Ngày 4/2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp cùng đoàn công tác đến kiểm tra tiến độ 2 dự án đường sắt đô thị lớn nhất Hà Nội là Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – Ga Hà Nội.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Đường sắt đô thị có vai trò đặc biệt quan trọng trong các giải pháp giảm ùn tắc giao thông Hà Nội và đang gấp rút thực hiện 2 tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông. Thời điểm hiện tại, tuyến Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành được hơn 90%”.
Toàn bộ hệ thống trụ dầm, đường ray đã xong, đang hoàn thành nhà ga… Đến 9/2017 có thể chạy thử. Trong khi đó, tuyến Nhổn - Ga Hà Nội đã hoàn thành 30% khối lượng công việc.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Theo kế hoạch, Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài theo quy hoạch tầm nhìn đến 2050 là 305 km. Bình quân ở Hà Nội, xây dựng 1 km đường sắt đô thị tốn 100-150 triệu USD. Để hoàn thành 8 tuyến, chúng ta cần khoảng 40 tỷ USD. Đây là số tiền rất lớn”.
Toàn bộ kinh phí để làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam khoảng 50 tỷ USD. Trong đó, 30 tỷ USD dành cho hạ tầng, 20 tỷ USD xây dựng nhà ga, mua xe… Do đây là số tiền quá lớn nên Quốc hội vẫn chưa thông qua. Chính vì thế, để xây dựng các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, cần một giải pháp để tháo gỡ về vấn đề vốn”.
Phó Thủ tướng khẳng định: “Hà Nội cần nghiên cứu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia làm đường sắt đô thị. Khi doanh nghiệp nội thực hiện giá sẽ rẻ hơn và nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt. Toa tàu, thiết bị có thể mua nước ngoài nhưng xây dựng hầm, đào hầm, đường sắt, trụ móng, dầm, nhà ga... chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Đây cũng là mong muốn của Thủ tướng”.
Báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, dự án Nhổn – Ga Hà Nội đến nay đã triển khai thi công đạt được trên 30% tổng khối lượng công việc và ký kết hợp đồng 8/9 gói thầu.
Tiến độ tổng thể của dự án chậm hơn so với kế hoạch ban đầu. Dự kiến, dự án có thể hoàn thành, đưa vào khai thác vào cuối năm 2021. Về vướng mắc, chậm trễ của dự án, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị thuộc UBND Hà Nội cho biết việc quản lý tư vấn Hợp đồng tư vấn Systra còn nhiều bất cập. Dự kiến sau 30/9, dự án sẽ được đưa vào vận hành chạy thử liên động với thời gian chạy thử 3 – 6 tháng.
UBND Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét, bố trí đủ kế hoạch vốn ODA giai đoạn 2017-2020, dự kiến mỗi năm khoảng 3.500 – 3.700 tỷ đồng, kiến nghị Bộ Xây dựng sớm có ý kiến về thiết kế, vị trí giếng thông gió tại ga S9 Kim Mã để trả lời kiến nghị của người dân.
Tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, khối lượng xây lắp công trình của dự án đã hoàn thành được hơn 90%. Trong đó, phần hạ tầng chạy tàu đã cơ bản hoàn thành.
Thế Anh