Ronald Koeman đã bị Barcelona sa thải tuần trước sau trận thua sốc trước Rayo Vallecano. Thông thường, bất cứ HLV đầy tham vọng nào cũng sẽ chớp lấy cơ hội tiếp quản vị trí này. Họ biết rằng đó là cơ hội để giành những danh hiệu cao quý nhất, huấn luyện những cầu thủ ưu tú nhất, cũng như ghi tên mình vào lịch sử của một trong những CLB xuất sắc nhất thế giới bóng đá.
Đó là trên lí thuyết, khi Barcelona vẫn còn mang tầm vóc lớn như mạng xã hội Facebook.
Còn thời điểm hiện tại, họ giống MySpace hơn. Vị thế của Barcelona đã trượt dốc kinh khủng trong những năm gần đây, đặc biệt là trong nhiệm kì kinh dị của Josep Maria Bartomeu. Tình hình tài chính của đội bóng xứ Catalan đang tỏ ra vô cùng bi đát; nó khiến chất lượng đội hình cũng giảm đi đáng kể, nhất là sau sự ra đi của Lionel Messi.
Sa thải Koeman là hành động không thể trì hoãn của chủ tịch mới Joan Laporta, trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Sau khi đánh bại Barcelona hôm thứ Tư tuần trước, Rayo Vallecano đã chấm dứt chuỗi 14 trận thua liên tiếp trong 19 năm trước đội chủ sân Camp Nou. Việc để một đội bóng nhỏ làm nên lịch sử như vậy không phải trở ngại với Barcelona; vấn đề là trận thua đó khiến họ kéo dài chuỗi trận không thắng trên sân khách trên mọi đấu trường lên đến con số 5: hòa 2, thua 3, chỉ ghi được 1 bàn và thủng lưới tới 7 bàn.
Kết quả tại Camp Nou có phần khá hơn, nhưng các màn trình diễn vẫn chưa tỏ ra thuyết phục. Quan trọng hơn, họ để thua hai trận đấu quan trọng – 0-3 trước Bayern Munich ở Champions League và 1-2 trước Real Madrid tại đấu trường La Liga.
Không có gì chắc chắn với Barcelona ở thời điểm hiện tại. Nỗi lo không vượt qua vòng bảng Champions League, điều họ làm thành thục suốt 17 năm qua là có thật, sau khi bị Benfica nghiền nát với 3 bàn không gỡ ở Lisbon vào tháng trước. Nếu Benfica đánh bại họ lần nữa vào cuối tháng này, các CĐV của họ nên sắp xếp lịch rảnh vào đêm thứ Năm, thời điểm Europa League diễn ra.
Khả năng giành quyền tham dự giải đấu danh giá nhất châu Âu của Barca cũng mỏng manh không kém. Họ sẽ bước vào trận đấu cuối tuần này với vị trí thứ 9 trên bảng xếp hạng - gần nhóm xuống hạng về điểm số hơn là so với đội đầu bảng Real Sociedad.
Dù là kẻ thù không đội trời chung, Real Madrid có thể thông cảm cho kình địch của mình phần nào. Giống như khi Barcelona mất Messi, đội bóng Hoàng gia cũng vật lộn trong năm đầu tiên không có Cristiano Ronaldo, sau khi cầu thủ người Bồ Đào Nha chuyển đến Juventus mùa hè 2018.
Giống như Koeman, Julen Lopetegui cũng bị sa thải vào cuối tháng 10 và sau trận El Clasico. Real Madrid cũng đưa HLV đội B của họ lên làm HLV tạm quyền (Santiago Solari lên nắm quyền ở Real Madrid, còn Sergi Barjuan đang làm vai trò tương tự tại Barcelona).
Solari cũng chỉ trụ được 5 tháng, trước khi bị sa thải sau trận thua sốc trước Ajax Amsterdam trên sân nhà. Zinedine Zidane trở lại với nhiệm vụ giải cứu – chỉ chín tháng sau khi từ chức, kịp thời giành thêm một chức vô địch La Liga trước khi ra đi một lần nữa.
Đến đây, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt. Ba năm trước, Zidane được chi hơn 300 triệu euro để chi cho các cầu thủ mới ở hè 2019, điều mà HLV mới của Barcelona, bất kể người đó là ai sẽ không bao giờ có được. Khoản nợ 1,35 tỉ euro cũng như sự kiểm soát tài chính chặt chẽ của La Liga khiến họ thậm chí không thể gia hạn hợp đồng với Messi, người luôn mong mỏi được ở lại đội bóng này.
Đã có những sự so sánh những tháng cuối cùng của Koeman ở Camp Nou giống tình hình ở Manchester United, nơi Ole Gunnar Solskjaer, một cựu cầu thủ khác cũng đang vật lộn để đưa đội bóng ra khỏi tâm bão. Nhưng vẫn chẳng có ai khổ như Koeman: Koeman mất Messi trước khi mùa giải diễn ra, trong khi Solskjaer chào đón sự trở lại của Ronaldo. United cũng chi gần 200 triệu euro cho Raphael Varane và Jadon Sancho, trong khi đó Barcelona phải đợi Gerard Pique, Jordi Alba và Sergio Busquets đồng ý giảm lương mới dám đăng kí ba bản hợp đồng tự do là Memphis Depay, Sergio Agüero và Eric Garcia.
So sánh đội hình Barcelona hiện tại với cách đây 10 năm trước giống như để người chơi rank Đồng đứng cạnh rank Thách đấu trong game Liên quân Mobile. Thậm chí so với cách đây 5 năm trước vẫn là khiên cưỡng, khi họ mang ra châu Âu cặp tiền đạo như Luuk de Jong với Memphis Depay, thay vì những cái tên có thể sánh với Messi, Neymar và Luis Suarez.
Thực tế khắc nghiệt là vậy, nhưng như cựu HLV Ernesto Valverde từng tuyên bố, vẫn còn những thành viên cấp cao của CLB, các cựu HLV và cầu thủ cũng như các phóng viên truyền thông vẫn duy trì một niềm tin mù quáng vào mô hình độc đáo của CLB; rằng đó là DNA của Barcelona, thứ khiến họ không thể chấp nhận chuyện đội bóng của họ đang trở nên tầm thường vào lúc này.
Bản thân Valverde đã vô địch La Liga trong hai mùa giải đầu tiên, nhưng bị sa thải ở mùa giải thứ ba vì phong cách của đội được cho là không đủ hấp dẫn. Quique Setien sau đó nhận công việc nhờ khả năng thi triển lối đá đẹp mắt ở Real Betis, nhưng ông cũng nhanh chóng mất việc khi bị Bayern Munich đè bẹp với 8 bàn ở vòng loại trực tiếp Champions League bảy tháng sau. Trước khi bị cho ra đường, Koeman cũng bị chỉ trích rất nhiều, vì đã đưa ra những quyết sách được ông cho là thiết thực để đối phó với tình hình thực tại.
Giống như ăn bánh Oreo thì phải chấm sữa, người hâm mộ cũng như các chuyên gia tin rằng đã là Barcelona thì phải đá sơ đồ 4-3-3 lấy cảm hứng từ Johann Cruyff, tạo ra thứ bóng đá hấp dẫn, vượt trội với nòng cốt là những cầu thủ trẻ từ học viện của họ. Dù ai cũng biết thời hoàng kim của những điều này đã qua được một thập kỉ, họ vẫn tin rằng nếu đội thực hiện là Barca, mọi thứ sẽ khác.
Thế nên, không khó hiểu khi Xavi Hernandez lại đứng đầu danh sách ứng cử viên cho chiếc ghế nóng tại Camp Nou một lần nữa.
Xavi là linh hồn bất khả xâm phạm của phong cách tiki-taka, cả về cách anh chơi bóng, số danh hiệu anh giành được trong suốt 15 năm khoác áo Barcelona, cũng như những lời giải thích của anh về triết lí này trong các cuộc phỏng vấn truyền thông. Tiền vệ người TBN cũng tuân thủ chặt chẽ cách chơi này khi chuyển sang làm công tác huấn luyện vào năm 2019. Các video trên mạng xã hội về cách Al-Saad, đội bóng Xavi đang dẫn dắt, lên bóng tạo ra sự chú ý rất lớn tới những người hâm mộ trường phái bóng đá này.
Vì thế, trong số các ứng cử viên cho vị trí HLV tại Barcelona, Xavi là người duy nhất nhận được những thiện cảm và sự kiên nhẫn từ những người hâm mộ cũng như giới truyền thông. Nhưng câu hỏi đặt ra là chiến lược gia 41 tuổi đã sẵn sàng cho những kì vọng và gánh nặng ở Barcelona chưa – nhất là khi sự nghiệp huấn luyện của anh chỉ mới kéo dài được hai năm rưỡi?
24 tháng dẫn dắt Al Saad của Xavi tràn ngập sự thành công ở các giải đấu quốc nội, với một chức vô địch quốc gia và hai cúp quốc gia. Mặc dù vậy, đấu trường châu Á lại là nỗi khắc khoải đối với chiến lược gia người TBN. Chỉ mới đầu năm nay, Al Saad đã gây sốc khi bị loại khỏi vòng bảng AFC Champions League.
Tìm kiếm sự cân bằng trong đội hình luôn là thách thức với một người như Xavi. Cam kết với thương hiệu bóng đá tấn công khiến anh nhiều khi đưa ra những quyết định khó hiểu trong những thời khắc quyết định, không khác gì người thầy cũ của anh, Pep Guardiola.
“Bất chấp sự thống trị trong nước của họ, giá trị của Xavi chỉ thể hiện nếu anh thành công ở ngoài biên giới Qatar. Có vẻ như anh ấy không học được nhiều điều từ chiến dịch AFC Champions League 2020.”, người đồng sáng lập Qatar Football Live, Ahmed Hashim nói với ESPN.
"Trong mùa giải năm đó, hàng công của anh ấy đã có Santi Cazorla, Akram Afif, Hassan Al-Haydos và Rodrigo Tabata và đội sẽ cân bằng hơn nếu anh ấy chọn Jung Woo-young (cầu thủ thiên về phòng ngự) thay vì Nam Tae-hee, một cầu thủ tấn công khác.
“Xavi tiếp tục kiên định với quyết định này ở ACL năm nay, khi loại Jung và chọn Nam. Để rồi một lần nữa, đội thể hiện sự yếu kém trong khâu phòng ngự và bị loại dù đứng thứ hai trong bảng.”, Ahmed Hashim kết luận.
Mặc dù có những sự kiên nhẫn từ người hâm mộ, kì vọng vào cựu tiền vệ người Tây Ban Nha “là rất lớn”, theo lời một thành viên cấp cao của Barcelona nói với The Athletic. Xavi sẽ phải chịu áp lực về kết quả ngay lập tức, cũng như sự thay đổi trong lối chơi với rất ít thời gian chuẩn bị. Thomas Tuchel đã làm được điều này ở Chelsea, nhưng ông ấy có một đội hình chất lượng trong tay.
Nếu bạn không tin lời thành viên cấp cao kia chia sẻ, hãy nghe chính lời Laporta xác nhận vào thứ Sáu tuần trước. Sẽ “không có mùa giải chuyển tiếp nào ở Barcelona”, nghĩa là sẽ không có thời gian lãng phí trong việc đưa đội bóng xứ Catalan thoát khỏi tình trạng sa sút như hiện tại.
Xavi về cơ bản đã đồng ý với việc trở lại Barcelona một lần nữa dưới cương vị mới. Xu hướng bổ nhiệm một cầu thủ cũ làm HLV để làm sống lại lối chơi truyền thống của các CLB lớn tiếp tục được duy trì.
Nhưng nếu coi việc Xavi trở về Barca giống như hình ảnh một chú chim đang bay thẳng vào tâm bão, thì cũng chẳng sai gì.