Xây dựng sân golf: Nhiều tỉnh xin được làm thêm (1)

Xây dựng sân golf: Nhiều tỉnh xin được làm thêm (1)

Duong Quang Sơn

Duong Quang Sơn

Thứ 5, 16/11/2017 08:46

Đến năm 2020, cả nước được quy hoạch 96 sân golf, tăng 15 sân so với quyết định năm 2009. Điều này cho thấy sân golf có sức hút lớn với các nhà đầu tư.

Một loạt sân golf không có tên trong quy hoạch được các tỉnh như Hà Nam, Phú Thọ, Tuyên Quang, Quảng Ninh... có công văn đề nghị bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) bổ sung vào dự án xây dựng sân golf theo quy hoạch đến năm 2020. Căn cứ vào đề nghị này, bộ KH&ĐT đã có công văn trình Chính phủ và các bộ ngành liên quan cho ý kiến về việc này. 

Ngày 29/5, bộ KH&ĐT có tờ trình đề nghị bổ sung dự án sân golf 36 lỗ và khu phụ trợ (Paradise golf) tại Hà Nam vào quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến giao bộ KH&ĐT phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam giải trình làm rõ các ý kiến của bộ KH&ĐT, bộ NN&PTNT, bộ Xây dựng để đảm bảo đúng các quy định tại Quyết định 1946 và Chỉ thị 11 của Chính phủ.

Hồ sơ điều tra - Xây dựng sân golf: Nhiều tỉnh xin được làm thêm (1)

Quy hoạch đến năm 2020, cả nước có 96 dự án sân golf.

Ngày 24/7/2017, bộ KH&ĐT có văn bản đề nghị các Bộ liên quan cho ý kiến về bổ sung dự án sân golf Ao Châu (Hạ Hòa, Phú Thọ), dự án Vân Đồn golf club tại xã Vạn Yên (Vân Đồn, Quảng Ninh), dự án sân golf ở Quảng Bình.

Tại Phú Thọ, đã có 2 sân golf được đưa vào quy hoạch là Tam Nông và Thanh Xuyên, tuy nhiên tỉnh này đề nghị đưa thêm sân golf Ao Châu (Hạ Hòa) vào quy hoạch. Dự án sân golf Ao Châu (Hạ Hòa) có diện tích 94ha, được xem là có nhiều lợi thế trong việc giải phóng mặt bằng cũng như phát triển kinh tế địa phương.

Tỉnh Hà Nam có 2 sân golf được đưa vào quy hoạch là sân golf khu du lịch Tam Chúc ở Kim Bảng, sân golf đồi con Phượng ở huyện Thanh Liêm, nhưng tỉnh này vẫn đề nghị đưa vào quy hoạch dự án Paradise golf cùng huyện Kim Bảng và cách dự án kia chưa đến chục kilomet.

Cả nước có 96 dự án sân golf nằm trong quy hoạch, như vậy tính bình quân mỗi tỉnh có 1,5 sân golf.

Trong nhiều dự án sân golf đã được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động, phần diện tích đất được giao để thực hiện dự án sân golf, chỉ có khoảng 40% diện tích đất được sử dụng làm sân golf, 60% còn lại là cho các hạng mục khác, trong đó có phần diện tích không nhỏ đất dùng để phân lô bán nền, hoặc xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng bán hoặc cho thuê.

Sẽ cho các địa phương tự chủ về số lượng xây dựng sân golf

Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội kỳ họp thứ 3, Bộ trưởng bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy hoạch này là một loại quy hoạch sản phẩm không cần thiết theo đúng tinh thần của dự án luật Quy hoạch đang được Quốc hội cho ý kiến.

Bộ KH&ĐT đang trình Quốc hội luật Quy hoạch, theo hướng để các địa phương quyết định và chuyển việc phê duyệt dự án sân golf thành dự án đầu tư có điều kiện.

Tuy nhiên, ông Dũng nhấn mạnh, nguyên tắc lập dự án đầu tư sân golf “phải tuân thủ nhiều điều kiện”, như không được sử dụng đất lúa, không sử dụng đất quốc phòng an ninh, không sử dụng đất bảo tồn văn hóa... Cùng với đó, việc muốn xây 5 sân hay 10 sân là do địa phương quyết định, hiệu quả do nhà đầu tư tính toán chứ Nhà nước không nên can thiệp.

Một  lãnh đạo bộ Xây dựng cho rằng, đầu tư sân golf bao giờ cũng kèm theo phát triển các khu lưu trú để người chơi golf đến vui chơi, nghỉ dưỡng.

Đây cũng là một nguồn thu, không chỉ thu từ dịch vụ chơi golf. Thậm chí trên đất sân golf, các nhà đầu tư còn phát triển thêm các bất động sản nghỉ dưỡng với mục đích khác.

Nó cho thấy lợi nhuận kinh doanh sân golf rất lớn. Một thực tế khác là các dự án sân golf thường gắn với việc phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, làm gia tăng đáng kể lợi nhuận cho nhà đầu tư. Nên các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lớn thường đầu tư phát triển sân golf như một giải pháp để gia tăng giá trị cho các dự án bất động sản liền kề do họ đầu tư.

Theo chia sẻ của một nhà đầu tư về lĩnh vực bất động sản có tiếng tại Hà Nội, đầu tư vào sân golf được nhiều người chú ý tới bởi có nhiều cái lợi “đặc thù” so với kinh doanh các loại bất động sản và các loại hình đầu tư khác.

Theo đó, khi chọn phương án đầu tư vào sân golf, nhà đầu tư không chỉ dễ dàng vượt qua các thủ tục thẩm định phức tạp, không cần đầu tư nhà xưởng, thiết bị như các ngành nghề khác, mà vẫn được phép “thu hồi” một diện tích đất vô cùng lớn. Chính vì thế, cứ xin đầu tư dự án “sân golf - khu nghỉ dưỡng”, “sân golf - khu du lịch sinh thái”… là các chủ dự án có thể "tính tiếp".

(Còn nữa...)

Nhóm P.V

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.