Xây dựng chợ ở Bắc Giang: Có thêm 10 tỷ việc này mới xong?!

Xây dựng chợ ở Bắc Giang: Có thêm 10 tỷ việc này mới xong?!

Nguyễn Trọng Cảnh

Nguyễn Trọng Cảnh

Thứ 6, 02/06/2017 15:37

Những điều khoản “lạ” đưa vào hồ sơ mời thầu để nhà đầu tư phải đóng chục tỷ ủng hộ địa phương nếu muốn làm dự án.

Giới làm luật phân tích, đây là dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp về hoạt động đấu thầu.

Dự án xây dựng chợ Trung tâm huyện Hiệp Hòa (gọi tắt là chợ Hiệp Hòa) được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt tại Quyết định số 460/QĐ-UBND ngày 16/01/2014. Tổng diện tích xây dựng khoảng 5.600m2, thuộc khu 2, thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa do Công ty TNHH Bất động sản Đầu tư thương mại Hiệp Hòa làm chủ đầu tư. Đây là dự án được tỉnh Bắc Giang chấp thuận cho đầu tư, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng.

Suôn sẻ từ cấp tỉnh, nhưng về đến địa phương, chủ đầu tư lại gặp “chông gai” trong quá trình thực hiện. Bởi liên tiếp từ cuối năm 2016 đến nay, nhiều đoàn kiểm tra do huyện Hiệp Hòa lập ra đến công trình, loa tuyên truyền về sai phạm của chủ đầu tư được bật mở, các khách hàng ký hợp đồng đặt cọc thuê gian hàng bị lãnh đạo huyện ra văn bản vận động trả lại tiền, dừng góp vốn. Công an cũng gửi giấy mời những người đặt cọc thuê ki ốt đến làm việc.

Đại diện chủ đầu tư cho biết, rất có thể nguyên nhân dự án hơn 66 tỷ đồng bị đình đốn liên quan đến khoản tiền 10 tỷ đồng hỗ trợ địa phương và các yêu cầu vô lý không được nhà đầu tư đáp ứng. 

Tiêu dùng & Dư luận - Xây dựng chợ ở Bắc Giang: Có thêm 10 tỷ việc này mới xong?!

 Dự án chợ Hiệp Hòa đang bị UBND huyện Hiệp Hòa yêu cầu tạm dừng thi công

Theo đó, sau khi trúng thầu và bắt tay thực hiện, địa phương yêu cầu chủ đầu tư chi trả 10 tỷ đồng hỗ trợ địa phương. Tuy nhiên, thấy việc “ủng hộ” 10 tỷ đồng là vô lý và không có căn cứ pháp luật nên số tiền này đã không được giải ngân. Phía UBND huyện Hiệp Hòa lại cho rằng, khoản tiền này là căn cứ theo Hồ sơ mời thầu trước đó. Để trúng thầu dự án này, hồ sơ mời thầu có điều khoản quy định nhà đầu tư phải hỗ trợ địa phương tối thiểu là 10 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, theo Luật sư Bùi Đình Ứng - Trưởng VP luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP Hà Nội), Điều 4, Luật Đấu thầu 2013 quy định giá gói thầu là giá trị của gói thầu được phê duyệt. Do đó, nếu hồ sơ mời thầu mà cài cắm có khoản hỗ trợ địa phương là trái luật. Việc đưa khoản hỗ trợ vào hợp đồng là vi phạm khoản 2, Điều 89, Luật đấu thầu về các hành vi bị nghiêm cấm. Các hành vi này bị coi là lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp về hoạt động đấu thầu ( khoản 2 Điều 89 Luật đau thầu.

Không dừng lại ở việc “đòi tiền”, trước đó, UBND huyện cũng yêu cầu công ty Hiệp Hòa phải ký hợp đồng đầu tư kinh doanh, khai thác và quản lý chợ với UBND huyện Hiệp Hòa. Đại diện chủ đầu tư cho biết, với phương án này, người bỏ tiền ra thuê đất, xây dựng công trình lại không được hợp tác với khách hàng để giao dịch cho thuê ki ốt, mà số phận dự án lại phải bàn giao cho chính quyền địa phương định đoạt. 

Khi khoản tiền 10 tỷ và các yêu cầu khác chưa được đáp ứng, thì liên tiếp trong vòng 7 tháng, lãnh đạo huyện Hiệp Hòa đã ban hành 12 văn bản gửi đến nhà đầu tư cũng như các bên liên quan mà theo đại diện doanh nghiệp là có nội dung gây bất lợi, khó khăn cho quá trình triển khai dự án.

Trong các ngày từ 16-22/5/2017, lãnh đạo huyện Hiệp Hòa cử đoàn gần 30 người do Phó chủ tịch Nguyễn Văn Chính đến công trình kiểm tra, cho xe chở loa đi tuyên truyền về các sai phạm của chủ đầu tư, ra văn bản yêu cầu điện lực, nước cắt dịch vụ, cấm xe chở vật tư đến công trình…

Đặc biệt, chỉ trong ngày 23/5, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa Phạm Văn Thịnh liên tiếp ký hai quyết định thành lập tổ tuyên truyền về một số nội dung vi phạm của Công ty Bất động sản Đầu tư thương mại Hiệp Hòa Công; thành lập tổ liên ngành ngăn chặn người lao động và phương tiện chở vật liệu vào công trình. Theo đó, nhân sự của hai tổ liên ngành này gồm 33 người do Phó chủ tịch Nguyễn Văn Chinh làm tổ trưởng. 

Chủ tịch Phạm Văn Thịnh cũng ký văn bản yêu cầu người dân không đăng ký, tham gia đặt cọc, góp vốn mua, thuê ki ốt, gian hàng tại Chợ trung tâm huyện Hiệp Hòa. Ngoài thông báo nói trên, khách hàng giao dịch mua ki ốt tại đây lại bị Cơ quan điều tra Công an Hiệp Hòa gửi giấy mời lên làm việc “để làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật” của chủ đầu tư!. 

Một trong những biện pháp mạnh của chính quyền huyện Hiệp Hòa là ban hành quyết định yêu cầu các đơn vị liên quan dừng cấp điện, nước đối với công trình vi phạm sau khi huyện này ra quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình. Tuy nhiên Luật Xây dựng năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2015) lại không quy định việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng như cách mà huyện Hiệp Hòa đang làm. 

Trả lời phóng viên Báo Đời sống & Pháp luật, đại diện Công ty Hiệp Hòa cho biết, trước đó, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang vào Tp. Hồ Chí Minh kêu gọi con em về Bắc Giang đầu tư với chính sách “thảm đỏ” cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi chủ trương đầu tư đã được tỉnh Bắc Giang quyết, việc xây dựng được tiến hành, thì các cản trở ở huyện Hiệp Hòa lại đẩy nhà đầu tư vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan… 

Thủy Tiên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.