Nhiều chuyên gia khẳng định, việc quy hoạch xây ký túc xá ở một địa điểm xa như vậy đã là điểm bất hợp lý. Đến thời điểm này, khi sai lầm đã hiện rõ, Sở Xây dựng không tham khảo ý kiến người dân, muốn chuyển đổi công năng sử dụng là điều khó có thể chấp nhận được.
Chuyển đổi sau bốn năm xây dựng
Được biết, dự án nhà ở sinh viên tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bao gồm sáu đơn nguyên cao 19 tầng, một tầng hầm, khởi công từ năm 2009 với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, dự kiến bố trí chỗ ở cho gần 22.000 sinh viên các trường đại học phía nam thành phố. Năm đơn nguyên của dự án đang được hoàn thiện, trong đó tòa nhà A3 thi công đến phần trát trong và ngoài nhà, lắp đặt đường ống cấp thoát nước...
Ông Phạm Sỹ Liêm
Theo Sở Xây dựng, sau bốn năm triển khai, do biến động về giá cả vật liệu, tiền lương và một số hạng mục nên dự án phải điều chỉnh tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới hơn 1.800 tỷ đồng, chưa bao gồm việc xây dựng tòa nhà A4. Đến nay, Chính phủ đã bố trí vốn hơn 1.100 tỷ đồng cho dự án. Trước đó, để đảm bảo tiến độ, Sở đã kiến nghị UBND Hà Nội và bộ Xây dựng được bố trí vốn bổ sung trong năm nay là 135 tỷ đồng và vốn trong năm 2014 là 570 tỷ đồng.
Trước mối lo ngại công tác bố trí vốn trong năm nay và năm 2014 gặp nhiều khó khăn, để giảm tải áp lực về nhu cầu vốn cho dự án, cơ quan này đã kiến nghị chuyển đổi hạng mục nhà A3 từ nhà ở sinh viên sang loại hình nhà thu nhập thấp, để bán cho người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn. Nếu áp dụng phương án này sẽ thu hồi được khoảng 110 tỷ đồng để thanh toán cho đơn vị thi công và đầu tư cho các hạng mục còn lại. Khi chuyển đổi hạng mục nhà A3 từ nhà ở sinh viên sang bán cho người thu nhập thấp sẽ phải điều chỉnh công năng công trình cho phù hợp mục đích sử dụng.
Hậu quả của việc xây dựng kiểu chắp vá
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Phạm Sỹ Liêm, (phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng) cho rằng: "Trước đây, tôi đã từng nói rất nhiều về việc xây dựng ký túc xá sinh viên ở Tứ Hiệp. Tất nhiên, vấn đề xây dựng chỗ ở cho sinh viên là cấp thiết song không phải vì thế mà vội vàng triển khai, phải xây ký túc xá gắn với các cụm trường đại học, thay vì việc cứ thấy đất còn trống là sử dụng. Đây là cách xây dựng kiểu chắp vá, thể hiện cái nhìn thiển cận của các cơ quan liên quan trong việc quy hoạch và xây dựng. Phải chăng lúc đó, họ không muốn xây nhà sinh viên nhưng do loại nhà này được cung cấp về vốn, ưu đãi nhiều nên họ đề xuất như vậy?".
Các toà nhà sinh viên tại khu đô thị Pháp Vân.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hùng, (nguyên hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội) cho rằng, việc xây ký túc xá tại Pháp Vân quá xa trường ĐH Xây dựng. Điều này sẽ gây khó khăn cho sinh viên đi lại. Sau khi xây, thành phố sẽ phải tính việc tăng cường xe buýt đưa đón sinh viên thay vì ký túc xá sẽ bỏ không. Bên cạnh đó, khi các trường đại học di dời khỏi thành phố, các ký túc xá sẽ không còn sử dụng, gây lãng phí. Lúc này sẽ lại phải chuyển đổi công năng sử dụng của khu ở này. Theo ông Hùng, thành phố cần quy hoạch các trường đại học rồi mới xây dựng ký túc xá, tránh tình trạng xây dựng chắp vá rồi gây lãng phí.
Ông Liêm cũng khẳng định, chưa từng thấy ở nước nào, khi một công trình chưa làm xong đã đề xuất đổi công năng sử dụng. Hơn nữa, sở Xây dựng nói chuyển đổi để giải quyết việc thiếu vốn là không ổn. "Việc xây dựng khu ký túc xá này từ năm 2009, chỉ cách đây bốn năm, chẳng lẽ tầm nhìn của chủ đầu tư lại "ngắn" đến như vậy?", ông Liêm đặt câu hỏi. Vị nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng khẳng định, khi bắt đầu quy hoạch, chắc chắn chủ đầu tư chưa lấy ý kiến của các sinh viên và các trường đại học. Bởi chẳng sinh viên nào muốn ở một nơi xa như thế. Bình thường, ở nước ngoài, người ta hay xây ký túc xá ở ngay trong trường hoặc xây theo cụm trường đại học. Việc này sẽ thuận tiện cho việc đi lại và học tập của sinh viên hơn. Hơn nữa, việc ở tập trung như thế thì các tuyến xe buýt đưa đón sinh viên cũng tiện lợi hơn rất nhiều.
Về vấn đề này, ông Phạm Sỹ Liêm khuyến cáo, trước khi đề xuất chuyển đổi công năng sử dụng, sở Xây dựng phải đi điều tra xã hội học xem người thu nhập thấp có muốn lặn lội cả mấy chục cây số ra ngoại thành xa đến vậy để ở. Bởi tâm lý người Việt Nam thường muốn chỗ ở phải gắn liền với nơi kiếm sống. Có ai chấp nhận mỗi ngày phải đi xe máy hàng chục cây số để vào nội đô làm việc sau đó tối lại về. Trước đây, Sở đã không hỏi ai trong việc xây dựng, đến bây giờ họ cũng chẳng xin ý kiến người dân. Như vậy là bất ổn. Thực tế cho thấy, hiện nay, còn rất nhiều nhà xã hội, nhà thu nhập thấp đang "ế". Như vậy khi có chuyển ký túc xá sinh viên sang nhà thu nhập thấp cũng chẳng thể bán được. Chắc chắn, lúc đó, căn nhà 19 tầng này sẽ bỏ hoang.
Nhà thu nhập thấp bị người dân trả lại Dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng (Hà Đông) do Công ty CP Bêtông Xuân Mai (Vinaconex Xuân Mai) làm chủ đầu tư đã bàn giao nhà từ đầu năm 2013 đến nay nhưng số người dọn đến ở mới chưa đầy 80%. Tuy nhiên, từ khi bàn giao nhà đến nay đã có nhiều khách hàng làm đơn xin trả lại nhà, thanh lý hợp đồng. Theo thông tin từ chủ đầu tư, tính tổng số những khách hàng làm đơn xin trả lại nhà, thanh lý hợp đồng tại dự án Kiến Hưng này từ trước tới nay trên 30 người. Hệ lụy do chuyển đổi nhà vô tội vạ "Trước đây, khi người ta ồ ạt xây nhà thương mại, tôi đã khuyên họ rằng cần phải đi điều tra xã hội học xem có bao nhiêu người cần mua loại nhà này. Sau khi nhà thương mại "ế sưng", họ lại đổ xô đi chuyển đổi nhà thương mại sang nhà thu nhập thấp. Khi đó, tôi cũng nhận định rằng, sự chuyển đổi vô tội vạ này sẽ khiến nhà ở xã hội tiếp tục thừa. Tuy nhiên, những chủ đầu tư đều bỏ ngoài tai. Và bây giờ, họ phải chịu hậu quả từ việc này", ông Liêm nói. |
Vương Chân