Tiền thân của PTC là Công ty Xây dựng Bưu Điện, đơn vị thành viên của Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Sau khi được cổ phần hóa vào năm 2004, công ty đã đổi tên thành CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện với vốn điều lệ đăng kí là 50 tỷ đồng. Qua 2 lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của doanh nghiệp đã lên đến gần 180 tỷ đồng.
Trước đây, PTC là 1 trong 3 cổ đông lớn, nắm giữ tỷ lệ vốn cao thứ 2 tại HJS, chỉ sau CTCP Sông Đà 9 (36,43%) và nhiều hơn ông Võ Anh Linh - chồng của bà Phạm Thị Thu Hà – Thành viên HĐQT của HJS (9,84%).
Thương vụ bán toàn bộ hơn 5,1 triệu cổ phiếu HJS này có thể đã đem về cho PTC hơn 117 tỷ đồng trong bối cảnh giá cổ phiếu HJS đã giảm hơn 30% trong 2 tháng trở lại đây. Kết thúc 3 phiên giao dịch liên tiếp, cổ phiếu HJS “bất động” tại mốc 23.000 đồng/cổ phiếu.
Về Thủy điện Nậm Mu, doanh thu thuần theo BCTC năm 2019 của công ty này đã giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 153 tỷ đồng. Nhờ các khoản chi phí phát sinh giảm đáng kể nên lợi nhuận sau thuế cả năm của HJS đạt hơn 46 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% cùng kỳ năm trước và suýt soát hoàn thành mục tiêu kế hoạch đã đề ra.
Năm 2020, Thủy điện Nậm Mu lên kế hoạch doanh thu 160 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 40,7 tỷ đồng, giảm 22% so với kết quả đạt được năm 2019.
Có vẻ kết quả kinh doanh của HJS không đủ làm hài lòng các cổ đông lớn. Không chỉ có PTC, 1 cổ đông lớn khác cũng đã nói lời chia tay với công ty này. Mới đây, ông Võ Anh Linh đã đăng ký bán toàn bộ 2,07 triệu cổ phiếu HJS theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ 18/3 đến 16/4/2020.
Thu Trang