Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, bà Hồng chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm thực tiễn đáng để cho chúng ta phải suy ngẫm: “Năm 2016, tôi tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của rất nhiều cháu gái bị xâm hại tình dục, đặc biệt là trẻ em. Bây giờ mạng xã hội phát triển, nhiều người trưởng thành làm quen trẻ em qua mạng, rủ các cháu đi chơi, hứa hẹn... rồi có hành vi xâm hại tình dục.
Nạn nhân thường bị gia đình buông lỏng quản lý, bố mẹ không gương mẫu, vợ chồng sứt mẻ chuyện tình cảm, ly hôn. Do không có người lớn chia sẻ, động viên, các cháu đã tò mò tự đi tìm “chỗ dựa tinh thần” và bị kẻ xấu lợi dụng. Mới đây, có một chị gọi cho tôi, nói rằng không thể dạy được cô con gái 15 tuổi. Mới 15 tuổi, con gái chị ta đã cho 7 bạn đi tù vì cùng lúc cho 7 thanh niên này quan hệ tình dục. Bây giờ, cô bé có biểu hiện bất trị.
Độ tuổi của kẻ phạm tội Hiếp dâm trẻ em không chỉ dừng lại ở người thành niên, mà nhiều người già, mắt mờ chân chậm cũng gây án. Nhận xét về hiện tượng này, bà Hồng cho biết: “Tôi rất đau lòng phải nói rằng, có nhiều người đàn ông tuổi cao, do thiếu thốn tình cảm chăn gối đã đi tìm những bé gái hàng xóm, lạm dụng tình dục. Đây là biểu hiện suy đồi về đạo đức và lối sống buông thả.
Tôi từng tham gia vụ ông già 83 tuổi, thường đi đón một cháu bé 3 tuổi từ nhà trẻ về nhà hộ hàng xóm. Lợi dụng lòng tin của cha mẹ cháu bé, ông già 83 tuổi đã nhiều lần xâm hại tình dục cháu bé 3 tuổi. Chỉ đến khi bố cháu bé về nhà sớm, bắt quả tang thì sự thật đau lòng mới bị đưa ra ánh sáng. Khi ra toà, ông già 83 tuổi không hề chối cãi hành vi phạm tội của mình. Có thể nói, người cao tuổi xâm hại tình dục trẻ em hậu quả thật khôn lường. Bởi không ai có thể nghĩ rằng, ở độ tuổi như vậy, họ lại thực hiện hành vi đồi bại đó”.
Nói về nguyên nhân dẫn đến nạn xâm hại tình dục trẻ em, bà Hồng cho biết: Trẻ em là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý để trở thành người trưởng thành. Lẽ ra, các em phải được sống trong môi trường bình yên, trong sạch, được mọi người bảo vệ, lớn lên trong gia đình đầm ấm. Thế nhưng, nhiều gia đình thiếu quan tâm đến con cháu dẫn đến trẻ em thiếu người tâm sự, chia sẻ tình cảm, che chở. Đây là cơ hội để kẻ xấu lợi dụng, thực hiện hành vi xâm hại tình dục.
Đặc biệt các cháu gái đang tuổi mới lớn, muốn tìm tòi, khám phá, nếu không có cha mẹ quan tâm, chăm sóc, rất dễ trở thành nạn nhân của các vụ án hiếp dâm trẻ em. “Theo tôi, chúng ta cần tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ sinh sản trong trường học, mở các chuyên đề giáo dục giới tính, giúp các em phòng ngừa và tự bảo vệ khi gặp những kẻ có biểu hiện hành vi xâm hại tình dục.
Tham gia nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em, tôi thấy rằng một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vi phạm tội, chính là sự vô tâm của cha mẹ nạn nhân. Có gia đình, vì mải làm ăn, đã nhờ hàng xóm đón hộ con, hay đơn giản khi đi làm vắng nhà, kẻ gian vào nhà hiếp dâm con gái nhiều lần mà không hay biết. Chỉ đến khi con gái bụng mang, dạ chửa, thì mới biết nỗi đau đớn của con phải chịu đựng trong một thời gian dài.
Ngoài ra, do mạng xã hội phát triển, các cháu được bố mẹ cho sử dụng điện thoại smartphone từ rất sớm. Qua mạng internet, nhiều cháu bé đã xem phim người lớn và tò mò làm theo hoặc để kẻ xấu dụ dỗ làm chuyện người lớn. Nỗi đau này không chỉ của nạn nhân và gia đình, mà là của toàn xã hội”, bà Hồng nói.
Nạn nhân trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em bị ảnh hưởng rất lớn về mặt tinh thần và thể chất. Chúng trở nên lầm lì, sợ hãi, xấu hổ, mặc cảm, học hành chểnh mảng, nhiều cháu bỏ học giữa chừng, xa lánh bạn bè, gia đình phải chuyển đi nơi khác để sống.
Theo bà Hồng, chúng ta cần cung cấp cho trẻ em gái kiến thức cơ bản về giới tính, dạy cho trẻ biết không ai được chạm vào chỗ kín. Đặc biệt, bố mẹ phải là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con cái, tâm sự, chia sẻ với con cái từng ngày, từng giờ. Không phải trường hợp xâm hại tình dục trẻ em nào kẻ phạm tội cũng dùng bạo lực. Nhiều kẻ phạm tội dùng lời lẽ ngon ngọt, yêu thương… để các cháu tin tưởng, rồi thực hiện hành vi phạm tội.
Trong trường hợp này, các cháu thường im lặng, giấu không kể cho cha mẹ biết hành vi xâm hại của kẻ phạm tội. Do vậy, cha mẹ cần hỏi han, nói chuyện nhiều với con cái, thường xuyên để mắt đến con cái, ngay cả khi con mình sang nhà hàng xóm chơi. Thấy dấu hiệu bất thường về mặt tâm lý của con cái, cần hỏi han, chia sẻ tình cảm, sớm ngăn ngừa hành vi xâm hại xảy ra với con cái mình.
Thiên Long