Chợ Nhớn (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) là nơi tập trung 170 gian hàng cố định và khoảng gần 100 gian hàng không cố định với hàng trăm hộ kinh doanh thường xuyên. Đến với chợ Nhớn những ngày gần đây, nhiều người không khỏi bất ngờ bởi tại hầu hết các gian hàng kinh doanh trong cũng như ngoài chợ, các hộ kinh doanh đều treo biển "Tại đây không sử dụng túi ni-lông", "Khuyến khích khách hàng tự mang hộp đựng đồ ăn"...
Hầu hết người đi chợ cũng mang theo túi vải đựng đồ mua về, thậm chí một số người chuẩn bị sẵn nhiều loại dụng cụ cá nhân khi đi ăn sáng tại chợ. Tại một số khu chung cư gần đó, người dân cũng chủ động mang túi vải, đồ cá nhân khi đi chợ, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như nước đóng chai, màng bọc thực phẩm, hộp xốp... trong sinh hoạt và phân loại rác tại nguồn.
Những thành quả nêu trên có được là nhờ hai mô hình "Chợ dân sinh giảm rác thải nhựa" và "Chung cư hạn chế rác thải nhựa", do Ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn phát động thời gian vừa qua. Cụ thể, phối hợp lực lượng cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên địa phương tập huấn hạn chế rác thải nhựa, nhất là nhựa dùng một lần cho người dân các khu chung cư, hộ kinh doanh tại chợ Nhớn.
Qua đây, không chỉ nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường, mà còn vận động được người dân, các hộ kinh doanh cam kết hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa, tích cực phân loại rác tại nguồn. Chị Nguyễn Thị Nga, kinh doanh ở chợ Nhớn cho biết: "Mô hình giúp chúng tôi ít tốn chi phí, thời gian mua túi ni-lông. Cảnh quan chung quanh chợ cũng sạch đẹp, quang đãng hơn. Giờ đây, cả người bán và người mua đều đã quen với hình ảnh chợ Nhớn sạch sẽ, thân thiện môi trường".
Các mô hình nêu trên chỉ là hai trong nhiều nội dung hành động của phong trào "Thanh niên hành động chống rác thải nhựa", do T.Ư Đoàn triển khai nhằm hưởng ứng lời kêu gọi "Chống rác thải nhựa" của Thủ tướng Chính phủ. Phong trào hình thành từ những mô hình, cuộc thi thiết thực nhằm nâng cao ý thức, thúc đẩy hành vi của người dân, nhất là các bạn trẻ về chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Sau một thời gian triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố, các mô hình, cuộc thi nêu trên sẽ hình thành một mạng lưới liên kết chặt chẽ.
Để sơ kết hiệu quả phong trào, T.Ư Đoàn tổ chức Ngày hội "Thanh niên hành động chống rác thải nhựa" nhằm trưng bày thành quả của các đội, nhóm tình nguyện và biểu dương các cá nhân, tập thể. Đồng thời, tăng cường kết nối các nguồn lực xã hội, các tổ chức tình nguyện bảo vệ môi trường khác đang hoạt động trên cả nước.
Tại Ngày hội, người dân, thanh niên địa phương được làm quen với các loại sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần như ống hút tre, bát đũa, thìa đĩa mo cau, xơ dừa; công nghệ giảm phát thải phương tiện cá nhân; cách "sống xanh" tại nơi làm việc, học tập...
Ngày hội còn có riêng một khu vực nhận đổi cây xanh lấy vỏ chai nhựa đã qua sử dụng. Lượng vỏ chai này sau đó được Ban Tổ chức triển khai chương trình "Lít ánh sáng cho bản làng nông thôn mới": tạo ra những "bóng đèn" vỏ chai thân thiện môi trường, mang ánh sáng đến những ngôi nhà ở vùng sâu, vùng xa, vùng chưa có điện.
Ngày hội còn là dịp khép lại cuộc thi "Hành trình thứ hai của lốp xe". Hoạt động đã kêu gọi được nhiều tổ chức, cá nhân trên cả nước tái chế lốp xe thành sân chơi thiếu nhi thay vì vứt ra môi trường.
Tính kết nối cao, ý nghĩa thiết thực từ "Thanh niên hành động chống rác thải nhựa" đang góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa. Điều này thể hiện ở các sản phẩm thay thế nhựa tại triển lãm ở Ngày hội đều là công trình khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên; các diễn đàn thanh niên trực tuyến chống rác thải nhựa bên lề Ngày hội với lượng tương tác, tiếp cận lên tới hơn 800 nghìn...
Tất cả không chỉ thể hiện sự nỗ lực, sáng tạo của T.Ư Đoàn đối với hành động vì môi trường của thanh niên cả nước, mà còn góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ môi trường, xây dựng ý thức sống xanh bằng những cách làm mới mẻ, hấp dẫn, hiệu quả.
Theo Báo Nhân Dân