Kịp thời xử lý tình trạng giải quyết chậm hồ sơ BHXH của người dân
Theo ông Nguyễn Hòa Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, BHXH Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), với quan điểm cải cách TTHC gắn liền với hoàn thiện chế độ, chính sách, đặt khách hàng ở vị trí trung tâm, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tích cực triển khai rà soát, đơn giản các TTHC, thành phần hồ sơ nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý đồng thời cắt giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân khi tham gia các giao dịch về BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện.
BHXH Việt Nam tích cực đổi mới phương thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC. Nếu như trước đây, khách hàng phải trực tiếp đến cơ quan BHXH xếp hàng, tốn thời gian, chi phí thì hiện tại, việc giao dịch đã thực hiện trên cả 3 kênh: Giao dịch tại cơ quan BHXH (bộ phận một cửa); Giao dịch điện tử: 24 giờ/ngày, 07 ngày/tuần, trên 90% đơn vị đã thực hiện và giao dịch qua hệ thống bưu chính công ích: 63/63 tỉnh, thành phố triển khai nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích (tổ chức, doanh nghiệp không phải trả phí).
Ông Nguyễn Hoà Bình cũng cho biết thêm, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thực hiện giao dịch điện tử cũng được ngành quan tâm. Nhằm thực hiện thành công mục tiêu và nhiệm vụ cải cách TTHC, ngành BHXH đang xây dựng hệ thống CNTT tích hợp, tập trung, hiện đại tuân thủ theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử. Hiện tại, ứng dụng CNTT đã bao phủ hầu hết các nghiệp vụ chủ yếu của ngành BHXH như: Giao dịch điện tử trên tất cả lĩnh vực: Thu, cấp sổ thẻ; giải quyết và chi trả chế độ; Thực hiện giao dịch điện tử đối với cả tổ chức và cá nhân.
Vận hành Hệ thống thông tin giám định BHYT để phục vụ công tác quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, kết nối liên thông với 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc. “Đây là công cụ hữu hiệu giám sát, cảnh báo, kịp thời phát hiện những hành vi trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi người bệnh”, ông Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng triển khai hệ thống theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC. Qua đó, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện theo dõi, giám sát BHXH tỉnh, thành phố trong việc giải quyết TTHC; kịp thời xử lý tình trạng giải quyết chậm, muộn hoặc để tồn đọng hồ sơ BHXH của cá nhân, doanh nghiệp.
Thiết lập Hệ thống tư vấn, giải đáp, chăm sóc khách hàng nhằm tiếp nhận, xử lý thông tin, tư vấn, giải đáp, hỗ trợ các yêu cầu của cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch. Thực hiện rà soát, cấp mã số BHXH đồng bộ giữa cơ sở dữ liệu Quản lý thu, sổ - thẻ với cơ sở dữ liệu hộ gia đình, tạo tiền đề xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH.
Đẩy mạnh giao dịch điện tử
Ông Nguyễn Hòa Bình cho hay, thông qua quá trình cải cách TTHC của ngành BHXH, đem đến nhiều lợi ích và sự hài lòng của người lao động, doanh nghiệp và người dân đối với BHXH. Đó là sự thuận lợi khi giao dịch do TTHC thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa, kịp thời niêm yết công khai, cụ thể, rõ ràng.
Người dân không cần đi đến cơ quan BHXH để giao dịch nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC nhờ việc đăng ký, thực hiện giao dịch điện tử, chuyển phát hồ sơ qua dịch vụ bưu chính. Các đơn vị không phải mất thời gian đi lại, chờ đợi nộp hồ sơ, giảm được phần lớn số giờ thực hiện thủ tục BHXH, góp phần đáng kể vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đồng thời được hỗ trợ thông tin đầy đủ về lập và nộp hồ sơ, được giải đáp kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chế độ chính sách về BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện thông qua Hệ thống tư vấn, giải đáp, chăm sóc khách hàng.
Nhờ cải cách TTHC, tình trạng chậm muộn hồ sơ được tối giản sau khi triển khai hệ thống theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC.
Theo Sức khỏe và Đời sống