Xác ướp pharaoh Ramesses II được khai quật vào năm 1881. Tới năm 1885, thi thể vị pharaoh này được trưng bày tại Bảo tàng Ai Cập (hay còn gọi là Bảo tàng Cairo) ở Thủ đô Cairo, Ai Cập.
Tuy nhiên, năm 1974, các nhà Ai Cập học làm việc tại bảo tàng phát hiện xác ướp Ramesses II bị phân hủy ở tốc độ đáng báo động và quyết định chuyển thi thể vị vua tới Pháp để kiểm tra.
Luật pháp của Pháp quy định, cá nhân nhập cảnh sang quốc gia này (bao gồm cả xác ướp) buộc phải có hộ chiếu hợp lệ. Những giấy tờ này cũng giúp đảm bảo xác ướp pharaoh có thể quay trở về nước an toàn.
Vậy là pharaoh Ramesses II đã được cấp hộ chiếu và trở thành xác ướp đầu tiên nhận đặc quyền này dù ông qua đời cách đó hơn 3.000 năm.
Không chỉ có ảnh chụp gương mặt, trên tấm hộ chiếu đặc biệt này có ghi tên đầy đủ của Vua Ramesses II, năm sinh 1.303 trước Công nguyên, ngày cấp hộ chiếu 09/03/1974 và ngày hết hạn 09/03/1981. Cuốn hộ chiếu còn có mục khai nghề nghiệp của vị pharaoh Ai Cập cổ đại là "Nhà vua (đã qua đời)".
Xác ướp Ramesses II rời Ai Cập năm 1976 và khi tới Pháp, cỗ thi thể được Bộ trưởng Ngoại giao Pháp cùng các quan chức chào đón, được đối xử đặc biệt tại sân bay Paris-Le Bourget với đầy đủ nghi thức dành cho một vị vua.
Sau đó, xác ướp được đưa tới Bảo tàng Dân tộc học Paris để giám định, do chính Giáo sư Pierre-Fernand Ceccaldi dẫn đầu đoàn chuyên gia.
Tại đây, nhóm nghiên cứu xác định, sự phân hủy của xác ướp là kết quả do nhiễm nấm và nhanh chóng áp dụng phương pháp xử lý thích hợp để ngăn thi thể phân hủy hoàn toàn.
Sau khi xử lý xong, các nhà khoa học tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng hơn và xác định vị pharaoh cao khoảng 1,7 mét, da trắng, tóc đỏ. Kết quả giám định cho thấy, Ramesses II bị chứng viêm khớp và áp xe. Có vẻ như Ramesses II cũng bị viêm cột sống dính khớp. Vì chứng bệnh này, ông phải còng lưng đi lại trong những năm tháng cuối đời. Kết thúc quá trình phân tích, xác ướp được đưa trở lại Ai Cập và Bảo tàng Cairo qua đường hàng không.
Ramesses II (Ramses II), còn được gọi là Ramesses Đại đế, sinh năm 1303 trước Công nguyên và nối ngôi vua cha, Seti I, vào cuối thời niên thiếu, trở thành pharaoh ở Vương triều thứ 19 dưới thời Tân Vương quốc.
Ông được lịch sử ca ngợi là một trong những vị pharaoh vĩ đại, quyền lực và được ca tụng nhiều nhất nhờ các chiến thắng lừng lẫy. Một trong số đó có thể kể tới chiến tích ông dẫn quân đánh bại người Hittite ở Anatolia và người Nubia ở phía nam Ai Cập. Công trình được ông chỉ đạo xây dựng là đền Abu Simbel và Ramesseum còn tồn tại cho tới ngày nay.
Ramesses II trị vì tổng cộng 66 năm, là một trong những pharaoh trị vì lâu nhất trong lịch sử Ai Cập. Ông thậm chí sống lâu hơn nhiều người con của mình.
Tương tự các pharaoh ở Tân Vương quốc, Ramesses II được chôn ở Thung lũng các vị vua tại bờ tây sông Nile. Ban đầu, xác ướp của pharaoh nằm trong ngôi mộ có số hiệu KV7. Tuy nhiên, những thầy tu Ai Cập cổ đại sau đó đã bí mật chuyển thi thể tới hầm Deir el-Bahri nhằm tránh sự nhòm ngó của mộ tặc. Cho tới năm 1881, đoàn khảo cổ đã phát hiện ra địa điểm này và khai quật được xác ướp.
Minh Hoa (t/h)