Trong thời gian vừa qua, vấn đề về xâm hại tình dục trẻ em đang là đề tài nóng trong xã hội. Đặc biệt, trong cùng một thời điểm, ở Hà Nội và TP.HCM đã có ba vụ tố giác về vấn nạn này.
Trước diễn biến phức tạp, chiều 14/3, mạng lưới tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, bảo vệ quyền của người dễ bị tổn thương (RIM), bảo vệ và thúc đẩy quản trị tốt quyền trẻ em (CRG) và phòng ngừa bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em gái (GBVnet) đã tổ chức buổi tọa đàm mang tựa đề “Xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng” để cùng góp thêm tiếng nói trước vấn nạn đang được cả xã hội quan tâm.
Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát – bộ Công an, mỗi năm có 1.600 – 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, nạn nhân là trẻ em chiếm đến 65%, đa số ở độ tuổi từ 12 – 15 (chiếm 57,46%). Tuy nhiên, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại đang là vấn đề báo động khi chiếm tới 13,2%.
Tại buổi tọa đàm, luật sư Lê Văn Luân, chuyên gia về pháp luật hình sự, người trợ giúp pháp lý cho cháu bé bị xâm hại ở Hoàng Mai chia sẻ: “Trẻ đang bị xâm hại, làm thế nào thu thập chứng cứ rất quan trọng. Với tội dâm ô, hành vi thể hiện là việc tiếp xúc bên ngoài bộ phận sinh dục, không để lại dấu vết nào thì làm sao phát hiện được.
Hơn nữa, tội phạm thường xảy ra tại các ngõ hẻm, vắng, không công khai nên việc giải quyết gặp nhiều khó khăn. May mắn, với vụ việc cháu bé ở Hoàng Mai là có cháu bé trai làm nhân chứng và dấu vết để lại là thương tích trên vùng kín của cháu bé. Do đó, có thể có căn cứ xác định có dấu hiệu của một vụ án”.
“Một thông tin khác nữa là vụ 9 bé ở Vũng Tàu là nạn nhân nhưng hiện nay, cơ quan điều tra đã thông tin là có 5 bị hại không có đơn kiến nghị. Nhưng tội dâm ô không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nên cơ quan chức năng phải giải quyết đúng theo quy định”, luật sư Luân nhấn mạnh.
Đặc biệt, nói về vấn đề pháp luật, luật sư cho rằng, hình phạt liên quan đến ấu dâm rất thấp, vấn đề trọng chứng hơn trọng cung của cơ quan tố tụng hay phải có dấu vết vật chất để lại trên thân thể nạn nhân mới có thể khởi tố được bị can gây khó khăn trong việc giải quyết... Vì thế, giải quyết vấn đề xâm hại tình dục trẻ em đang rơi vào bế tắc.
Theo luật sư, với các loại tội phạm này, chỉ cần có nhân chứng, qua thực nghiệm điều tra, đối chất và nhận dạng là có thể có căn cứ để giải quyết. Pháp luật hình sự đang có khoảng trống, đợi khi kẻ phạm tội xâm hại đến trẻ em mới giải quyết, đó là điều quá nguy hiểm.
Cũng chia sẻ tại đây, T.S Khuất Thu Hồng, viện Nghiên cứu phát triển và xã hội cho biết: “Vụ việc ở Vũng Tàu và còn một số vụ án khác đang có nguy cơ bị chìm xuồng. Vì sao dẫn đến tình trạng này, đó chính là do sự im lặng của hai bên, của gia đình nạn nhân, của cơ quan chức năng và của cả xã hội.
Nguyên nhân sâu xa về nền văn hóa của Việt Nam, sợ nói về chuyện liên quan đến tình dục. Đòi hỏi người con gái kết hôn còn trinh nhưng khi có những vụ việc xâm hại tình dục lại im lặng. Khi nói ra, cuộc sống của bản thân nạn nhân sẽ bị thay đổi, nhiều vụ loạn luân xảy ra nhưng mọi người vẫn im lặng bởi vì nếu không tương lai của gia đình đó bị hủy diệt. Xã hội luôn đổ lỗi cho nạn nhân, cho rằng họ không đứng đắn, họ không tỉnh táo thông minh".
Đồng quan điểm với luật sư Luân, bà Hồng cho rằng: “Pháp luật thiếu, chưa đủ chế tài mạnh để xử lý các tội phạm liên quan đến vấn đề này. Đòi hỏi phải có bằng chứng trên thân thể của đứa trẻ.... trong khi các hành vi ấu dâm thường không hoặc khó để lại dấu vết khi chỉ sử dụng tay, miệng... tiếp xúc với bộ phận sinh dục của các em, thế thì chứng cứ ở đâu?
Những người thực thi luật pháp, tư tưởng phổ biến, phụ nữ phải có trách nhiệm với tiết hạnh của mình.... trẻ em không thể bảo vệ mình, vậy trẻ em có lỗi hay bố mẹ chúng có lỗi vì không trông nom cẩn thận?
Vì thế, im lặng không chỉ trong bản thân gia đình nạn nhân mà im lặng trong cộng đồng, trong các cơ quan chức năng. Việc dám nói ra, cái giá quá đắt. Chúng ta phải thay đổi nền văn hóa, thay đổi nhìn nhận sự việc...”.
T.S. Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho rằng: “Văn hóa đổ lỗi... hình thành từ lâu và dài, để thay đổi được cần phải có quá trình từ nhận thức đến hành vi. Trong luật không có quy chế về vấn đề không hoàn thiện nhiệm vụ, không thể kiện và quy tội được. Xâm hại tình dục là tội ác, chúng ta không nên im lặng, im lặng là đồng lõa với tội ác”.
Khi xây dựng luật, để xây dựng đều có sự tham vấn của cục bảo vệ quyền trẻ em. Hiện nay, khái niệm thế nào là xâm hại tình dục đều chung chung, không cụ thể rõ ràng. Có sự tráo đổi khái niệm, tội phạm hiếp dâm chuyển đổi khái niệm sang các tội nhẹ đi hoặc nặng lên.
"Tại sao con cái của chúng ta bị xâm hại, chúng ta lại không biết gọi đến đâu để cầu cứu. Khi một đứa trẻ bị xâm hại, chúng ta rất đau, nhưng phải làm thế nào để giải quyết, hay chỉ biết đau thì rất vô nghĩa", bà Nguyễn Vân Anh, trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên chia sẻ.
Th.s Hà Minh Loan, chuyên gia tâm lý về gia đình cũng đưa ra quan điểm: “Nỗi đau quá lớn, chúng ta có rất ít người trải qua, lên tiếng đòi công bằng để trả giá cho tội ác. Công bằng cho chính người bị hại là như thế nào? Lên tiếng là cần thiết để ngăn chặn tội ác. Cần có những chương trình hỗ trợ cho người bị hại, đảm bảo cho việc sau khi họ lên tiếng cuộc sống của họ vẫn tốt đẹp”.
Giây phút vô cùng xúc động và nghẹn ngào đọng lại trong buổi tọa đàm chính là sự xuất hiện của một ông bố vô cùng kiên trì đi tìm công lý cho con gái 3 tuổi của mình bị xâm hại tình dục trong suốt 2 năm qua. Đó là câu chuyện con gái của anh bị ông hàng xóm xâm hại, đã hơn 2 năm mà sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Dương Nhung