Ngày 26/11, báo Vnexpress dẫn tin, chiều nay (26/11), đề án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025, sẽ chính thức được công bố.
Mục tiêu được đặt ra là giải quyết các vấn đề của thành phố như: Dân số tăng nhanh; kinh tế tăng trưởng nhưng chưa bền vững; công tác dự báo, quy hoạch và điều hành còn bất cập; y tế, giáo dục, giao thông, môi trường, hành chính công... phục vụ người dân chưa tốt.
Trao đổi với Vnexpress, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP, Trưởng ban Điều hành cho biết, Đề án Thành phố thông minh hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn.
Người dân có thể thụ hưởng các tiện ích như: Sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, dịch vụ y tế tốt; học sinh có thể học tại trường chất lượng, không khí trong lành, nguồn nước sạch, tỷ lệ tội phạm thấp, các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng...
Người lao động sẽ có các dịch vụ hạ tầng cơ bản, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thương trường thế giới: Kết nối Internet băng thông rộng; các nguồn năng lượng sạch, ổn định với chi phí thấp; các cơ hội để được học hành, trau dồi kỹ năng, kiến thức; chi phí cho không gian sống và làm việc vừa tầm thu nhập.
Thành phố thông minh cũng giúp chính quyền sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên tối ưu, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân và đảm bảo lợi ích cho các thế hệ tương lai.
Đô thị thông minh hướng đến 4 mục tiêu: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức.
Ngoài ra, đề án đô thị thông minh cũng hướng đến 4 chủ thể: chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.
Cùng đưa tin về mô hình TP thông minh, báo điện tử VTV.vn nhận định, việc sử dụng công nghệ để quản lý và điều hành mọi mặt hoạt động của chính quyền một cách hiệu quả, từ đó chất lượng đời sống đô thị được nâng lên với người dân là vị trí trung tâm.
Việc giải quyết các bất cập trong đời sống xã hội sẽ có hệ thống, tầm nhìn chứ không còn mang tính tình thế như hiện nay. TP.HCM đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng mô hình này.
Chỉ cần một thiết bị thông minh có kết nối mạng, người dân TP.HCM từ vài năm nay đã có thể thực hiện 46 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 và 446 dịch vụ cấp độ 3. Và lợi ích không chỉ dừng lại ở sự hài lòng của họ.
Theo dự kiến, bắt đầu từ năm 2018, mô hình đô thị thông minh sẽ được thí điểm thực hiện tại quận 1, quận 12 và khu vực đô thị mới Thủ Thiêm của quận 2, những địa phương đã có sẵn dữ liệu quản lý hành chính được số hóa.
Hà Nguyễn (tổng hợp)