Nông nghiệp Việt Nam và năm 2021 đáng tự hào
Tại Diễn đàn trao đổi về vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển Hệ thống thực phẩm và nông nghiệp xanh, giảm phát thải khí nhà kính do Bộ NN-PTNT phối hợp cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức ngày 13/4 tại Hà Nội, ông Alfonso Garcia Mora, Phó Chủ tịch IFC khu vực Châu Á và Thái Bình Dương nhìn nhận, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 đem lại, nông nghiệp Việt Nam nói riêng, kinh tế Việt Nam nói chung đã vượt qua một cách vô cùng ngoạn mục, điều mà chỉ một số ít các quốc gia trên thế giới có thể làm được. Với trọng tâm chiến lược 10 năm (2021-2030) của Bộ NN & PTNT là đưa đất nước của các bạn trở thành quốc gia nông nghiệp hàng đầu thế giới vào năm 2050, Việt Nam đang đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Alfonso Garcia Mora cũng đánh giá Việt Nam có một nền nông nghiệp đa dạng, nơi các nông hộ nhỏ chiếm ưu thế. Tôi cho rằng, chính sự hợp tác giữa các nông hộ này và hợp tác xã sẽ dẫn dắt các doanh nghiệp đến với quyết định mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng suất và đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ phát triển bền vững phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
"Tôi được biết, giảm thải lượng khí Các bon trong sản xuất nông nghiệp đang là một trong những trọng tâm phát triển ưu tiên của Bộ NN-PTNT, điều này rất quan trọng để Việt Nam hoàn thành cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu tại COP26.
Đây cũng chính là xu thế mới của thế giới. Hiện nay, nhu cầu về một ngành nông nghiệp và thực phẩm bền vững đang trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết. Theo thống kê, mỗi năm, ngành nông sản thực phẩm tiêu thụ một lượng năng lượng lớn hơn cả nhu cầu năng lượng của một quốc gia như Trung Quốc hay Hoa Kỳ", Phó Chủ tịch IFC khu vực Châu Á và Thái Bình Dương cho hay.
Việt Nam đang hướng đến một nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị, giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Đánh giá về những khó khăn gì trên con đường trở thành một đất nước có nền nông nghiệp hiện đại, phát triển của Việt Nam, ông Alfonso Garcia Moracho hay,việc xây dựng một nền kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ không hề rẻ. Việt Nam cần phải gắn chặt quá trình triển khai các chính sách chuyển đổi đầy tham vọng với quá trình giảm thiểu Các bon.
"Theo tôi được biết, Việt Nam hiện có một loại thuế là Thuế bảo vệ Môi trường, cần phát huy hơn nữa hiệu quả thực tế của loại thuế này. Sự kết hợp giữa chính sách và mục tiêu giảm thải khí nhà kính sẽ là vô cùng quan trọng để đưa nền kinh tế vào quỹ đạo hướng tới phát thải ròng bằng 0.
Quá trình này sẽ đòi hỏi những cải cách và đầu tư đáng kể, cần tận dụng tốt ưu thế của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất lúa và chăn nuôi. Các doanh nghiệp nông nghiệp cũng cần phải thay đổi, áp dụng phương thức kinh doanh, sản xuất theo hướng xanh hơn, sạch hơn. Đồng thời phải ký các cam kết về cắt giảm lượng khí thải trong quá trình sản xuất", ông Alfonso Garcia Mora đánh giá .
Cần những thay đổi mang tính cách mạng để hòa chung vào xu hướng phát triển của thế giới
Hiện nay, sản xuất lương thực chiếm khoảng 30% mức tiêu thụ năng lượng toàn thế giới. Do đó, lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp là trọng tâm trong nỗ lực khử Các bon của rất nhiều quốc gia. Phía IFC tin rằng, thực phẩm và nông nghiệp sẽ ngày càng được xây dựng dựa trên các giá trị gia tăng, tích lũy sản lượng hơn là dựa trên các mô hình sản xuất thâm dụng tài nguyên thiên nhiên.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, theo Phó Chủ tịch IFC khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, Việt Nam cần phải có những thay đổi triệt để về phương thức sản xuất lương thực, cụ thể là lúa gạo và chăn nuôi. Đây là hai ngành sản xuất phát thải các loại khí gây ô nhiễm như Các bon, Mê tan nhiều nhất. Tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể và rõ ràng hơn cho các nông hộ, hợp tác xã và doanh nghiệp về quy trình sản xuất giảm phát thải khí nhà kính.
Cần đưa ra chính sách khuyến khích người dân và doanh nghiệp áp dụng các phương pháp sản xuất hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường. Vai trò của Bộ NN-PTNT trong quá trình này là vô cùng quan trọng.
Theo chia sẻ của ông Alfonso Garcia Mora, phía IFC và Ngân hàng thế giới cam kết hỗ trợ Bộ NN & PTNT thực hiện chương trình mới và thực hiện theo các khuyến nghị. Chẳng hạn như, khuyến khích việc áp dụng các kỹ thuật thân thiện với môi trường, đẩy nhanh cải cách để cho phép thực hiện các giải pháp kỹ thuật số trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng khả năng tiếp cận tài chính cho sản xuất công nghệ cao, quy mô lớn, áp dụng công nghệ bền vững và tiêu chuẩn quốc tế.
"Trên thực tế, IFC đã triển khai nhiều chương trình cụ thể để giúp đỡ Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa nền nông nghiệp, giảm phát thải khí Các bon thông qua hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ tư vấn và hỗ trợ tài chính. Đây là những bước đi táo bạo và có tầm nhìn để chuyển đổi nền nông nghiệp Việt Nam theo con đường xanh, thân thiện với môi trường. Sự kiện ngày hôm nay là một trong những ví dụ về sự tham gia của IFC với các công ty khu vực tư nhân, những người đi đầu trong nỗ lực khử Các bon trong lĩnh vực nông nghiệp", ông Alfonso Garcia Mora nói.