Đề xuất xây hồ ngầm chống ngập giữa khu vực Đường Thành, chợ Hàng Da (Hà Nội) được ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đưa ra trong cuộc họp giao ban thành ủy ngày 5/6 vừa qua đã nhận được nhiều sự quan tâm, tranh luận của mọi người.
Để hiểu rõ hơn về tính khả thi của đề xuất này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Ngọc Uyên, Phó phòng Đối ngoại truyền thông công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội.
PV: Thưa ông, công ty của mình dựa vào đâu để đề xuất làm hồ ngầm chống ngập? Việc đề xuất này đã có khảo sát hay thí nghiệm cụ thể gì trên thực tế hay chưa?
Ông Bùi Ngọc Uyên: Xuất phát từ thực tế trên địa bàn còn một số khu vực do địa hình trũng, trở thành các điểm tụ thuỷ làm nước mưa dồn về nhanh khi mưa to gây quá tải hệ thống cống thoát nước hiện có, tạo thành các điểm úng ngập cục bộ. Để giảm tải cho hệ thống cống, điều tiết nước mưa tại chỗ, hạn chế úng ngập trong điều kiện khu vực không thể xây dựng được hồ điều hoà lộ thiên, công ty chúng tôi đã khảo sát, nghiên cứu và đề xuất áp dụng việc xây dựng, lắp đặt hồ chứa nước ngầm bằng công nghệ Cross wave của Nhật Bản.
Công nghệ hồ ngầm Cross wave đã được áp dụng thực hiện tại Nhật Bản và một số nước đạt kết quả tốt. Hiện nay, chúng tôi đã nghiên cứu đề xuất thành phố cho phép xây dựng, lắp đặt hồ ngầm tại khu vực trước chợ Hàng Da trên phố Đường Thành để giải quyết úng ngập cho khu vực ngã năm Đường Thành – Bát Đàn – Nhà Hoả và khu vực xung quanh chợ Hàng Da. Nếu được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thực hiện thì đây là công trình đầu tiên của công nghệ mới này được áp dụng tại Hà Nội.
PV: Nếu thực hiện hồ chống ngập thì việc giải phóng mặt bằng sẽ diễn ra như thế nào thưa ông?
Ông Bùi Ngọc Uyên: Hồ chứa ngầm theo công nghệ Cross wave được xây dựng trên các diện tích tận dụng tại các mặt đường giao thông, khoảng đất trống, sân chơi, sân bóng, vườn hoa công cộng… nên không phải giải phóng mặt bằng. Sau khi thi công xong, các mặt bằng này sẽ được hoàn trả nguyên trạng để tiếp tục phục vụ các mục đích sử dụng như ban đầu. Nếu có công trình ngầm thì sẽ được di chuyển phù hợp trong quá trình xây dựng.
PV: Vậy, việc chống úng ngập bằng công nghệ hồ ngầm liệu có khả thi?
Ông Bùi Ngọc Uyên: Tuy chưa xây dựng công trình nào theo công nghệ hồ ngầm Cross wave tại Hà Nội, nhưng theo đánh giá của chúng tôi, việc áp dụng công nghệ hồ ngầm trong việc điều tiết nước mưa, chống úng ngập cho một số điểm úng ngập cục bộ cố hữu như ngã 5 Đường Thành – Bát Đàn – Nhà Hoả, Nguyễn Khuyến… là khả thi, góp phần giải quyết úng ngập khi mưa tại các khu vực này.
PV: Việc bỏ ra 25 tỷ đồng làm hồ ngầm chống ngập có người cho rằng lãng phí? Ông phản hồi thế nào về ý kiến này?
Ông Bùi Ngọc Uyên: Chúng ta đều biết rằng, các điểm úng ngập nặng và kéo dài khi có mưa đều gây ra những ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, môi trường và văn minh đô thị. Trong những năm qua, chính quyền thành phố đã rất quan tâm đầu tư cải tạo cùng công tác quản lý, duy trì, vận hành hệ thống thoát nước nên công tác thoát nước Thủ đô đã có những cải thiện rất rõ rệt.
Đối với các điểm úng ngập cục bộ tồn tại khi có mưa to do đặc thù địa hình trũng thấp… Thành phố chỉ đạo công ty thoát nước Hà Nội và các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các phương án để cải tạo triệt để nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình hình úng ngập.
Theo chúng tôi đánh giá, đây là một giải pháp tốt nhất hiện nay cho các khu vực này, nơi có diện tích chật hẹp, hệ số thấm của bề mặt không còn và ít ảnh hưởng nhất đến các hoạt động thường ngày của mọi người.
Ngoài ra, các hồ ngầm còn có tác dụng tích trữ nước mưa phục vụ tái sử dụng khi cần, các vật liệu xây dựng hồ có thể tái sử dụng để xây dựng, lắp đặt cho các vị trí khác sau khi tháo dỡ. Về chi phí xây dựng, sẽ được các cơ quan chuyên môn của thành phố thẩm định, kiểm tra tính toán theo đúng quy định của nhà nước.
Trong tương lai, chi phí cho việc áp dụng công nghệ này có thể sẽ giảm đi khi chúng ta hợp tác với đối tác Nhật Bản để chuyển giao công nghê, nội địa hoá các vật liệu xây dựng… và có thể thực hiện được nhiều hơn tại các địa điểm úng ngập có tính chất tương tự.
PV: Xin cảm ơn ông!