Xây dựng “Đại lộ danh vọng” theo hình thức BOT
Thông tin về việc UBND quận Hoàn Kiếm lấy ý kiến người dân nhằm hoàn thiện dự án “xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm”, trong đó có hạng mục “Tuyến đường ghi danh” hay còn gọi là “Đại lộ danh vọng” tương tự ở Mỹ đang khiến dư luận xôn xao.
Theo đó, trên vỉa hè này sẽ được lát đá và khắc tên những danh nhân, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu... có đóng góp lớn cho sự phát triển của Hà Nội. Những người được ghi danh sẽ do TP.Hà Nội quyết định.
Được biết, ngay sau khi ý tưởng này được đưa ra, công ty Cổ phần Đầu tư AMD (gọi tắt là AMD) đã có đề xuất lên UBND TP.Hà Nội xin đầu tư tuyến đường này dưới hình thức BOT. Theo đề xuất này, AMD sẽ bỏ tiền ra xây dựng, sau đó kinh doanh.
Theo AMD, nếu được chấp thuận, “Đại lộ danh vọng” cạnh hồ Gươm sẽ được sử dụng đá tự nhiên để xây dựng. “Việc xây dựng “Tuyến đường ghi danh” trên cơ sở kết hợp những yếu tố của văn hoá truyền thống và sử dụng vật liệu trong nước sẽ tạo ra nét văn hoá rất riêng cho Hà Nội, góp phần tạo thêm điểm nhấn cho khách du lịch khi đến đây”, lãnh đạo AMD chia sẻ.
Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết, đây mới chỉ là ý tưởng của đơn vị xây dựng tư vấn. Dù được nhiều người ủng hộ nhưng quận sẽ phải nghiên cứu về hình thức thể hiện, đảm bảo phù hợp với văn hóa của người Việt.
Giẫm đạp để tôn vinh?
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, GS. Trần Lâm Biền cho rằng, xây “Đại lộ danh vọng” ở hồ Gươm là ý tưởng “ngớ ngẩn”. “Văn hóa và nhận thức của người phương Đông khác với phương Tây, của Việt Nam khác của Mỹ, đừng thấy họ làm gì là học theo”, ông Biền nhấn mạnh.
GS. Trần Lâm Biền cho rằng, đây không chỉ là văn hóa mà còn là ý thức dân tộc. “Ở Việt Nam, tên danh nhân, người có công người ta thường để lên cao, ở nơi trang trọng. Còn việc để lên tường, lên đường như thế là thiếu tôn trọng", GS. Trần Lâm Biền chia sẻ.
Cũng theo ông Biền, việc nói xây “Đại lộ danh vọng” để thu hút khách du lịch là chưa hợp lý bởi chúng ta xây dựng không phải chỉ phục vụ khách du lịch mà còn phục vụ người dân.
Cũng trao đổi với PV về ý tưởng trên, PGS. TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng trường đại học Xây dựng Hà Nội bày tỏ: “Tên là điều rất thiêng liêng với người Việt, khắc tên danh nhân lên mặt đường để cả ngàn người đi qua sao gọi là tôn vinh. Những người có công thường được khắc tên lên bia đá đặt ở nơi trang trọng, không phải ở mặt đường, vỉa hè. Hơn nữa, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm có hàng ngàn lượt người qua lại vào mỗi dịp cuối tuần, chưa tính đến ngày lễ Tết. Làm “Đại lộ danh vọng” thì không thể tránh được tình trạng người đi đường giẫm chân những viên đá ghi danh”.
Một vấn đề khác được PGS. Nguyễn Văn Hùng đặt ra mà ông cho rằng nếu làm "Đại lộ danh vọng" sẽ gây tranh cãi lớn là việc, ai sẽ xứng đáng được vinh danh, tiêu chí nào để vinh danh?
“Nếu không lập được một hội đồng thẩm định khách quan, con đường đó có thể biến thành nơi ghi thêm vài người háo danh, nhờ vả, xin xỏ để được tôn vinh”, ông Hùng bày tỏ. Đồng thời, ông cũng đặt ra câu hỏi về tác dụng của việc vinh danh đến đời sống xã hội ra sao, có làm cho cuộc sống của người dân Hà Nội phát triển hơn không?.
Trong khi đó, ông Phan Đăng Long - nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng chia sẻ với PV rằng: "Thường văn hóa phương Đông cho rằng, khi tên tuổi người được quý trọng mà viết trên đường cho mọi người đi, người ta coi đó là sự thiếu tôn trọng”.
"Văn hóa Việt Nam cũng không ngoại lệ trong trường hợp trên và vì thế không nên làm vì trái thuần phong mỹ tục, tốn kém mà lại không được ủng hộ. Ví dụ, lấy tên một người nào đó là tổ tiên, ông bà, những người có công đánh bại giặc ngoại xâm để tên dưới nền đường thì có khác nào coi thường họ. Không ai vinh dự việc này”, ông Long bày tỏ.
Nhất Nam