Đánh giá kỹ lưỡng về phạm vi quy mô
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 1/11 khi thảo luận chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, nhiều ĐBQH quan tâm tới đề xuất xây dựng một số trung tâm văn hóa của Việt Nam tại nước ngoài.
Nêu ý kiến, ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) nhấn mạnh, việc xây dựng Trung tâm văn hóa tại các nước là xu hướng của nhiều nước trên thế giới, thông qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người văn hóa.
Đồng thời, đóng góp cho quá trình thu hút đầu tư thương mại, du lịch, lan tỏa hình ảnh của các quốc gia và tạo sức mạnh mềm của đất nước, cũng như của dân tộc.
Theo đại biểu, đây cũng là một trong những nhu cầu cấp thiết trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Việt Nam, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài cũng là nhu cầu của cộng đồng văn hóa, văn hóa của người Việt Nam ở nước ngoài.
Trên cơ sở đánh giá tổ chức, vận hành thực hiện của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp và Lào xuất phát từ tình hình thực tiễn và yêu cầu của nhiệm vụ văn hóa đối ngoại chính trị, an ninh của đất nước. Bà Thanh Hương thống nhất với đề xuất đầu tư xây dựng một số Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần cân nhắc thêm trước mắt cần quan tâm lựa chọn những nước có mối quan hệ văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập và có các đối tác dẫn đầu về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Bà Thanh Hương đề nghị đánh giá kỹ lưỡng hơn về nội dung, phạm vi quy mô cũng như cân đối nguồn lực để xác định danh mục và lộ trình triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp, khả thi và hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần có kế hoạch cụ thể nhằm phát huy tối đa việc bảo tồn, phát huy, truyền bá các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, quảng bá du lịch Việt Nam.
"Thông qua văn hóa góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, công tác đối ngoại đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo quyền con người của người Việt Nam cả trong nước cũng như tại nước sở tại", bà Thanh Hương kỳ vọng.
ĐBQH Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) cũng đồng tình với đề xuất đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Theo ông Sinh, việc xây dựng các Trung tâm văn hóa ở nước ngoài sẽ giúp chúng ta giới thiệu và lan tỏa hình ảnh văn hóa đất nước, con người Việt Nam với quốc tế nên cần có cơ chế đặc biệt để thực hiện.
"Hàn Quốc vẫn có trung tâm văn hóa ở Việt Nam để họ giới thiệu, lan tỏa và quảng bá văn hóa của họ tại đất nước mình, tại sao chúng ta lại không làm như thế này ở nước ngoài?", ông Sinh nêu vấn đề.
Quảng bá, giới thiệu văn hóa của Việt Nam
ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) ủng hộ với việc đề xuất xây dựng các Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, ông lưu ý phải cân nhắc thật kỹ về sự cần thiết và tính hiệu quả, vì bản chất đây là "xuất khẩu văn hóa", là quảng bá văn hóa, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như văn hóa, chính trị, quan hệ giữa 2 quốc gia.
"Nếu xây dựng thì cần phải đảm bảo có tính lưỡng dụng cao, đó là văn hóa, là biểu diễn, là trưng bày, hội nghị, hội thảo, hội chợ, họp mặt…. Trung tâm này không chỉ chúng ta dùng mà nước bạn cũng có thể dùng để tăng tính hiệu quả", ông Trí nói.
Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong chương trình đã nêu rõ đây là thực hiện chiến lược văn hóa đối ngoại của Đảng, của Nhà nước.
"Khi làm Chính phủ sẽ hết sức lưu ý, bởi không phải muốn là làm được mà phải dựa trên các hiệp định giữa 2 Chính phủ... Đồng thời, ưu tiên các quốc gia Việt Nam có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện", Bộ trưởng nói.
Như nhiều ĐBQH khẳng định, đây là sự hiện diện của văn hóa Việt Nam ra nước ngoài và thông qua đó để quảng bá, bảo tồn, giới thiệu văn hóa của Việt Nam và đó thực sự là ngôi nhà chung văn hóa của kiều bào ở nước ta ở nước ngoài.
"Vì vậy, hướng tới chúng ta sẽ lựa chọn từ 3 đến 5 trung tâm, cần thiết phải được ưu tiên theo thứ tự", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thông tin.