Nguy cơ di tích lịch sử bị xâm hại
Di tích lịch sử Đàn Xã Tắc (Hà Nội) được phát hiện năm 2006 khi triển khai thực hiện đường vành đai 1 đi qua khu vực Kim Liên. Theo các chuyên gia khảo cổ, các nhà sử học thì Đàn Xã Tắc được xây dựng giữa thế kỷ XI. Do đó, đây là công trình có ý nghĩa rất lớn về mặt lịch sử, tâm linh.
Ngoài ra, nơi đây còn phát hiện tầng văn hóa Phùng Nguyên, là di chỉ thời đại đồ đồng đầu tiên được phát hiện trong nội thành Hà Nội. Với những dày đặc tầng văn hóa của nhiều thời kỳ thuộc lịch sử Trung đại như vậy, ngày 7/12/2007, bộ VH-TT&DL đã xếp hạng khu di tích khảo cổ học đàn tế Xã Tắc là di tích lịch sử quốc gia.
Và việc khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích được áp dụng theo quy định tại Điều 32 chương IV của Luật Di sản Văn hóa và Điều 16, chương III Nghị định số 92/2001/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản Văn hóa. Thế nhưng, di tích lịch sử đặc biệt này đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại bởi dự án xây cầu vượt đi qua khu vực ngã năm Ô Chợ Dừa (Đống Đa - Hà Nội).
Vào cuối tháng 3/2013, ban Quản lý các dự án trọng điểm giao thông đô thị Hà Nội đã đưa ra phương án kiến trúc cầu vượt trục giao thông ngã năm Ô Chợ Dừa nhằm hạn chế giải phóng mặt bằng, cầu sẽ đi sát phạm vi bảo tồn Đàn Xã Tắc và nhà dân. Mố cầu nằm ngoài di tích, còn mặt cầu có một phần chạy qua di tích này. Theo chủ đầu tư, cầu vượt dự kiến khởi công trong năm nay và hoàn thành vào năm 2015.
GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Ông Nguyễn Sỹ Bảo - Giám đốc ban Quản lý các dự án trọng điểm giao thông đô thị Hà Nội trả lời với báo chí, dự án cầu vượt ngã năm Ô Chợ Dừa không xâm hại di tích Đàn Xã Tắc. Đồng thời, hiện tại dự án này có khoảng 15 - 17 phương án, đang trình Chính phủ phê duyệt.
Theo GS. Phan Huy Lê, hiện bản vẽ chưa được công bố nên các nhà khoa học đang rất lo ngại về việc khu di tích đặt biệt này sẽ bị xâm phạm khi xây cầu vượt.
GS. Phan Huy Lê phân tích, nếu phương án xây cầu vượt theo hướng dọc đường Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng thì cầu sẽ không chồng lên khu di tích. Tuy nhiên, cũng cần phải tính toán kỹ bởi chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể để lại hậu quả lớn. "Nếu làm cầu vượt theo hướng Xã Tắc thì vấn đề lại phức tạp hơn nhiều.
Thứ nhất, cọc mống của cầu sẽ nằm trên đường Xã Tắc và khu di tích Đàn Xã Tắc dài như vậy sẽ không tránh khỏi việc một vài cọc mống sẽ nằm trong khu di tích hoặc sát khu di tích. Điều này rất nguy hiểm. Các cọc mống tuyệt đối không được nằm trên khu di tích. Điều này Luật Di sản Văn hoá đã quy định rất rõ". GS. Phan Huy Lê nhấn mạnh.
Cần tôn trọng Luật Di sản
Một số ý kiến cho rằng, câu chuyện bảo vệ di sản lịch sử văn hoá của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập, hàng năm đâu đó vẫn xảy ra những trường hợp xâm phạm các khu di tích, thậm chí là phá bỏ di tích lịch sử. Xét về khía cạnh văn hoá, lịch sử thì đó là những tổn thất vô cùng to lớn.
Luật Di sản Văn hóa đã được chỉnh lý, bổ sung và ban hành rộng rãi, vậy sao vẫn có nhiều vi phạm? Phải chăng luật chưa nghiêm khiến con người "nhờn" với luật này? Vì thế, trước nguy cơ di tích Đàn Xã Tắc bị xâm hại, các nhà sử học cho rằng, cần phải tôn trọng Luật Di sản Văn hoá khi thực hiện bất kỳ công trình nào.
Rõ ràng, khu di tích Đàn Xã Tắc là rất linh thiêng, trong quan niệm cổ truyền và truyền thống của dân tộc Việt Nam. Do đó, chúng ta phải tôn trọng tín ngưỡng này của nhân dân. Nếu cầu vượt mà trùm lên khu di tích có nghĩa là xe cộ và người sẽ đi lại trên khu di tích, cho nên phải cân nhắc rất kỹ.
Là nhà nghiên cứu lịch sử đầu ngành, khi nói đến di tích Đàn Xã Tắc, GS. Phan Huy Lê khẳng định: "Theo tôi, khu di tích Đàn Xã Tắc chúng ta khai quật chưa hết. Khu này do yêu cầu lúc bấy giờ là xếp hạng di tích cấp quốc gia, nhưng tạm thời đang được bảo tồn trong lòng đất chứ không phơi bày ra. Bảo vệ một di tích trong lòng đất là việc hết sức phức tạp.
Phải nhớ rằng, cái chúng ta khoanh vùng đó chỉ là một phần rất nhỏ của di tích chứ không phải toàn bộ. Chúng ta bảo tồn trong lòng đất bằng một lớp cát có nghĩa chúng ta muốn để di sản này lại cho con cháu sau này khi có điều kiện họ sẽ tiến hành khai quật và bảo tồn. Lúc đó, trình độ về văn hoá, công nghệ cao hơn chúng ta bây giờ. Cần phải hiểu rằng di tích này là chúng ta tạm lấp đất lại chứ không phải là xoá bỏ nó".
Mặc dù thông cảm với những bức xúc của giao thông Hà Nội, nhưng GS. Lê nhấn mạnh, việc xây dựng giao thông vẫn phải tuân thủ những nguyên tắc và không thể tuỳ tiện. "Chúng ta phải kết hợp giữa bảo tồn và xử lý các vấn đề giao thông. Nhưng trên một số nguyên tắc thì không thể tuỳ tiện được. Nguyên tắc đầu tiên là áp dụng đúng Luật Di sản văn hoá Việt Nam. Bất kỳ một hành động nào ảnh hưởng đến khu di tích thì cần được bàn luận công khai, minh bạch và phải được sự đồng ý của bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch", GS. Phan Huy Lê nói.
Trách nhiệm của các nhà quản lý Hà Nội là quản lý Thủ đô ngàn năm văn hiến. Cho nên di sản văn hoá của Hà Nội là cực kỳ quan trọng, vừa là của Hà Nội lại vừa của cả nước. Vì thế, trách nhiệm của các nhà lãnh đạo, quản lý Hà Nội rất cần nêu cao vấn đề này.
Luật Di sản đang bị coi thường GS. Phan Huy Lê: "Tôi rất tiếc, dù đến nay Luật Di sản Văn hoá đã được sửa đổi và công bố rất rộng rãi nhưng có thể nói, đây là một trong những luật bị coi thường bậc nhất. Người ta xâm hại một cách rất tuỳ tiện, thậm chí người ta phá di sản ấy đi, nhưng nhiều lắm cũng chỉ cảnh báo chứ chưa có một vụ vi phạm nghiêm trọng nào được xử lý công khai trước pháp luật. Đó là điều rất đáng tiếc". |
Hà Khê