Làm lò hỏa táng ở thành phố, việc “vô tiền khoáng hậu”
Thời gian qua, dự án Quy hoạch chi tiết xây dựng Nghĩa trang nhân dân TP.Sơn La được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1916/QĐ-UBND ngày 7/8/2018, dự kiến sẽ xây dựng tại khu Phiêng Khávới quy mô nghiên cứu quy hoạch 40 ha, diện tích lập quy hoạch 19,81 ha đã vấp phải hàng loạt những phản ứng của dư luận, nhất là hàng trăm hộ dân sống quanh phường Chiềng Cơi cũng như hàng loạt cán bộ, giảng viên tại trường đại học Tây Bắc.
Trước khi “chốt” khu vực Phiêng Khá làm điểm xây dựng nghĩa trang, lò hoả táng, phía sở Xây dựng TP.Sơn La đã tiến hành khảo sát tại 6 địa điểm khác. Cụ thể: Khu vực bản Bóng Phiêng, xã Chiềng Cọ; TP.Sơn La; khu vực trại bò của công ty Hợp lực xã Chiềng Ngần, TP.Sơn La; khu vực bản Mới, xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn; khu vực bản Noong La, phường Chiềng Sinh; khu vực giáp trung tâm giáo dục lao động tỉnh tại xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn; khu vực bản Nà Hạ 1, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn.
Trong văn bản gửi tỉnh Sơn La, phía sở Xây dựng tỉnh khẳng định, vị trí nghĩa trang tại khu vực Phiêng Khá là vị trí phù hợp nhất, nằm ngoài quy hoạch thành phố, được bao quanh với dãy núi cao, có diện tích khoảng 40ha. Khu vực nghĩa trang đảm bảo về cự ly, khoảng cách và phục vụ thuận tiện nhu cầu hỏa táng, an táng mà không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, địa điểm xây dựng nghĩa trang nhân dân TP.Sơn La khi được nhìn trên vệ tinh đã vi phạm về khoảng cách và quy chuẩn về vị trí. Bởi, vị trí này nằm giữa phường Quyết Tâm, phường Chiềng Cơi và xã Chiềng Ngần. Hơn nữa, ranh giới nghĩa trang còn bao bọc bởi hai đơn vị hành chính cấp phường và một cấp xã thuộc TP.Sơn La, gần trường học THCS, THPT Quyết Tâm, Quyết Thắng, Chiềng Cơi, cách khu dân cư tổ 2 chưa đầy 600m. Thậm chí, khu nghĩa trang này chỉ cách mốc ranh giới quy hoạch trường đại học Tây Bắc chỉ 5 bước chân người lớn.
Vị trí địa lý khu vực xây dựng nghĩa trang và lò hỏa thiêu là vậy, nhưng theo cách hiểu của lãnh đạo thành phố Sơn La, vị trí này chỉ là “ven trung tâm” mà thôi.
Khi được PV hỏi về vị trí này, ông Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch UBND TP.Sơn La - cho hay, bán kính thành phố khoảng 15 - 20km. Khu xây dựng nghĩa trang nhân dân không phải khu vực trung tâm, mà chỉ là ven trung tâm thành phố.
Ngồi tại phòng làm việc của ông Trụ, chúng tôi đặt câu hỏi:
- PV: Từ đây tới nghĩa trang đó bao xa?
- Ông Đỗ Văn Trụ: Hơn 4km!
- PV: Như vậy có sát trung tâm quá không?
- Ông Đỗ Văn Trụ: Trung tâm hay không trung tâm thì bộ Xây dựng đã có hẳn một thông tư quy định rõ về việc xây dựng khu nghĩa trang. Trong hay ngoài đô thị thì bộ Xây dựng đã thay thế việc đó. Tính từ bán kính khu vực dân cư, không có chuyện nghĩa trang sát khu dân cư tập trung.
Nói về việc các địa điểm khác vì sao không đạt tiêu chuẩn, ông Trụ trả lời quanh co và với các lý do: Những vị trí khác nằm xa, các vấn đề địa chất, vấn đề xử lý về môi trường không thể thực hiện được... Và chỉ cho rằng, việc xây dựng nghĩa trang ở trung tâm thành phố không gây ảnh hưởng như mọi người nghĩ.
“Mọi người vẫn nhìn nhận nghĩa trang có điều gì đó gợn gợn, nghĩ đó như một nghĩa địa. Nhưng cái chúng tôi xây dựng là một công viên vĩnh hằng và sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất của Thuỵ Điển”, vị lãnh đạo UBND TP.Sơn La nhấn mạnh.
Người đứng đầu TP.Sơn La cũng nói rằng đã đi thực tế tại nhiều nghĩa trang có hỏa thiêu lớn trên cả nước. Tuy nhiên, khi được hỏi vị trí của các nghĩa trang này có được đặt ở trung tâm thành phố không thì ông Trụ đều khẳng định “cách rất xa”.
"Mùi" lợi ích nhóm và dấu hiệu thông thầu
Chiều 4/1, khi PV đến khu vực dự kiến xây dựng nghĩa trang ở khu Phiêng Khá đã có máy móc của doanh nghiệp thực hiện việc thi công. Trả lời về vấn đề này, ông Đỗ Văn Trụ nói: “Khu vực xây nghĩa trang đang là khu đất trống, máy móc đang san để sau này thiết kế mặt bằng, đánh giá các tác động môi trường trong thời gian tới”. Tuy nhiên, câu trả lời này có phần “nhầm lẫn” khi đánh giá tác động môi trường lại cần phải đi san phẳng mặt bằng?
Tỏ ra bối rối, ông Trụ nói rằng việc san mặt bằng này là chưa được phép. PV tiếp tục đặt câu hỏi, chính quyền đang trong quá trình quy hoạch và còn phải qua vài khâu nữa mới được triển khai xây dựng. Vậy nếu như mà không vượt qua các đánh giá đó mà doanh nghiệp họ làm như vậy thì lấy kinh phí ở đâu? Trả lời PV, ông Trụ nhấn mạnh: “Họ không được phép làm và cũng chẳng lấy kinh phí ở đâu cả. Tôi sẽ cho kiểm tra việc này”.
Dẫu nói như vậy, nhưng ông Trụ biết rõ, doanh nghiệp đang thực hiện san lấp mặt bằng là công ty CP môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La. Đáng chú ý, việc thi công chỉ được thực hiện khi tất cả quyết định đã được thông qua. Tuy nhiên, thời điểm này chưa đến giai đoạn đấu thầu, và cũng chưa được đánh giá tác động môi trường.
Câu hỏi đặt ra là, sẽ chẳng có một doanh nghiệp tư nhân nào đi làm một công việc "vô tư" như vậy khi việc đấu thầu chưa được thực hiện. Liệu có hay không dấu hiệu thông thầu, lợi ích nhóm giữa doanh nghiệp và chính quyền Sơn La trong việc xây dựng nghĩa trang nhân dân?
Là một người đã từng nộp đơn phản ánh tình trạng này tới nhiều cơ quan cấp Trung ương. Anh Nguyễn V.C. – một cán bộ trường đại học Tây Bắc - đề nghị: “Thiết nghĩ, Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc thanh tra, giám sát quá trình thực hiện dự án này. Để làm rõ việc liệu đây có phải một dự án có lợi ích nhóm? Có chăng việc “thông thầu” ở đây?”.
Trong buổi làm việc với ông Đỗ Văn Trụ, nhiều nội dung PV cần được làm rõ tuy nhiên những lý giải của vị lãnh đạo thành phố chưa thực sự rõ ràng và thuyết phục.
Trường chỉ biết chuyển đi!
Trước thông tin tỉnh Sơn La sẽ xây dựng nghĩa trang tại khu vực giáp ranh với trường đại học Tây Bắc (tổ 2, phường Quyết Tâm, TP.Sơn La, tỉnh Sơn La), trong năm học 2019 – 2020, đã có một số sinh viên Lào theo học tại trường phải bỏ về nước vì lo sợ.
Trước vấn đề này, ông Đoàn Đức Lân - Chủ tịch Hội đồng trường đại học Tây Bắc - bày tỏ sự bức xúc khi việc xây dựng nghĩa trang, lò hỏa táng ngay sát trường. Theo ông Lân, nếu xây dựng được thực hiện, sẽ phá vỡ quy hoạch của nhà trường đã được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt tại Quyết định số 2145, năm 2004. Điều này sẽ không chỉ khiến tâm lý hoang mang, lo lắng cho cán bộ, giáo viên mà cả các sinh viên, nhất là sinh viên Lào.
“Trong bối cảnh nguồn sinh viên đang ngày càng giảm, thì việc xây dựng nghĩa trang có lò hỏa táng rất có thể sẽ gây ảnh hưởng tới việc tuyển sinh của trường. Đặc biệt, trường đang làm nhiệm vụ quốc tế, tiếp nhận và đào tạo hàng trăm sinh viên nước bạn Lào”, ông Lân bày tỏ.
Ông Lân cũng chỉ ra, trường đại học Tây Bắc chọn khu vực bản Dứn để quy hoạch xây dựng cơ sở chính khi thời điểm đó không có quy hoạch nghĩa trang. “Nếu biết có nghĩa trang xây cạnh trường, không bao giờ chúng tôi chọn bản Dứn để quy hoạch xây dựng trường. Nếu tỉnh Sơn La vẫn tìm mọi cách làm nghĩa trang cạnh trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng thì Nhà trường buộc phải đề nghị Đảng và Chính phủ chuyển trường đi nơi khác”, ông Lân nhấn mạnh.
Khi chia sẻ với PV, em Sen Sụ Văn Na Vông (tỉnh Hủa Phăn, Lào - Sinh viên học theo diện ngân sách, lớp K58, ngành Kế toán, trường đại học Tây Bắc) tỏ ra hoang mang, lo lắng thậm chí bị ám ảnh tâm lý trước quyết định tỉnh Sơn La sẽ xây dựng nghĩa trang gần trường.
Theo chia sẻ của em Sen Sụ Văn Na Vông, trong thời gian theo học tại trường, cơ sở vật chất nhà trường được trang bị rất hiện đại, bạn bè, thầy cô rất thân thiện nên em rất yêu quý người dân nơi đây. Khi biết tin sẽ xây nghĩa trang gần trường, bản thân Sen và nhiều bạn Lào rất hoang mang, lo lắng.
"Bên Lào, nghĩa trang sẽ được xây ở ngoại thành, cách rất xa khu dân cư, chứ chưa nói đến gần trường học. Bởi nếu xây như vậy sẽ rất ảnh hưởng đến tinh thần học tập, tâm lý học tập của học sinh, sinh viên. Em nghĩ rằng, nếu lãnh đạo tỉnh Sơn La tiếp tục xây dựng nghĩa trang gần trường như vậy, thì trong những năm tiếp theo, phụ huynh Lào sẽ không cho con em sang học tại đây nữa”, em Sen Sụ Văn Na Vông bày tỏ.
Thu Huyền - Công Luân