Xây dựng Phú Quốc thành Trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế

Xây dựng Phú Quốc thành Trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế

Nguyễn Thanh Xuân

Nguyễn Thanh Xuân

Thứ 4, 20/09/2023 19:00

Kiên Giang tập trung phát triển kinh tế biển, xây dựng Phú Quốc trở thành Trung tâm dịch vụ, du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Trao đổi với Người Đưa Tin, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Mai Văn Huỳnh cho biết, điểm nổi bật trong phát triển kinh tế biển thời gian qua của tỉnh là tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển, hải đảo, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện đời sống nhân dân, quy hoạch hệ thống cảng biển, phát huy và khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển…

Kinh tế vĩ mô - Xây dựng Phú Quốc thành Trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế

Công trình đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc, góp phần nâng cao khả năng cấp điện cho đảo Phú Quốc.

Đến nay, tỉnh đã thu hút 805 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 390.360 tỷ đồng, trong đó, các địa phương có biển là Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương, Châu Thành, Kiên Hải, An Biên, An Minh thu hút 729 dự án, với vốn đăng ký hơn 186.800 tỷ đồng. Nhiều dự án công trình lớn thúc đẩy phát triển kinh tế đã hoàn thành đưa vào sử dụng như Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cầu Cái Lớn và Cái Bé, hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, lưới điện quốc gia ra các đảo Phú Quốc, Hòn Tre, Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải.

Tiếp đến, đưa vào khai thác các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão Lình Huỳnh, Hòn Tre, Thổ Châu, An Thới, Xẻo Nhàu, đê chắn sóng Dương Đông, hệ thống cấp điện và nước ngọt sinh hoạt các xã ven biển, nâng tỷ lệ lệ hộ dân được sử dụng điện vùng biển đảo đến nay đạt hơn 99%, sử dụng nước hợp vệ sinh trên 81%. Cùng đó, là hệ thống đường giao thông ven biển và trên các đảo Phú Quốc, Hòn Nghệ, Lại Sơn, Hòn Tre, Nam Du, An Sơn; hệ thống trường học, trạm y tế cho các xã ven biển, hải đảo…

Tỉnh xây dựng 8 dự án mang tính cấp thiết ứng phó với biến đổi khí hậu như nâng cấp đê biển từ Hà Tiên đến Tiểu Dừa (An Minh), khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển, quản lý tổng hợp vùng bờ. Ngoài ra, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí lớn được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo điểm nhấn cho du lịch Kiên Giang, đặc biệt là du lịch đảo ngọc Phú Quốc.

Kinh tế vĩ mô - Xây dựng Phú Quốc thành Trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế (Hình 2).

Khách du lịch trải nghiệm mô tô nước tại Bãi Sao, phường An Thới, Tp.Phú Quốc.

Theo đó, Phú Quốc là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam thu hút đầu tư nhiều dự án, công trình quan trọng, nhất là lĩnh vực du lịch như khu Vinpearl, khu Safari, cáp treo An Thới – Hòn Thơm, khu vui chơi giải trí hàng đầu Đông Nam Á – Phú Quốc United Center, khu VinWonders Phú Quốc – Thiên đường vui chơi giải trí, Vinpearland, casino…

Cùng với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển, hải đảo, năm 2021, tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn đến năm 2030 và dự án điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng biển, sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác thủy sản.

Kinh tế vĩ mô - Xây dựng Phú Quốc thành Trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế (Hình 3).

Tỉnh bước đầu thực hiện mục tiêu phát triển nuôi ven biển, ven đảo và từng bước phát triển nuôi xa khơi. 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết, tỉnh thực hiện đề án phát triển nuôi biển nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại, đảm bảo môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển, hải đảo. Qua đó, góp phần tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, tăng thu nhập cho người dân. Tỉnh bố trí phát triển nuôi biển tại các huyện, thành phố như Phú Quốc, Kiên Hải, Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên, An Minh.

Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển 7.500 lồng nuôi cá biển, sản lượng hơn 29.870 tấn và đến năm 2023 là 14.000 lồng, sản lượng hơn 105.720 tấn; nuôi nhuyễn thể 24.000 ha, sản lượng hơn 83.660 tấn và đến năm 2023 diện tích nuôi 25.000 ha, sản lượng 101.470 tấn. Ngoài ra, còn phát triển nuôi trai ngọc và một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao khác.

Kinh tế vĩ mô - Xây dựng Phú Quốc thành Trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế (Hình 4).

Khách tham quan du lịch đến khu VinWonders Phú Quốc – Thiên đường vui chơi giải trí.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh tiếp tục phát triển mạnh kinh tế biển, ngoài việc tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển, hải đảo, tỉnh chuyển mạnh nuôi trồng hải sản theo phương thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường biển. Tỉnh tăng cường bảo vệ, tái sinh, phục hồi nguồn lợi hải sản gần bờ đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế, doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế biển trên địa bàn.

Tỉnh đầu tư xây dựng các trung tâm nghề cá, cảng biển, hạ tầng giao thông vùng biển đảo; đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển kết nối với các tuyến du lịch trong nước và quốc tế. Tỉnh tiếp tục nghiên cứu mở tuyến vận tải ven biển Việt Nam – Campuchia – Thái Lan; phát triển đội tàu biển để kết nối giao thông vận tải giữa đất liền với các huyện, thành phố biển đảo; phát triển giao thông vận tải biển kết nối với các nước trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển, khai thác có hiệu quả tiềm năng du dịch biển. Tập trung xây dựng đề án phát triển kinh tế biển tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề án phát triển Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển quốc gia. Tỉnh thúc đẩy đầu tư khai thác điện gió, điện khí, điện mặt trời, năng lượng tái tạo khác và phát triển kinh tế hàng hải.

Kinh tế vĩ mô - Xây dựng Phú Quốc thành Trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế (Hình 5).

Cáp treo Hòn Thơm, An Thới, Tp. Phú Quốc.

Đặc biệt, tỉnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả điều chỉnh huy hoạch chung thành phố Phú Quốc, nhằm tạo động lực phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội toàn tỉnh, trong đó, có kinh tế biển.

Theo đó, Phú Quốc tiếp tục tranh thủ mọi nguồn lực, vận dụng các cơ chế, hình thức đầu tư, tập trung xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông, nước, xử lý rác thải và nước thải, các thiết chế văn hóa... gắn với công tác đảm bảo an ninh trật tự. Tỉnh xây dựng thành phố Phú Quốc trở thành Trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.