Năm 2017 để lại nhiều điểm nhấn trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Hàng loạt cán bộ cấp cao bị xử lý, cho thấy việc xử lý cán bộ, đảng viên không còn vùng cấm. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng viện Lịch sử Đảng đã dành cho PV báo Người Đưa Tin cuộc trao đổi về những dấu ấn trong công tác, xây dựng Đảng năm vừa qua.
Không còn chuyện kỷ luật Đảng là xong!
PV: Dưới góc độ một nhà nghiên cứu về xây dựng Đảng, theo ông, những dấu ấn nào đặc biệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng năm vừa qua?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Trước khi điểm lại các dấu ấn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, theo tôi cần phải nhấn mạnh năm 2017, nước ta có nhiều điểm thuận để làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. An ninh quốc phòng giữ được ổn định. Đặc biệt công tác đối ngoại năm vừa qua với sự kiện tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC nâng tầm rất lớn cho Việt Nam. Kinh tế vĩ mô ổn định là nền tảng đảm bảo cho việc xây dựng chỉnh đốn Đảng thuận lợi.
Chúng ta cần điểm lại về mặt văn bản Nghị quyết nói rõ, cụ thể hơn làm sáng tỏ vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng. Đầu tiên là Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nó đặt ra vấn đề là thực hiện quan điểm của ĐH Đảng khóa XII về xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Việc triển khai có chiều sâu, bài bản hơn.
Văn bản thứ 2 là Nghị quyết TƯ 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Văn bản này chỉ rõ 27 điểm biểu hiện của suy thoái của đảng viên. Chúng ta đã lượng hóa được suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của đảng viên. Đặc biệt là có những điểm nhấn trong thực hiện triển khai.
Tiếp đó, vào tháng 11/2017, Bộ Chính trị ban hành Quy định 102-QĐ/TW nêu rõ những mức vi phạm và hình thức xử lý. Đó là ba rem cụ thể để rõ các hình thức phải thi hành kỷ luật. Theo tôi, đây là một cố gắng lớn và thể hiện quyết tâm chính trị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành TƯ Đảng khóa XII.
Tôi tin là với các văn kiện hướng theo Đại hội khóa XII là xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên cả 4 mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức-cán bộ và đạo đức sẽ mang lại chuyển biến tích cực. Tất nhiên không phải ngay lập tức có thay đổi nhưng các văn kiện trên sẽ là cơ sở để việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đi vào nề nếp.
PV: Vậy những hành động cụ thể thể hiện nói đi đôi với làm trong việc xây dựng chỉnh đốn Đảng có dấu ấn cụ thể nào, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Từ sau ĐH Đảng XII đến nay, đã có hơn 20 cán bộ cấp cao bị xử lý. Con số đó nói lên nhiều điều. Đặc biệt, việc phòng chống tham nhũng làm quyết liệt hơn. Dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng, nhiều vụ án trọng điểm điểm đã được xét xử. Tôi cho rằng, chống tham nhũng cũng phải có trọng điểm.
Một điểm mới là việc xử lý, kỷ luật cán bộ vi phạm không dừng trong kỷ luật Đảng mà gắn với pháp luật. Đó là điểm mới để nâng hiệu quả xử lý cán bộ.
PV: Ông có thể minh chứng rõ hơn về điểm mới này?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Tôi đơn cử như việc xử lý ông Đinh La Thăng. Chỉ trong một ngày 8/12, ông Thăng bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, cho thôi ĐBQH, khởi tố bắt giam. Các yếu tố kết hợp sẽ tạo được bứt phá trong việc phòng chống tham nhũng.
Trở lại kỷ luật Đảng, thực ra việc xử lý, cho thôi Ủy viên Bộ Chính trị không phải đến bây giờ mới có. Trước đây đã có 2 người bị xử lý. Tuy nhiên ông Đinh La Thăng là trường hợp đầu tiên bị xử lý vì sai phạm kinh tế. Việc đảng viên vi phạm dính tới tham nhũng kinh tế, lợi ích nhóm thời gian qua khá nhiều. Vi phạm về kinh tế không bị xử lý thì cũng sẽ ảnh hưởng đến chính trị, trở thành thế lực cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, lợi ích nhóm tiêu cực làm tha hóa cán bộ. Đó không chỉ là vi phạm kinh tế đơn thuần.
Về mặt lôgic, chúng ta thấy các vi phạm kinh tế đang nổi lên. Từ đấy, vấn đề kỷ luật Đảng, phòng chống tham nhũng phải nhằm vào đối tượng tiếp xúc, tiền bạc tài sản gắn với lợi ích kinh tế.
Thực tế, Hội nghị TƯ 5 vừa qua có 3 Nghị quyết quan trọng về kinh tế. Theo tôi, cả 3 nghị quyết này đều góp phần lớn vào việc phòng, chống tham nhũng. Nếu làm tốt theo nghị quyết sẽ hoàn thiện thể chế “bịt” nhiều kẻ hở về mặt pháp luật, chấn chỉnh hoạt động của tập đoàn.
Phải luôn sẵn sàng “tuýt còi” cán bộ
PV: Thực tế, qua sai phạm của một số cán bộ cấp cao vừa qua như ông Nguyễn Xuân Anh, ông Đinh La Thăng và hàng loạt cán bộ tại Tập đoàn Dầu khí cho thấy công tác cán bộ của chúng ta làm chưa tốt?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Theo tôi qua một số vụ việc trên nổi lên vấn đề lợi ích nhóm, chủ nghĩa thân hữu liên kết rất khó phát hiện. Chúng ta giao cho họ rất nhiều quyền nhưng chúng ta lại không có phanh hãm hiệu quả. Người quản lý phải luôn sẵn sàng “tuýt còi” nếu không để mắt, không tuýt còi kịp thời cán bộ sẽ xa đà, sai lầm. Ít nhất là nhắc trong các buổi sinh hoạt chi bộ Đảng. Trước đây, ít có vụ nào sai phạm lớn như vụ ông Nguyễn Xuân Anh, ông Đinh La Thăng.
Tôi có theo dõi là trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri chỉ tập trung hỏi về vấn đề tham nhũng. Đó là vấn đề người dân quan tâm, nhưng trong công tác xây dựng Đảng còn nhiều vấn đề phải quan tâm. Đó còn là vấn đề phai nhạt lý tưởng nó còn nguy hiểm hơn cả tham nhũng. Chống cái đó còn khó hơn chống tham nhũng rất nhiều vì nó không lộ ra bên ngoài.
PV: Quy định 102 như ông nói đã có“ba-rem” cụ thể để đối chiếu xử lý với từng mức vi phạm của đảng viên thì sẽ không còn chuyện “xử lý nội bộ”. Tuy nhiên, qua một số vụ việc cho thấy TƯ thì quyết liệt nhưng địa phương thì đang có sự “du di” nhẹ tay trong thực hiện quy định, cán bộ vi phạm lại được luân chuyển?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Quy định này đã nêu rõ là không được luân chuyển những cán bộ vi phạm đã bị xử lý kỷ luật. Tôi cho rằng điều này sẽ tạo chuyển biến từ TƯ đến địa phương. Thông thường, ở các địa phương, mối quan hệ họ hàng gần hơn. Ở các huyện, xã điều này thấy rất rõ hơn, chúng ta vẫn thường gọi là “Chi bộ họ ta” thành ra việc xử lý các mối quan hệ thân hữu phải từng bước. Có quy định, việc áp vào sẽ ra vấn đề, tôi cho rằng chúng ta đừng quá lo ngại.
Về vấn đề luân chuyển cán bộ, tôi cho rằng cần phải chấm dứt tư duy “luân chuyển để đi lên”. Bản thân cán bộ luôn nghĩ sẽ được lên chức chứ không bao giờ nghỉ phải đi xuống. Luân chuyển là để rèn rũa cán bộ, để cán bộ hiểu được thực tiễn rồi thực hành một cách cụ thể. Và để tránh cán bộ quan hệ thân thiết, lập bè kéo cánh.
Từ thời cụ Lê Thánh Tông đã làm việc này. Lúc đó quy định, người đứng đầu các tỉnh không được là người địa phương, phải là người nơi khác đến, không được lấy vợ, làm nhà ở đó. Không có chuyện cán bộ cắm rễ mấy chục năm ở một địa phương. Luân chuyển là để nâng cao năng lực làm việc, năng lực tổ chức, chống cục bộ địa phương. Chính vì thế, thời gian tới, công tác cán bộ phải được làm chặt chẽ, giám sát tốt hơn nữa.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!