Hát Xẩm là một trong những thể loại hát rong xưa của người Việt, lời hát cùng với tiếng nhị, trống, phách và những ca từ răn đời, nói về thân phận như có sức cuốn hút đặc biệt với người nghe. Xẩm có hai làn điệu chính là xẩm chợ và xẩm cô đào, tuy nhiên, tại Hà Nội, khoảng những năm 1944 còn có một thể loại độc nhất vô nhị đó là Xẩm tàu điện.
Tái hiện lại không gian Xẩm tàu điện xưa
Ký ức một thời của Xẩm tàu điện
Xẩm tàu điện từng là một nét văn hóa độc đáo, thân thuộc với người Hà Thành. Loại hình âm nhạc này ra đời và tồn tại gắn liền với sự xuất hiện cho đến khi ngừng hoạt động của tàu điện Hà Nội (1900 - 1992). Ngày đó, trạm tàu điện nằm ở Bờ Hồ và tỏa đi các tuyến Yên Phụ, chợ Bưởi, chợ Mơ, Cầu Giấy, Hà Đông, Vọng nối nông thôn với nội thành Hà Nội. Mỗi khi đến trạm tàu điện hay ngồi trên các toa tàu người ta lại được nghe những người nghệ sỹ cất giọng hát trầm bổng tha thiết cùng tiếng nhị, tiếng phách đồng hành trên mọi tuyến đường. Đây cũng được coi là thời hoàng kim của Xẩm tàu điện.
Theo quan điểm của NSƯT Thanh Ngoan cùng các nhà nghiên cứu, Xẩm tầu điện không khác nhiều với các làn điệu Xẩm. Ngược lại, Xẩm tầu điện là một trong hệ thống làn điệu Xẩm. Đây là tiếng hát trên tầu điện nhưng các nghệ sỹ hát Xẩm hát rất nhiều làn điệu chứ không phải chỉ hát một làn điệu Xẩm tầu điện. Khi biểu diễn, người hát Xẩm tầu điện biểu diễn trên tầu bằng hình thức đi qua các toa. Có thể nói, Xẩm tầu điện mang đậm chất thị thành, giai điệu của nó là giai điệu rất đẹp, chậm rãi, vừa phải, vui vui. Nói chung Xẩm tầu điện chỉ là tên gọi theo hình thức biểu diễn trên tàu điện.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin về loại hình âm nhạc đường phố độc nhất vô nhị này, NSƯT Hoàng Anh Tú (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long), người từng nghiên cứu, học tập và diễn Xẩm hơn 20 năm nói: "Xẩm tàu điện là xẩm biến tấu của các vùng quê lên Hà Nội. Khi lên phố, Xẩm dần mang tính thành thị hóa, thương mại hóa. Theo đó, ông Xẩm, bà Xẩm phải hát những bài mủi lòng, nhịp phách cũng theo đó mà to khỏe hơn để đối kháng với cái ồn ào trên phố. Nó không lảng bảng, tĩnh tại như ngồi ở cây đa sân đình hay ở chợ quê".
Để sống được trên phố, Xẩm vẫn mang hồn quê nhưng các ông, bà Xẩm phải hát những bài mà dân tứ xứ thích, cốt sao nịnh được người nghe, kiếm được tiền. Khi hát cũng phải nhanh, toa ngắn, tàu vừa dừng là phải sang toa khác, kể cả hát nửa bài cũng phải chuyển toa nếu không sẽ bị người khác "hớt" mất khách.
Cũng theo NSƯT Hoàng Anh Tú, tái hiện Xẩm tàu điện góp phần quảng bá nhạc đường phố để người ta thấy nét đẹp của Hà Nội xưa. Đây là một nét văn hóa độc đáo, được nâng cao qua lời ca tiếng hát, mượn cớ hình ảnh trên con tàu để nói lên tình người của cuộc sống giai đoạn đó. Xẩm tàu điện tái hiện cuộc sống rất giản dị của người ca xướng. Người hát được Xẩm tàu điện là người được trời phú cho họ giọng hát. Khi hát tại các toa tàu, ai cho bao nhiêu, người ca xướng nhận bấy nhiêu, chẳng có giá, cũng chẳng có đặt hàng.
Dù đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, khi nghe thông tin về Xẩm tàu điện được tái hiện, ông Lê Ngọc Thọ (cựu cán bộ của bộ GTVT) háo hức đến xem. Ông chia sẻ: "Xẩm tàu điện là một loại hình âm nhạc đường phố mang đậm tính văn hóa, cần được phục dựng. Xẩm tàu điện gợi lại cho tôi những chuyện cách đây hơn 60 năm. Năm 1944, hồi đó tôi khoảng 10 tuổi, ngày nào tôi cũng đi học bằng tàu điện từ bờ hồ lên Bưởi. Ngày đó đi tàu điện có thẻ. Những ông Xẩm cùng với 1, 2 đứa trẻ có mặt thường xuyên trên mỗi chuyến tàu điện hát và để một chiếc mẹt nhỏ xin tiền. Có gia đình cả bố mẹ mù lòa lên hát kiếm sống. Trước kia, Xẩm tàu điện rất buồn vì người ta nghèo khó và hát những bài về thân phận".
Khát khao phục hồi
Là người trực tiếp tham gia tổ chức, biểu diễn, mô phỏng lại không gian Xẩm tàu điện xưa tại chương trình "Xẩm tàu điện - Văn hóa đường phố Hà Thành”, NSƯT Hoàng Anh Tú chia sẻ: "Xẩm tàu điện lui vào dĩ vãng là một điều rất đáng tiếc. Tuy nhiên, hiện thực ắt phải có đời sống thực, bây giờ không thể khôi phục vì người Hà Nội không còn đi lại bằng tàu điện. Có chăng là làm xẩm theo một hướng khác, có thể làm như Xẩm chợ, Xẩm đường phố. Một góc phố cấm ô tô đi lại, tĩnh lặng, một công viên dành cho người ta đi dạo là địa điểm lý tưởng cho Xẩm".
Nằm trong kế hoạch dài hơi về quảng bá làn điệu Xẩm đến người nghe, NSƯT Hoàng Anh Tú cho biết, anh cùng một số thành viên tâm huyết với Xẩm sẽ tỏa đi mỗi người một nơi. Theo đó, dần tăng số lượng tiết mục Xẩm xen vào các chương trình nghệ thuật dân gian, những chương trình mang hơi hướng Hà Nội.
Xưa kia, nói tới Xẩm chỉ dành cho người ăn xin, theo đó, làn điệu Xẩm gắn với cây đàn bầu cũng bị coi rẻ. Từ năm 1979, sau chuyến biểu diễn tại Bulgari, NSƯT Hoàng Anh Tú đã tìm hiểu nguồn gốc, giá trị đàn bầu và từ đó anh mới thấy nó được trân trọng, say mê và hiểu được ngôn ngữ đàn bầu, hát Xẩm. Dù rất muốn nhưng anh Tú chưa thể dậy cũng như truyền tình yêu Xẩm cho thế hệ sau, anh chỉ dạy cho cô con gái nhỏ của mình.
Năm 1998, nghệ nhân Hà Thị Cầu cùng với làn điệu Xẩm qua Trung Quốc biểu diễn đã được rất nhiều người yêu thích. Theo Nghệ sĩ Nhân dân Tiến sĩ Nghệ thuật học Phạm Thị Thành, phó tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, phó chủ tịch Hiệp hội UNESCO Việt Nam, việc khôi phục Xẩm rất cần thiết, đây là một hoạt động bổ ích, có giá trị sâu sắc. Nếu cứ để Xẩm lùi vào dĩ vãng thì các thế hệ sau sẽ quên mất những giá trị xưa. Trước mắt, nên thường xuyên tổ chức diễn Xẩm cho thính giả.
Cả 3 đời trong gia đình đều đi tàu điện, nghe hát Xẩm, PGS TS Nguyễn Đỗ Bảo, chủ tịch Hội đồng Lí luận và phê bình Mỹ thuật (Hội Mỹ thuật Việt Nam) tiếc nuối và bày tỏ khát khao giữ lại ký ức của dân tộc. Nói về Xẩm tàu điện, ông say mê đến quên cả thời gian. Với ông, Xẩm tàu điện có giá trị nhân văn rất lớn, dù là bài chê chồng cũng là dạy đạo đức lễ giáo, cách ứng xửa trong mối quan hệ xã hội đương thời.
Yến Dương - Hồng Mây