn xác suất thống kê ở chương trình đại học mà họ đã được học, từ đó, họ cảm thấy việc bộ môn xác suất thống kê rất “khó nuốt” với con họ. Thực ra, đối với học sinh tiểu học thì không gọi là xác suất thống kê mà chỉ bài toán có nội dung yếu tố thống kê”.
Trước những tranh cãi đang xôn xao về xác suất thống kê, cô Nguyễn Thị Mai Quỳnh, giáo viên môn Toán, hệ thống Giáo dục Hocmai phân tích: “Trước hết, chúng ta cần hiểu lại về khái niệm và ứng dụng của khoa học nghiên cứu xác suất và thống kê - khoa học nghiên cứu về xác suất nói một cách đơn giản là tìm hiểu về khả năng của những sự kiện có thể xảy ra hoặc không thể xảy ra.
Vậy, với chương trình tiểu học và cụ thể là học sinh lớp 2, xác suất mới chỉ dừng lại ở mức giúp học sinh làm quen với khả năng suy luận, phán đoán những sự việc đơn giản xem chúng có thể xảy ra hay không?
Còn bài toán thống kê cũng vậy, những phần bài tập rất hay, thực tiễn, đôi khi chỉ là câu hỏi rằng hôm nay trên đường đi học về, con hãy đếm xem từ nhà đến trường có bao nhiêu điểm dừng đèn báo giao thông. Với những bài toán thực tế như vậy, sẽ giúp con hình thành kỹ năng quan sát, thu thập thông tin, kiểm đếm…”.
“Vì vậy, theo tôi, không nên áp đặt tư duy trong đầu rằng chương trình học xác suất, thống kê ở bậc đại học vô cùng “khó nhằn” nên sẽ là quá tải với học sinh bậc tiểu học. Là một giáo viên đã dạy Toán cho học sinh bậc tiểu học nhiều năm, bản thân tôi trong những năm qua vẫn luôn đưa các bài toán có tính xác suất thống kê, tính thực tiễn, gần gũi với các em học sinh để các em có thể phát triển các kỹ năng cơ bản trong đời sống hàng ngày”, cô Quỳnh Mai chia sẻ.
Xác suất thống kê bậc tiểu học đã tồn tại lâu, nay chỉ gọi tên cụ thể
Để minh chứng xác suất và thống kê đã xuất hiện ở bậc tiểu học từ trước, thầy Hà Đình Hạnh chỉ ra: “Trong chương trình tiểu học hiện hành, nội dung thống kê đã được đưa vào chương trình từ lớp 3 với bài Làm quen với số liệu thống kê (SGK Toán 3, Tr.134, 136). Tuy nhiên cũng không phải đến lớp 3 nội dung thống kê mới được đưa vào chương trình. Ngay trong chương trình lớp 2 với bài “ngày, tháng” (SGK Toán 2, Tr.79, 80), học sinh đã được làm quen với các yếu tố, các số liệu thống kê qua nội dung các bài tập.
Như vậy, nếu xét về yếu tố thống kê thì phụ huynh yên tâm, các con hoàn toàn có thể tiếp thu tốt kiến thức của mình.
Còn đối với nội dung xác suất thì trong chương trình tiểu học không nói đến nhưng không có nghĩa là chưa đề cập. Những bài toán có nội dung xác suất thường là những bài toán vận dụng cao.
Ví dụ: Trong hộp có 10 viên bi đỏ, 8 viên bi xanh và 12 viên bi vàng. Không nhìn vào trong hộp thì phải lấy ra ít nhất bao nhiêu viên bi để chắc chắn có: 5 viên bi đỏ, 3 viên bi cùng màu.
Với bài toán trên, học sinh đã được các thầy cô giáo hướng dẫn và dạy học theo hướng phát triển năng lực thì các em hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề đó mà không gặp khó khăn gì. Nhất là học sinh nào xác định thi vào các trường chất lượng cao ở các thành phố thì những dạng bài này cũng đã làm thường xuyên”.
“Tôi đã đọc và nghiên cứu chương trình tiểu học ở Mỹ, Anh và các nước ASEAN thì thấy việc đưa nội dung có yếu tố xác suất thống kê vào khá sớm. Do đó, việc bộ GD&ĐT đưa nội dung xác suất thống kê vào dạy học từ bậc tiểu học không hề gây “quá tải” cho học sinh vì thực ra các em cũng đã được học rồi. Chỉ là cách dùng ngôn từ nào cho phù hợp với thực tế mà thôi”, thầy Hà Đình Hạnh nhấn mạnh.
Đồng tình với những phân tích trên, cô Mai Quỳnh cũng cho biết: “Tôi đã có tìm hiểu về chương trình giảng dạy môn Toán của Mỹ, Singapore, Úc… thì nhận thấy chương trình dành cho học sinh lớp 2 của các nước đã có những dạng bài về xác suất, thống kê. Đơn giản chỉ là các bài toán rất nhẹ nhàng, cho học sinh đưa ra phán đoán của mình về một sự việc có xảy ra hay không và trình bày lý luận logic về việc tại sao các con có thể đưa ra phán đoán như vậy”.
Cuối cùng, cô Mai Quỳnh khẳng định: “Các bài toán xác suất, thống kê thực ra đã tồn tại từ rất lâu trong chương trình toán tiểu học, thậm chí là với việc học đếm của học sinh lớp 1. Nhưng hôm nay đây, khi gọi thành một cái tên cụ thể cho dạng toán này thì có những sự hiểu lầm, hoang mang từ một bộ phận nhỏ của cộng đồng.
Chúng ta hãy nghĩ đơn giản vấn đề này như việc tôi đã trình bày, sẽ không hề gây quá tải với học sinh ở Việt Nam, các bài toán sẽ được đưa vào chương trình một các hợp lý, thực tế, không cứng nhắc và khô khan”.