Xây dựng văn bản sai, lãng phí tiền của Nhà nước

Xây dựng văn bản sai, lãng phí tiền của Nhà nước

Thứ 2, 06/05/2013 08:41

Lâu nay, người ta nói nhiều tới chuyện lãng phí trong xây dựng cơ bản, nguồn nhân lực và tài nguyên… chứ ít đề cập tới lãng phí trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL).

Thực chất, hậu quả của những lãng phí này như nhau:  thất thoát, mất mát công, của của Nhà nước. Nhưng, với văn bản QPPL thì nguy hiểm hơn, vì nếu ban hành mà không thực tế, không đi vào cuộc sống còn gây  “lãng phí”  cả niềm tin trong dân chúng.

Tốn thời gian

Có Bộ, ngành mỗi năm xây dựng, ban hành trên dưới 100 Thông tư.  Mỗi Thông tư làm trong 6 tháng cùng với chi phí hội họp, khảo sát, thẩm định thông qua... Quy trình làm luật nếu đổi mới, con số trên sẽ nhỏ lại, lãng phí sẽ giảm đi.

Hàng năm, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các Bộ, ngành sẽ phê duyệt Kế hoạch xây dựng văn bản QPPL trong năm. Theo đó, Bộ ít cũng vài chục Thông tư, nhưng với những “siêu” Bộ quản lý đa ngành có khi phải lên tới hàng trăm Thông tư và hàng ngàn Quyết định mỗi năm.

Chẳng hạn, ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), cuối tháng 3/2013 Bộ trưởng Cao Đức Phát đã ký Quyết định phê duyệt Kế hoạch xây dựng, ban hành văn bản pháp quy năm 2013 của Bộ, với 125 dự án luật, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng, Thông tư liên tịch và Thông tư của Bộ NN&PTNT...

Luật sư - Xây dựng văn bản sai, lãng phí tiền của Nhà nước

Con số này ở Bộ Tài chính còn lớn hơn: 7 dự án luật, 72 Nghị định, Quyết định… thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, 141 Thông tư và Thông tư liên tịch… được soạn thảo để trình và ban hành trong năm 2013. Riêng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - một bộ kinh tế ngành, theo chương trình, 2 quý đầu năm nay cũng đã và sẽ trình Chính phủ 10 Nghị định, chưa kể số Thông tư tiếp tục sửa đổi và xây dựng mới.

“Theo quy định tại Thông tư Liên tịch 192/2010 của Bộ Tài chính,Bộ  Tư pháp và Văn phòng Chính phủ về lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác xây dựng văn bản QPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật thì chi phí xây dựng một Thông tư từ 10 - 15 triệu đồng, Nghị định là 20 - 30 triệu đồng. Còn thời gian thì có khi phải từ 1-2 năm hoặc lâu hơn để nghiên cứu, khảo sát, hội thảo, thẩm định… mới hoàn thiện một số Thông tư, Nghị định hướng dẫn thi hành một luật”, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) dẫn chứng.

Trong 125 văn bản QPPL mà Bộ NN&PTNT phải xây dựng và chuẩn bị xây dựng trong năm 2013, có tới 63 Thông tư, trong đó có 4 Thông tư ban hành danh mục như: thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và hạn chế sử dụng tại Việt Nam, danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật… Trước đây, những lĩnh vực này nếu có vấn đề phát sinh cần  hướng dẫn… các Vụ, Cục chức năng lại trình Bộ để ban hành Thông tư.

“Từ năm 2012 về trước, văn bản dạng này rất nhiều. Ví dụ như năm ngoài, chúng tôi làm 66 Thông tư, trong đó có 28 cái là để ban hành danh mục thuộc các lĩnh vực như thuốc bảo vệ thực vật, giống, chất xử lý cải tạo môi trường... nhưng năm 2013 đã rút xuống còn 4 cái. Có nghĩa là đã tiết kiệm được khá nhiều công sức của những người làm công tác pháp chế và quan trọng hơn là tập trung hóa được các quy định vào một văn bản, nhằm giảm tình trạng một “rừng luật” nhưng chồng chéo nhau.

Người dân, doanh nghiệp từ nay chỉ cần có trong tay một Thông tư về ban hành danh mục là có hết tất cả những lĩnh vực mà họ quan tâm chứ không phải tra cứu một “mớ” văn bản như trước nữa”, bà Kim Anh khẳng định.

Chưa nói đến chuyện tiền của mà chỉ làm một phép tính nhỏ về mặt thời gian thì mới thấy sự rút gọn, đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản ở Bộ NN&PTNT đã tiết kiệm được rất nhiều về mặt thời gian - điều mà Bộ này cũng như nhiều Bộ, ngành khác trước đây vì một số lý do khác nhau vẫn chưa cải tiến dẫn tới sự lãng phí không đáng có về thời gian vật chất, bởi theo tính toán, trung bình phải mất khoảng 6 tháng mới có thể hoàn thiện một Thông tư.

Còn Nghị định thì lâu hơn, và chắc chắn cũng sẽ lãng phí nhiều hơn. Xin đưa ra dẫn chứng, trước đây các Bộ, ngành từng ban hành tới 117 Nghị định để hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, trong đó có Bộ có tới hơn 10 cái, với nhiều nội dung trùng lắp, chồng chéo. Tuy nhiên, sau khi văn bản này được nâng lên thành luật, số Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này đã được rút xuống còn 57 cái; bình quân mỗi Bộ chỉ ban hành 1 - 2 Nghị định; Bộ quản lý đa ngành cũng chỉ có từ 5-6 Nghị định.

Mất niềm tin

Tư duy và quy trình làm luật nếu không đổi mới, nội dung không sát thực tế không chỉ gây mất mát, thất thoát công, của của Nhà nước, lãng phí thời gian mà còn làm “xói mòn” cả niềm tin trong dân chúng.

Nhân bàn việc này, chúng tôi dẫn lại chuyện “kinh doanh thịt 8 tiếng” trong Thông tư số 33/2012/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT để thấy rằng, ngoài những đổi mới như đã nêu, Bộ này từng để xảy ra lãng phí trong xây dựng, ban hành văn bản pháp quy, chí ít là ở văn bản quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thịt… do cựu Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần ký ban hành ngày 20/7/2012, nhưng sau đó đã bị hủy bỏ do quy định quá máy móc, không phù hợp với điều kiện kinh doanh, sinh hoạt của người dân.

“Thịt 8 tiếng” đã được giới truyền thông bình chọn là một trong những quy định gây tranh cãi nhất của năm 2012 bên cạnh một số quy định thiếu khả thi của một số Bộ, ngành, địa phương khác. Ngay người ký ban hành văn bản này, ông Diệp Kỉnh Tần sau đó cũng thừa nhận: “Nhìn chung ý muốn của Cục Thú y là rất tốt, nhưng tính khả thi đúng là khó áp dụng”. Do vậy ngày 30/8/2012, Bộ này phải ký Quyết định số 2090/QĐ-BNN-TY ngưng hiệu lực thi hành đối với Thông tư 33.

Liên quan tới vấn đề này, mới đây tại một cuộc họp triển khai công tác xây dựng, thi hành văn bản QPPL và đề án của Bộ GTVT, các đơn vị chức năng Bộ này nhận định, kế hoạch soạn thảo văn bản 6 tháng đầu năm 2013 của ngành tuy không lớn nhưng các văn bản QPPL trong lĩnh vực GTVT có tính xã hội hóa cao, liên quan trực tiếp đến sản xuất và sinh hoạt của nhiều người dân. Và nhất là sau nhiều lần phải đối mặt với “sóng gió” dư luận mỗi khi ngành này cho ra một chủ trương, đề xuất nên Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu các đơn vị tham mưu trong quá trình xây dựng văn bản pháp quy phải hết sức thận trọng.

Cụ thể, Bộ trưởng GTVT chỉ đạo phải hết sức cân nhắc khi chỉnh sửa và ban hành Thông tư 14 và Nghị định 93 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô cũng như Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTVT…

Theo Tuấn Anh (Pháp Luật Việt Nam)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.