Chống ùn tắc giao thông
Về phương án đầu tư, đầu tiên dự án chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng hầm chui hai chiều, 4 làn xe kết nối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ, quận 2 theo hướng về hầm vượt sông Sài Gòn và ngược lại với tổng mức đầu tư 1036,7 tỷ đồng. Giai đoạn hai tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh nút giao theo quy mô đã duyệt.
Đồng thời, UBND TP.HCM đề nghị bộ GTVT thống nhất việc thành phố tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án nút giao An Phú giai đoạn 1 và bàn giao hồ sơ dự án cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam triển khai công việc đầu tư tiếp theo bằng nguồn vốn dư của dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Cũng theo đề xuất này, tầng âm của nút giao sẽ bố trí hầm chui hai chiều kết nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ, quận 2 theo hướng về sông Sài Gòn và ngược lại. Tầng 1 (đường nổi - PV) sẽ bố trí cầu vượt qua đường Mai Chí Thọ theo hướng nối hai chiều giữa cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Lương Định Của quận 2. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt nhẹ Long Thành - Thủ Thiêm và tuyến đường sắt TP.HCM -Nha Trang sẽ đi trên cao, vượt đường Mai Chí Thọ để vào ga Thủ Thiêm.
Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo sở, ban ngành nghiên cứu xong phương án đầu tư nút giao thông An Phú. Dự án sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông thường xuyên tại nút giao thông này.
GS.TSKH.VS. Trần Đức Chính (đại học Giao thông Vận tải, TP.HCM) cho biết: “Nếu làm hầm chui sẽ giảm được tiền đền bù giải tỏa mặt bằng, không làm phá vỡ không gian tĩnh không của cảnh quan đô thị, thông xe nhanh, chống ùn tắc và góp phần phát triển đô thị do kết nối vùng trung tâm với bán đảo Thủ Thiêm còn hoang sơ, chưa phát triển. Còn về vấn đề cầu vượt, tuy góp phần giảm ùn tắc ở quận 2, nhưng có phần khó khăn hơn về chi phí đền bù giải tỏa mặt bằng và phá vỡ khoảng tĩnh không của không gian đô thị. Tuy chi phí có thấp hơn nhiều so với phương án làm hầm chui và chỉ phù hợp với phát triển ngắn hạn. Nếu ít tiền thì có thể kết hợp cả hai phương án như dự án của thành phố”.
Phải thực hiện đúng luật?
Chia sẻ với PV, TS. Nguyễn Bách Phúc (Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học) cho biết: "Tôi cho rằng xây dựng nút giao An Phú quận 2, giữa đường Mai Chí Thọ với đường cao tốc Sài Gòn - Long Thành là hoàn toàn cần thiết và hợp lý, nhằm giải tỏa tình trạng tắc nghẽn gần như thường xuyên ở đây. Điều chúng tôi quan tâm là công trình đầu tư xây dựng phải được thực hiện theo đúng luật pháp Việt Nam.
Liên quan đến việc đầu tư xây dựng, nước ta có rất nhiều văn bản pháp luật, như Luật đầu tư xây dựng trong nước, Luật đầu tư công, Luật đầu tư nước ngoài, các Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị định của Chính phủ về đầu tư xây dựng. Lại còn rất nhiều Luật khác, tác động đến công tác đầu tư xây dựng, như Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường, Luật đấu thầu, Luật ngân hàng, Luật tín dụng, . . .
Tuy nhiên, điều rất đáng buồn là phần lớn các công trình đầu tư của chúng ta không được thực hiện theo đúng luật pháp của chính chúng ta, nhất là những công trình đầu tư công. Theo đúng luật pháp, khi chủ đầu tư có ý muốn, có dự kiến đầu tư xây dựng một công trình nào đó, chủ đầu tư có nghĩa đen là đổ tiền bạc vào, thì việc trước tiên họ phải làm là thuê các công ty tư vấn xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi. Công ty Tư vấn bằng báo cáo nghiên cứu khả thi này chứng minh cho chủ đầu tư thấy ý muốn và dự kiến của chủ đầu tư có khả thi hay không, có thể thực hiện được hay không, có đạt được các mong muốn không, và sẽ tiêu tốn bao nhiêu tiền, kết cục là công trình sẽ lời hay lỗ.
Khi chủ đầu tư phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi này tức là chủ đầu tư công nhận báo cáo này là đúng, thì chủ đầu tư lại tiếp tục phải thuê các công ty tư vấn làm “Thiết kế kỹ thuật” và “Tổng dự toán”. Sau khi “Thiết kế kỹ thuật” và “Tổng dự toán” được phê duyệt, chủ đầu tư mới có thể tính đến chuyện “xin Giấy phép đầu tư”, “xin Quyết định cấp mặt bằng”, “xuất tiền bồi thường đất đai và giải phóng mặt bằng”.
Sau khi những công việc trên hoàn thành trót lọt, chủ đầu tư mới có thể tính đến việc thi công. Việc thi công đầu tiên đòi hỏi phải tổ chức đấu thầu theo luật định, để lựa chọn “Công ty thi công” và “Công ty cung cấp thiết bị”.
Với công trình Nút giao An Phú, cho đến thời điểm này, chưa nghe nói có báo cáo nghiên cứu khả thi hay “Thiết kế kỹ thuật” và “Tổng dự toán”. Những thông tin trên báo chí về công trình này, chúng tôi cho rằng, cũng giống như thông tin về hàng loạt các công trình khác của Việt Nam, thường chỉ là “ý muốn”, “dự kiến” của các nhà Lãnh đạo, thể hiện ý chí lớn lao, mà không hề dựa trên những tính toán khoa học, lại còn được ngụy trang bằng mỹ từ “quy hoạch”.
Như vậy, thời điểm này chúng ta chưa có cơ sở để góp ý cho công trình. Sau này, khi “Công ty Tư vấn” trình “Báo cáo nghiên cứu khả thi”, chúng tôi cho rằng “Chủ đầu tư” nên tổ chức mời các Hội nghề nghiệp, các nhà khoa học, các nhà chuyên môn góp ý bàn bạc, đánh giá, giúp cho “Chủ đầu tư” có đầy đủ cơ sở khoa học chính xác để phê duyệt.
Đối với “Thiết kế kỹ thuật” và “Tổng dự toán”, chúng tôi cho rằng “Chủ đầu tư” cũng nên lắng nghe, tương tự như đối với “Báo cáo nghiên cứu khả thi”. Đặc biệt quan trọng là, việc “đấu thầu” lựa chọn “đơn vị thi công” , nếu được tổ chức nghiêm túc, công khai, minh bạch, thì thành phố sẽ có được công trình vững bền, đẹp đẽ, mà vẫn tiết kiệm, hợp với túi tiền. Làm được như vậy, chúng ta sẽ tránh được những lãng phí, những “tai tiếng”, như câu chuyện Nút giao thông ở bùng binh Thánh Gióng trên đường Cách Mạng Tháng Tám năm nào. Vì vậy, giờ phút này chúng tôi chưa thể nói gì hơn ngoài kiến nghị phải làm đúng luật".
Lành Nguyễn