Xài chiêu “im lặng là vàng”, bị cáo vẫn không thoát 10 năm “bóc lịch”

Xài chiêu “im lặng là vàng”, bị cáo vẫn không thoát 10 năm “bóc lịch”

Phạm Thị Phương Quế

Phạm Thị Phương Quế

Thứ 2, 14/05/2018 09:59

Trong suốt thời gian xét xử, bị cáo Hoàng Đại Dương không hề nói một lời. Dù đứng trước bục khai báo nhưng bị cáo không nhìn về hướng HĐXX mà xoay mặt ra phía ngoài hành lang.

“Không biết, không nghe, không thấy”

Mới đây, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Hoàng Đại Dương (SN 1976, trú Liên Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Lê Anh Dũng, Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị.

Trong suốt phiên tòa, bị cáo Dương đứng trước bục khai báo nhưng không nhìn về hướng HĐXX mà xoay mặt ra phía ngoài hành lang và không trả lời bất cứ câu hỏi nào của HĐXX. Thậm chí, khi chủ tọa phiên tòa hỏi Dương có bị bức cung không thì bị cáo vẫn im lặng, vờ như không nghe thấy.

Trước tình huống hi hữu, HĐXX phải tạm hoãn phiên tòa để hội ý và mời cán bộ y tế, quản giáo trại tạm giam công an tỉnh đến tòa làm rõ tình hình sức khỏe của bị cáo. Tại tòa, một số ý kiến cho rằng cần cho bị cáo Dương đi giám định tâm thần. Tuy nhiên, phía VKS cho rằng không đủ căn cứ để giám định đối với bị cáo nên phiên tòa vẫn tiếp tục.

Xài chiêu “im lặng là vàng”, bị cáo vẫn không thoát 10 năm “bóc lịch”

Bị cáo Dương.

Theo cáo trạng, ngày 26/7/2017, Dương mang 57 triệu đồng ngược lên Lao Bảo (Quảng Trị) rồi thuê chị Hồ Thị Dự (bản Ka Tăng, Lao Bảo) chở sang Lào. Sau khi đổi tiền, Dương đi lên Luông Pha Băng (Lào), gặp một người đàn ông (không rõ danh tính) mua 2.982 viên ma túy tổng hợp.

Chiều 3/8, khi đang nhận hàng từ người được thuê vận chuyển ma túy về Việt Nam, Dương bị đơn vị Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng Quảng Trị) phối hợp với lực lượng chức năng bắt quả tang, thu giữ gói ma túy bên trong có 2.982 viên ma túy tổng hợp, trọng lượng Methamphetamin là hơn 29g. Khám xét nơi ở của Dương, công an thu giữ thêm 1 tép heroin và 2 gói chứa chất dẻo màu đen.

Sau khi bị bắt giữ, Dương khai nhận gói ma túy 2.982 viên mua ở Luông Pha Băng. Còn 2 gói chứa chất dẻo màu đen là thuốc phiện, trọng lượng hơn 21g, được một người bạn cho từ năm 2015 cất để sử dụng và bán lại.

Quá trình điều tra, Dương đều thể hiện sự thành khẩn, tự thú đã nhiều lần mua bán ma túy cho các đối tượng nghiện ở Quảng Bình, trong thời gian tháng 6 và 7/2017. Thế nhưng từ ngày 21/11/2017, Dương phản cung, cho rằng những lời khai trước đây không đúng, vì lúc đó bị ảo giác ma túy. Tuy nhiên, lời khai của các nhân chứng có trong hồ sơ đã làm rõ Dương có hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX TAND tỉnh Quảng Trị đã tuyên phạt Dương 10 năm tù. Đến tận lúc này, bị cáo Dương vẫn nhất quyết không nói gì!

Mặc dù Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 không có quy định về quyền im lặng, tuy nhiên thông qua các quy định được ghi nhận tại Hiến pháp 2013, cũng như nguyên tắc trong tố tụng hình sự, các quyền của bị cáo thì có nội hàm thể hiện quyền im lặng của bị cáo.

Lạm dụng quyền im lặng có thể gây bất lợi

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về vấn đề này, Thạc sĩ, luật sư Vũ Quang Bá – công ty Luật TNHH Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội khẳng định: “Việc bị cáo giữ quyền im lặng trong toàn bộ quá trình xét xử tuỳ từng trường hợp có thể có lợi hoặc bất lợi cho bị cáo”.

Luật sư Bá phân tích, hiện nay, theo quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, tại phiên tòa, bị cáo có quyền trả lời hoặc không trả lời các câu hỏi của hội đồng xét xử, kiểm sát viên. Cơ quan tiến hành tố tụng không được dùng lời khai nhận tội của bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội bị cáo. Trong trường hợp bị cáo khai báo thế nào đi nữa nhưng nếu lời khai của bị cáo không phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án thì không được coi là chứng cứ của vụ án và không được dùng lời khai này để buộc tội bị cáo.

Khi bị cáo từ chối khai báo nhưng nếu cơ quan tiến hành tố tụng đã sử dụng các chứng cứ khác được thu thập hợp pháp, khách quan và đúng sự thật trong quá trình giải quyết vụ án thì vẫn buộc được tội bị cáo theo quy định. “Như vậy, có thể thấy rằng ngay trong trường hợp bị cáo giữ im lặng trong toàn bộ quá trình xét xử thì tòa án vẫn có thể tuyên án đối với bị cáo nếu có đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội”, luật sư Bá cho hay.

Xài chiêu “im lặng là vàng”, bị cáo vẫn không thoát 10 năm “bóc lịch” (Hình 2).

Luật sư Vũ Quang Bá.

Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 cũng quy định rõ việc người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Luật sư Bá chỉ rõ, việc bị cáo giữ quyền im lặng trong toàn bộ quá trình xét xử là đã từ bỏ một số quyền của mình. Cụ thể, quyền được đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội hoặc quyền được tranh luận tại phiên tòa cũng như quyền nói lời sau cùng trước khi hội đồng xét xử nghị án. Bên cạnh đó, việc bị cáo giữ quyền im lặng có thể bất lợi cho chính bị cáo khi mất đi cơ hội để hội đồng xét xử hiểu và làm rõ những sai phạm trong quá trình hỏi cung của cơ quan điều tra nếu có.

Ngoài ra, khi bị cáo giữ quyền im lặng trong toàn bộ quá trình xét xử thì có thể không được hưởng một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật Hình sự.

Phương Quế

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.