Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận đang được UBND TP.Hà Nội xin ý kiến các bộ, ngành, trước khi báo cáo Thủ tướng. Tuy nhiên, Đồ án này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ giới chuyên gia. Nhiều ý kiến cho rằng, thành phố “mượn” Ga Hà Nội làm tâm điểm nhưng thực chất đang “xẻ thịt” đất vàng phục vụ nhóm lợi ích?
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, cần có phân tích kinh tế, lợi ích của Nhà nước (của toàn dân-PV) và nhà đầu tư là bao nhiêu, cũng như lợi ích của cư dân cụ thể ở đó khi phải di chuyển.
PV: TP.Hà Nội vừa gửi văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan đối với đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận. Ông đánh giá sao về Đồ án này?
GS. Đặng Hùng Võ: Đây là một ý tưởng gắn quy hoạch với giao thông của Hà Nội nhằm xóa bỏ quy hoạch lạc hậu. Tuy nhiên, chi tiết của Đồ án này thực hiện như thế nào, lợi ích mang lại cho ai là điều cần phải được minh bạch.
Theo tôi, với các khu thương mại, chúng ta phải tính đến bài toán định cư. Mức độ tập trung, số lượng dân cư có cân đối với hạ tầng giao thông và các hoạt động thương mại hay không? Đây là vấn đề lớn, chúng ta phải xem xét chi tiết về quy hoạch và kiến trúc.
PV: Điểm đáng chú ý của Đồ án này là sự hiện diện của hàng loạt cao ốc từ 40-70 tầng (khoảng 100-200m) cho các khu tài chính, thương mại quốc tế; lối sống mới hay nghỉ dưỡng đô thị. Liệu việc “cao tầng hóa” như vậy có phá vỡ quy hoạch, gây ùn tắc giao thông, thưa ông?
GS. Đặng Hùng Võ: Về cảnh quan kiến trúc, Hà Nội phải tính toán kỹ lưỡng xem xây dựng cao đến tầng bao nhiêu thì phù hợp, diện tích được sử dụng như thế nào và cơ chế phát triển dưới dạng BOT hay BT?
Chúng ta cần đi vào chi tiết xem phương án nào mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Bài toán đặt ra ở đây là chi phí và lợi ích. Lợi ích thu được có giải quyết được những vấn đề đang tồn tại của đô thị Hà Nội (sự mất cân đối với diện tích ở, số lượng cư dân với hạ tầng-PV) hiện nay hay không?
PV: Có ý kiến cho rằng, Đồ án này khéo léo “ôm trọn” đất vàng ở trung tâm Hà Nội khi bao trùm địa giới hành chính tại 4 quận trung tâm và có sự tác động của nhóm lợi ích. Ông nghĩ sao về nhận định này?
GS.Đặng Hùng Võ: Với Đồ án này, rất nhiều người lo ngại tình trạng tắc đường gia tăng, phá vỡ quy hoạch và phục vụ nhóm lợi ích. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, chúng ta không nên sợ nhóm lợi ích. Phải đối mặt và phá bỏ nhóm lợi ích. Cơ chế phá nhóm lợi ích không khó, vấn đề là chúng ta có quyết tâm làm hay không. Tất cả phải được công khai, minh bạch. Cần có phân tích kinh tế, lợi ích của Nhà nước (của toàn dân-PV) và nhà đầu tư là bao nhiêu cũng như lợi ích của cư dân cụ thể ở đó khi phải di chuyển.
"Đất vàng" mà cứ để đấy thì làm sao gọi là "đất vàng", nó phải được khai thác. Thế nhưng, khai thác như thế nào, lợi ích cho những ai là điều cần minh bạch.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hà Nội đi ngược quy chế của chính mình!? Liên quan đến Đồ án trên, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch hội Quy hoạch đô thị Hà Nội cho hay, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về hạn chế nhà cao tầng khu vực nội đô, đầu năm 2016 Hà Nội đã ban hành quy chế Quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử. Quy chế nêu rõ, khu vực xung quanh ga được xây dựng tối đa 18 tầng, tương đương 65m. Đồng thời, các công trình cao phải đảm bảo giảm mật độ xây dựng, tạo không gian thoáng, thông tầng tại các tầng đế, kết nối không gian công cộng với không gian khu vực Ga Hà Nội. Với phố Lê Duẩn đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến Khâm Thiên được xây dựng tối đa 9 tầng, tương đương 32m với điều kiện phía Tây tuyến đường đảm bảo phù hợp cảnh quan khu vực, nghiên cứu bảo tồn công trình Ga Hà Nội. Thành phố phải tôn trọng những điều đã đặt ra trong quy chế. |
Lan Thơm