Hệ lụy
Từ bao đời nay, thói quen ăn ở sinh hoạt của người dân nông thôn vẫn theo kiểu tự cung tự cấp. Mỗi nhà đều có vườn rau, chuồng nuôi lợn gà trâu bò. Phân gia súc, gia cầm thải ra để bón cây, vì thế họ cần chất độn chuồng trại. Ngoài trấu và tro bếp thì gốc rạ và các loại chất thải hữu cơ trong sinh hoạt đều được quét và dồn vào làm chất độn chuồng.
Đầu tư xử lý rác thải khu vực nông thôn, cần một cơ chế đặc thù
Theo thời gian, chăn nuôi trang trại phát triển mạnh, kiểu chăn nuôi nhỏ lẻ mỗi gia đình vài ba con lợn không còn nhiều. Nhưng với lối sinh hoạt tự do, người dân nông thôn vẫn không có thói quen gom rác lại để xử lý. Ngay cả khi không cần phân bón thì chất thải chăn nuôi lại được họ tống ra cống rãnh. Cùng với hệ thống nhà vệ sinh tự hoại, nước thải sinh hoạt cũng chảy theo ra cống rãnh gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ao hồ, lâu dần ngấm xuống làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Chúng ta hẳn chưa quên chuyện làng Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ (Quốc Oai - Hà Nội) hay xã Chàng Sơn (Thạch Thất - Hà Nội), là những vùng ngoại thành thủ đô mà phải đi mua nước sinh hoạt do ô nhiêm nghiêm trọng nguồn nước mặt và cạn kiệt nguồn nước ngầm.
Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, người dân được vận động gom rác lại để xử lý. Họ được hướng dẫn phân rác thành 2 loại vô cơ và hữu cơ. Nhưng họ vẫn thắc mắc không hiểu phân loại để làm gì khi mà xe gom rác lại đổ chung làm một???
Rác thải sau khi thu gom chưa được xử lý đúng cách, mới chỉ dừng lại ở việc đốt rác, gây ô nhiễm không khí. Vẫn còn một lượng không nhỏ các loại vỏ lọ hóa chất thuốc bảo vệ thực vật bị vứt ngoài bãi rác, mà chưa có cách gì để xử lý triệt để.
Tại các làng nghề ở nông thôn, nguồn nước thải chưa được xử lý vẫn xả ra môi trường, gây ô nhiễm không chỉ khu vực làng nghề mà còn ảnh hưởng nhiều đến các làng xung quanh. Rồi theo dòng chảy tự nhiên đem ô nhiễm đi rất xa, ảnh hưởng cả một vùng. Đó là chưa kể đến thói quen thả rông trâu bò, chó… và chất thải của các động vật này vẫn còn nhiều ở ngoài đường, trong các khu vực công cộng.…
Giải pháp
Những hiện tượng trên thực ra vẫn có cách khắc phục. Nhưng chỉ một làng, xã làm thì chưa đủ mà rất cần mọi người cùng chung tay góp sức.
Trước hết là cần khơi dậy ý thức tự giác của người dân. Muốn vậy cán bộ chính quyền địa phương cần bắt tay vào cuộc, bởi yếu tố môi trường là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Có thể đưa việc này vào hương ước làng xã, vào tiêu chuẩn đánh giá Gia đình văn hóa. Có những nơi đã cho các gia đình ký cam kết không thả rông chó mèo, súc vật nuôi ra đường, không để rác bừa bãi hoặc ô nhiễm quanh khu vực gia đình cư trú. Ở xã Yên Sở (Hoài Đức - Hà Nội) – một xã đã hoàn thành đủ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh việc cho từng hộ dân ký cam kết, còn đồng thời lập tổ giám sát môi trường của từng xóm đi kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên.
Việc thu gom rác thải cũng cần được tiến hành thường xuyên. Ở các huyện ngoại thành Hà Nội đã có cách làm rất hay: Mỗi địa phương cử một đội thu gom rác thải, một cụm dân cư chỉ cần khoảng 4 người là đủ. Thu nhập của họ là do các gia đình đóng góp theo nhân khẩu (mỗi tháng khoảng 3 - 4 nghìn đ/1 khẩu). Đảm bảo việc thu gom rác hàng ngày không bị ứ đọng dẫn đến phân hủy, hôi thối. Rác thải sau khi được gom lại ở điểm tập kết sẽ có xe của Công ty Môi trường về thu gom vào một giờ nhất định hàng ngày.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích người dân xây dựng hệ thống hầm khí biogas để tận dụng nguồn phân gia súc gia cầm, chất thải sinh hoạt hữu cơ… Vừa tránh được ô nhiễm môi trường lại vừa có chất đốt sạch, tiết kiệm cho nhà nông. Tuy nhiên, hiện nay số gia đình có hầm biogas chưa nhiều vì xây dựng một hầm biogas tốn kém tiền triệu - mức cao so với thu nhập của người dân nông thôn.
Với những vùng chuyên canh trồng rau màu, cần tuyên truyền bà con nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, ngưng trước khi thu hái theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Vỏ lọ, bao gói thuốc cần được thu gom tập kết vào một nơi quy định. (Một số địa phương đã cho xây những chiếc bể giữa đồng rau để bà con tập kết vỏ lọ, bao gói thuốc vào đó. Đội Bảo vệ môi trường sẽ thu gom định kỳ và xử lý riêng).
Để xử lý rác nói chung và với môi trường nông thôn nói riêng, nếu chỉ riêng ai hoặc người dân nói chung vẫn chưa đủ, mà còn phải các cấp liên quan cùng tìm ra hướng giải quyết tốt nhất. Vấn đề này phải thực hiện đồng bộ giữa người dân và nhà quản lý, không thể phó mặc cho Công ty Môi trường.
Vì môi trường, toàn dân cần có những hành động thiết thực. Ăn sạch, ở sạch trong gia đình chưa đủ, mà cần giữ môi trường sạch sẽ chung cho cộng đồng và xã hội.
Theo Dân trí