Bổ sung quy định xử lý livestream
Đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông tại hội trường, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho biết, nhiều cử tri đánh giá rất cao Bộ đã tập trung cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số…
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề đặt ra trên môi trường mạng xã hội. Lấy ví dụ về trường hợp bà Nguyễn Phương hằng thường xuyên đưa tin, không kiểm chứng, có lời lẽ xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của tình trạng này?
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết khi xử lý vụ việc livestream của cá nhân Nguyễn Phương Hằng, lúc đó chưa có quy định pháp luật nào về việc quản lý hành vi livestream. Vì vậy, xử lý vụ việc này phải theo thể chế cũ, xử phạt hành chính 2 lần và chuyển cho cơ quan hình sự, công an xử lý.
Sau những vụ việc này, Bộ Thông tin đã đưa vào Nghị định 72 quy định rõ về hoạt động livestream. Theo đó, hoạt động này chỉ những người được đích danh trên môi trường số mới được thực hiện, cá nhân phải công bố địa điểm, thời gian livestream và nếu dùng livestream để bán hàng phải cung cấp thông tin cho cơ sở thu thuế.
Tranh luận lại với Bộ trưởng, đại biểu Lê Hoàng Anh bày tỏ băn khoăn về việc “phải chăng là những người vi phạm có ít tiền hay không có tiền thì xử lý ngay và luôn được, còn người có tiền thì sẽ xử lý chậm và nghe ngóng trước, xử lý sau hay không?”.
Trả lời, Bộ trưởng nhắc lại câu trả lời trước đó và cho biết khi cá nhân bà Nguyễn Phương Hằng livestream thì chưa có quy định về việc này trong thể chế, nên phải dùng những hình thức khác để phạt hành chính, xử lý và chuyển cơ quan công an. Giờ đưa vào Nghị định thì xử lý rất gọn gàng và hiện đã đưa vào luật quy định rõ với những hoạt động livestream.
“Tôi tự tin khẳng định cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông không có chuyện có tiền thì làm, không có tiền thì không làm, chúng ta không có chuyện này”, ông Hùng nói.
Cần xây dựng văn hoá mạng
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) phản ánh hiện trạng giáo dục chịu tác động nguy hại từ không gian mạng. Các hành vi tiêu cực từ không gian mạng đang len lỏi vào nhà trường tạo thành hành vi tiêu cực, lối sống ảo, thực dụng, ích kỷ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ quan tâm tới xây dựng văn hoá mạng và giải pháp giải quyết vấn đề này là gì?
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận đây là câu chuyện nhức nhối. Ông cho hay, nhiều người nghĩ không gian mạng là vô danh, ảo, không ai biết mình là ai, nên phát ngôn thiếu trách nhiệm.
Nghị định 72 tới đây, khi được ban hành sẽ quy định nhà mạng phải xác thực được danh tính người dân khi đăng ký dùng mạng, để khi cơ quan điều tra yêu cầu thì phải cung cấp được danh tính người đó. Đây là giải pháp mạnh mẽ để người dân có trách nhiệm hơn khi tham gia môi trường mạng.
Theo Bộ trưởng, cần tạo lập văn hóa cho môi trường sống mới, từng bước xây dựng văn hoá số. Bước đầu tiên là cần bộ quy tắc ứng xử trên môi trường số, hiện Bộ đã ban hành bộ quy tắc mẫu và sẽ đánh giá sơ kết thực hiện vào năm sau.
"Căn cơ nhất thì vẫn cần đi cả hai chân, pháp trị và đức trị, tức là dùng pháp luật và văn hoá, giáo dục", ông Hùng nhấn mạnh.
Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhận định, nếu chỉ hành động như vậy thì chưa thể xây dựng văn hoá mạng tốt, văn minh ở Việt Nam, đề nghị Bộ trưởng cần thúc đẩy việc này mạnh mẽ hơn..
Ông Hùng đồng tình, cho rằng văn hoá mạng rất rộng và nhiều việc cần làm. Bộ quy tắc ứng xử mẫu của Bộ Thông tin và Truyền thông ngoài áp dụng cho cơ quan công quyền và các tổ chức khác có thể coi là mẫu tham khảo.
Quy tắc ứng xử cần tuyên truyền rộng rãi để "ngấm vào từng gia đình, từng tế bào xã hội, từng người dân và cách tốt nhất là dùng nền tảng số để đào tạo kỹ năng cơ bản, văn hoá, đưa vào nhà trường.