Đó là khẳng định của PGS.TS - Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Hùng, trưởng khoa Khám bệnh (BV Việt - Đức), trong buổi trả lời phỏng vấn báo chí. Theo ông Hùng, đề án bệnh viện vệ tinh đã được triển khai thí điểm từ năm 2005 nhằm tăng cường năng lực chuyên môn cho bệnh viện tuyến tỉnh phía Bắc về một số lĩnh vực chuyên môn như chấn thương chỉnh hình, mổ sọ não...tiến tới thực hiện mục tiêu giảm tải cho bệnh viện Hà Nội như Việt Đức, U bướu, Bạch Mai...
PGS - Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hùng
Trước đó, tại "Hội thảo Tăng cường thực hiện Đề án xây dựng bệnh viện vệ tinh và đề án 1816" được tổ chức tại TP.HCM, Lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận, những năm qua ngành y tế còn tồn tại nhiều bất cập như thiếu bác sĩ so với nhu cầu thực tế (6,59 bác sĩ/10.000 dân). Bên cạnh đó, trình độ nhân lực giữa các bệnh viện tuyến trên, tuyến dưới, giữa các vùng miền chưa đồng đều. Bác sĩ tay nghề cao, chuyên môn giỏi còn thiếu, trang thiết bị y tế ở các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện còn thiếu thốn, lạc hậu dẫn đến mất công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đó còn chưa kể đến việc gây nên áp lực quá tải tại các bệnh viện tuyến trên, chuyện 4-5 bệnh nhân nằm một giường xảy ra thường xuyên tại các bệnh viện lớn.
Ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế khẳng định, sẽ đẩy mạnh thực hiện xây dựng bệnh viện vệ tinh để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. "Đề án này được các bệnh viện nhiệt tình ủng hộ, đặc biệt là Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện Bạch Mai. Việc thực hiện Đề án này đã góp phần giảm tải hiệu quả cho các bệnh viện tuyến trên", ông Khuê nhấn mạnh.
Theo ghi nhận của PV, một số bệnh viện lớn ở Hà Nội như Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện U bướu Trung ương... là những bệnh nhân quá tải nhiều nhất. Tại bệnh viện U bướu trung ương, tình trạng 3-4 bệnh nhân nằm một giường là phổ biến. PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, giám đốc Bệnh viện Việt - Đức thừa nhận, những ngày cao điểm như 2/9, 30/4 - 1/5, Tết âm lịch...công suất giường bệnh lên đến 180% - 200% là điều khó tránh khỏi.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng, hệ thống y tế ở nước ta chưa đồng bộ, việc phân tuyến chưa hợp lý, do đó thực hiện bệnh viện vệ tinh vừa giảm tải cho bệnh viện tuyến trên đồng thời cũng tiến tới công bằng hơn trong phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.
Là người nhiều năm thực hiện Đề án 1816, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng khẳng định: "Việc xây dựng bệnh viện vệ tinh nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến trên đang rất hiệu quả. Vì ở nước mình hệ thống bệnh viện khu vực chưa nhiều, chủ yếu bệnh nhân ở các tỉnh vẫn sử dụng bệnh viện tuyến tỉnh là chủ yếu. Nếu tuyến tỉnh không đáp ứng được thì với giao thông thuận tiện như hiện nay họ sẽ về bệnh viện ở Hà Nội để điều trị. Bác sĩ Hùng cho rằng, cần phải đẩy mạnh việc xây dựng bệnh viện vệ tinh nhiều hơn nữa, nhưng vấn đề là cần xây dựng một cơ chế phù hợp, hiệu quả hơn từ cơ chế quản lý, trang thiết bị, đào tạo phải bình đẳng”.
Bệnh viện vệ tinh đã giảm tải 30% bệnh nhân chuyển tuyến Đề án bệnh viện vệ tinh do Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) triển khai từ năm 2005, đến nay đã xây dựng được 8 bệnh viện vệ tinh ở các tỉnh phía Bắc. Theo thống kê của Bộ Y tế, nhờ đề án này đã giảm tới 30% lượng bệnh nhân chuyển tuyến. |
Văn Khê