Trao đổi với PV Người Đưa Tin, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam bày tỏ không đồng tình và lo ngại có tác động xấu đến môi trường.
PV: Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa trình lên bộ Xây dựng đề án quy hoạch khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng, trong đó có hạng mục cáp treo tại VQG Bạch Mã. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: VQG Bạch Mã có giá trị kinh tế cao, ban Giám đốc VQG này đã làm hồ hơ đăng ký với bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đề cử trở thành vườn Di sản ASEAN. Tôi cũng nằm trong hội đồng tư vấn và góp ý với bộ TN&MT về những tiêu chí để VQG Bạch Mã được chấp nhận là Di sản ASEAN. Ở góc độ nhà khoa học, tôi không đồng tình với đề xuất này.
PV: Nhưng thưa ông, phía đại diện tỉnh Thừa Thiên - Huế hứa rằng, tuyến cáp treo không can thiệp vào diện tích rừng tự nhiên. Vậy, điều gì khiến ông lo ngại?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Tôi chưa nắm được đề án cụ thể, tuy nhiên rất nhiều vấn đề phát sinh khác trong quá trình xây dựng cáp treo mà chúng ta không lường trước được. Theo tôi, Thừa Thiên - Huế phải xem xét một cách thận trọng, hài hòa nhất.
PV: Gần đây, hàng loạt địa phương trong cả nước bày tỏ mong muốn xây dựng cáp treo tại các khu vực rừng, VQG để đẩy mạnh du lịch. Đây có phải là xu hướng tất yếu, thưa ông?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Thời gian qua, những người đứng đầu Chính phủ cũng đưa ra thông điệp, chúng ta không thể đánh đổi môi trường vì phát triển kinh tế. Hiện nay, trong tình hình biến đổi khí hậu, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt... việc bảo tồn, giữ vững hệ sinh thái VQG nói chung và VQG Bạch Mã nói riêng là cần thiết, giữ đúng chuẩn mực đạo đức về môi trường.
Thực tế, đây không phải là dự án đầu tiên khiến dư luận lo ngại. Nhiều dự án sau khi đánh giá tác động môi trường, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, người dân và các giới đều không nhận được sự đồng thuận.
Hơn nữa, chúng ta đã có quá nhiều bài học về môi trường trong thời gian qua. Sự cố ô nhiễm môi trường tại Formosa (Hà Tĩnh) ảnh hưởng rất lớn đến 4 tỉnh miền Trung là một điển hình. Tất nhiên, các nhà lãnh đạo muốn làm việc này cũng vì nền kinh tế chung của tỉnh, nhưng dù thế nào đi nữa phải ưu tiên bảo vệ, bảo tồn.
PV: Như ông đề cập ở trên, chúng ta đang hướng đến việc đưa VQG Bạch Mã trở thành Di sản ASEAN. Liệu đề cử này có bị “phá sản” bởi việc xây dựng khu du lịch sinh thái tại VQG Bạch Mã?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Một trong những tiêu chí quan trọng nhất để hướng tới vườn Di sản ASEAN là giữ nguyên hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học... Do vậy, muốn thuận lợi cho đề cử vườn Di sản ASEAN, tỉnh Thừa Thiên - Huế không nên làm cáp treo. Hệ thống các VQG, khu bảo tồn thiên nhiên khi đã được Chính phủ phê duyệt nằm trong chiến lược Quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học thì nên giữ lại.
Xây dựng khu nghỉ dưỡng với mục đích đưa du khách đến gần hơn khu tâm linh là chưa thỏa đáng. Rừng Bạch Mã có những vị trí cao hơn 1.000m, tôi nghĩ đây cũng là cách để thu hút du khách trong nước và quốc tế khám phá về khu rừng này. Dọc đường đi lên, khách sẽ quan sát, thưởng ngoạn đa dạng sinh thái, từ đó giữ chân khách lâu hơn.
Còn đi cáp treo, rút ngắn thời gian nhưng ấn tượng đọng lại không nhiều. Ngồi trên đó, chúng ta chỉ thấy rừng mà không khám phá được vẻ nguyên sơ xung quanh. Sau khi lên tham quan vài phút đi xuống sẽ không giữ được ấn tượng gì về khu rừng này, nhất là với các vị khách nước ngoài.
PV: Vậy theo ông, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần làm gì vào thời điểm này?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Theo quan điểm của tôi, trước khi đưa ra ý tưởng cần có nghiên cứu kỹ lưỡng về đánh giá tác động môi trường, lấy ý kiến của các nhà khoa học, không thể nôn nóng. Với mỗi dự án, cần đánh giá về môi trường chiến lược - hệ lụy của dự án ảnh hưởng đến môi trường, xã hội, dư luận xã hội như thế nào? Ở đây, tỉnh phải có những đánh giá cụ thể, tham khảo đầy đủ ý kiến của các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực: Môi trường, nông nghiệp, kinh tế, văn hóa để có được những ý kiến đồng thuận của người dân.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hương Lan