Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Italy (Guardia Costiera) cho biết, xác của 1 con "thủy quái" to lớn đã được tiến hành trục vớt và vận chuyển bằng đường biển từ cảng Marina Piccola ở đô thị Sorrento đến xưởng đóng tàu Megaride ở thành phố Naples, nơi mẫu vật được khám nghiệm để tìm hiểu nguyên nhân cái chết trước khi mang đi xử lý.
Các nhà chức trách không báo cáo cụ thể kích thước của con vật nhưng nhấn mạnh "thủy quái" được phát hiện là 1 con cá voi lớn nhất từng được tìm thấy ở Địa Trung Hải. Nó thuộc loài cá voi vây (Balaenoptera physalus) - động vật lớn thứ 2 còn tồn tại trên Trái Đất sau cá voi xanh khi có thể phát triển đến chiều dài 25m và nặng 40 - 70 tấn.
Cá voi vây hiện được phân loại "sắp nguy cấp" trong Sách Đỏ IUCN. Chúng phân bố ở tất cả các đại dương trên thế giới, từ vùng cực đến biển nhiệt đới. Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC) ước tính quần thể loài ngày nay chỉ dao động từ 100.000 đến 119.000 con trên toàn cầu.
Xác cá voi dạt bờ trở thành nỗi sợ của nhiều quốc gia hàng, việc đến gần cá voi một cách bất cẩn có thể gây ra một thảm họa rất kinh khủng. Khi cá voi chết đi, vi khuẩn và giòi bọ sẽ vào cuộc khiến cơ thể phân huỷ một cách nhanh chóng.
Trước tiên là nội tạng, sự phân hủy của nội tạng sẽ tạo ra khí tích tụ trong cơ thể - thường là methane và các khí gốc nitrogen khiến cơ thể cá voi rơi vào trạng thái "trương phềnh". Da cá voi có tính đàn hồi cực mạnh, có thể chịu được áp suất cực lớn, lại cực khó bị phân hủy. Do đó khí có thể tích tụ với khối lượng khổng lồ và phát nổ
Lực phát nổ này không đủ mạnh để gây chết người, nhưng cũng có thể khiến chúng ta bị thương và dĩ nhiên mùi của xác chết thì thật khó thể tả.
Quá trình phân huỷ xác cá voi có thể lên tới... 30 năm, vì thế việc để lại xác trương phềnh trên bãi biển gần khu dân cư chắc chắn là chuyện không thể chấp nhận được. Tại nhiều nơi trên thế giới, người ta chôn xác ngay khi phát hiện. Nếu xác quá lớn sẽ cần xẻ nhỏ thịt để xử lý, khi xác cá đã trương phềnh quá lớn, người ta sẽ sử dụng thuốc nổ để tiễn cá về trời!
Nguyên Anh (Tổng hợp)