Theo khảo sát của PV báo Người Đưa Tin, tại một số địa phương nơi có dự án sân golf tọa lạc, trong đề án xây dựng, các chủ đầu tư đều đưa ra cam kết: Sau khi sân golf đi vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho 200 đến 300 lao động.
Tuy nhiên, số người dân bản địa được giải quyết công ăn việc làm là rất hạn chế. Những người dân địa phương chỉ được làm công việc giản đơn và có mức thu nhập khiêm tốn.
Một vụ ngừng việc tập thể của nhiều lao động tại sân golf Hà Nội (thuộc công ty Cổ phần sân golf Hà Nội) vào cuối tháng 4 đầu tháng 5/2017 khiến dư luận vẫn còn bàn tán xôn xao.
Theo đó, khoảng 150 lao động nữ, chủ yếu là nhân viên caddy (những nhân viên phục vụ được thuê để kéo, bảo quản những bao đựng gậy đánh golf cho khách chơi trên sân) cho rằng, phía công ty trả mức lương 1,2 triệu đồng/người/tháng là quá thấp và không đúng với các quy định pháp luật hiện hành nên số công nhân này đã ngưng việc để phản đối.
Những công nhân này đề nghị phía công ty phải nâng mức lương lên 3,7 triệu đồng, phải thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên sau đó, mức lương của những lao động này mới chỉ nâng lên ở mức 2 triệu đồng/người/tháng.
Bà Lê Thị Nhung (nguyên trưởng thôn 8, xã Hồng Kỳ, Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, trước kia trong thôn có khá nhiều người làm việc cho dự án sân golf trên địa bàn xã ở vị trí chăm sóc cỏ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ còn trên dưới chục người dân trong thôn làm việc cho sân golf với mức lương khoảng 3 triệu đồng.
Cân nhắc lợi hại khi thực hiện dự án sân golf Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, bài toán quy hoạch là một vấn đề, nhưng bài toán lợi ích thì cần phải rõ ràng. Lợi ích của những ai? Thứ nhất doanh nghiệp được gì? Người dân được gì và không mất gì? Và thứ ba là Nhà nước thu được cái gì? Vấn đề trách nhiệm của Nhà nước đến đâu, trách nhiệm của chính quyền địa phương đến đâu, trách nhiệm của doanh nghiệp đến đâu và trách nhiệm của người dân đến đâu? Chúng ta phải phân biệt rất rõ các mối quan hệ này, đừng để người dân bức xúc khi thực hiện các dự án sân golf. |
Còn ông Đỗ Văn Hòa (Trưởng thôn 6, xã Hồng Kỳ) cho hay, trước đây khi sân golf tiến hành xây dựng thì có nhiều người trong thôn đi phụ hồ hoặc làm thợ xây. Hiện nay chỉ còn chưa đến 10 người dân trong thôn làm ở trong đó.
Bà Hoàng Thị Hà, PCT xã Hồng Kỳ (Sóc Sơn, Hà Nội) thông tin, chính quyền địa phương chưa có một cuộc khảo sát cụ thể nào về việc phía dự án sân golf tạo công ăn việc làm cho bao nhiêu lao động địa phương nên địa phương chưa nắm được con số chính xác là bao nhiêu, nhưng chỉ biết là rất ít.
Trao đổi với PV, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho rằng, dự án sân golf vừa là lĩnh vực dịch vụ xã hội đồng thời cũng là lĩnh vực kinh doanh.
Đặc biệt, sân golf lấy nhiều đất, trong đó có cả phần đất canh tác của người dân, lại phục vụ những khách tham gia chơi golf "không phải là người dân bình thường” nên việc quy hoạch triển khai xây dựng, cũng như tổ chức các hoạt động sân golf phải lưu ý những đặc điểm đó, tránh tạo ra sự phản cảm.
“Bên cạnh công tác quy hoạch thì còn công tác đền bù giải phóng mặt bằng như thế nào để cho người dân cảm thấy Nhà nước không bỏ rơi họ hoặc Nhà nước đang đứng về phía các doanh nghiệp, đang đứng về phía các dịch vụ ăn chơi để làm mất sinh kế của người dân.
Chỗ này là vô cùng quan trọng bởi vì trong thực tế có nhiều vụ việc người dân không được đảm bảo quyền lợi chính đáng nên họ đã có những phản ứng, đã có những câu chuyện đau lòng xảy ra...”, Đại biểu Nhưỡng nhấn mạnh.
(Còn nữa)
Nhóm P.V