Công ty CP Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa (PVH) từng được biết tới là một đơn vị với nhiều lợi thế trong lĩnh vực xây lắp dầu khí nói riêng và xây lắp chung, tuy nhiên, trong các báo cáo tài chính gần đây đều cho thấy bức tranh kinh tế ảm đạm của Xây lắp dầu khí Thanh Hóa.
Theo báo cáo tài chính quý 2 (BCTC) năm 2024, ra ngày 30/6/2024, vốn chủ của Công ty CP Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa (PVH) chỉ còn ghi nhận hơn 62,5 tỷ đồng, trong tổng số hơn 210 tỷ đồng vốn điều lệ do khoản lỗ lũy kế hơn 155,4 tỷ đồng, tương đương hơn 70% vốn điều lệ.
Đáng chú ý, một trong cổ đông chính của PVH là Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam. Phần vốn của Nhà nước tại PVH được thể hiện thông qua cổ phần mà Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí (thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam- Công ty nhà nước) nắm giữ là 36% vốn điều lệ, tương đương 75,6 tỷ đồng. Với tỷ lệ thua lỗ như trên thì Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam đã mất hơn 50 tỷ đồng vốn đầu tư tại PVH tính tới thời điểm kết thúc quý 2/2024.
Cùng chịu chung khoản thua lỗ trên với PVX là các đơn vị gồm: Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn- Hà Nội sở hữu 14,76% cổ phần; Quỹ đầu tư Leadvisors 7,14%; Công ty CP ĐTXD và TM Anh Phát - CTCP 0,67% và các cổ đông đại chúng khác...
Cũng theo BCTC quý 2 nói trên, tại ngày 30/6, tổng tài sản của PVH đạt hơn 566 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó có nhiều hạng mục tài sản bị tồn đọng tại các đối tác, chậm hoặc khó có khả năng thu hồi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đây được xem như là một trong những tác nhân lớn khiến tình hình tài chính của PVH trở nên bi đát.
Trong báo cáo giải trình ngày 31/5 vừa qua mà PVH gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, đơn vị này đang ghi nhận các khoản phải thu khách hàng, phải thu từ trả trước, phải thu khác hơn 210 tỷ đồng bị vướng mắc hoặc khó thu hồi, giải quyết đứt điểm công nợ.
Theo giải trình của PVH, đây là các khoản công nợ tồn đọng trong xây dựng công trình trong thời gian dài và Phía PVH đã nhiều lần đôn đốc, thậm chí nhờ đến sự can thiệp của pháp luật như khởi kiện một số đơn vị để thu hồi.
Cụ thể, một số dự án tiêu biểu như: vướng mắc chưa thể quyết toán với chủ đầu tư và nhà thầu phụ tại dự án SLMB dự án LHD Nghi Sơn (Dự án 25ha); Dự án khu tập kết vật tư, thiết bị LHD Nghi Sơn (157ha); dự án đầu tư xây dựng khách sạn Lam Kinh và các công trình khác... với tổng khoảng 249 tỷ đồng ghi nhận tại khoản mục chi phí xây dựng dở dang mà phía công ty ghi nhận mặc dù cơ bản đã xây dựng từ những năm 2020 trở về trước...
Tiếp đến, là khoản đầu tư hơn 18,2 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào dự án khách sạn Lam Kinh, Tp.Thanh Hóa, tới nay khoản đầu tư này khó có khả năng thu hồi do dự án Khách sạn Lam Kinh kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu. Phía PVH cũng đã phải trích lập dự phòng 100% đối với khoản đầu tư "mạo hiểm" ra ngoài ngành này.
Đáng chú ý, trong khoản phải thu hồi có tới 26 tỷ đồng gồm các khoản mà công ty khó có khả năng thu hồi và đã phải trích lập dự phòng 100%. Bao gồm, phải thu khác từ ông Dương Trọng Hưng 7,59 tỷ đồng; ông Nguyễn Trung Liên 7,1 tỷ đồng; ông Lương Hoàng 10,3 tỷ đồng và Công ty công nghiệp Nam Sơn cùng các đối tượng khác...
Trong kỳ này, PVH gần như không thu hồi được hoặc thu hồi không đáng kể so với tổng các khoản nợ đã tồn đọng lâu năm. Khi các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 106 tỷ, chỉ giảm khoảng 350 triệu so với đầu kỳ.
Lũy kế từ đầu năm tới kỳ bào cáo, Công ty CP Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa ghi nhận doanh thu hơn 12,7 tỷ đồng, tăng 2 tỷ so với cùng kỳ. Tuy nhiên giá vón ghi nhận tới 23,7 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp của PVH ghi nhận âm hơn 11 tỷ đồng, gánh thêm khoản chi phí quản lý doanh nghiệp khiến lợi nhuận sau thuế của PVH lỗ 13,7 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2024. Tương đương mức lỗ tăng khoảng 12,5 tỷ so với cùng kỳ năm trước.
Tại thời điểm hết quý 2/2024, PVH ghi nhận tổng tài sản đạt 566 tỷ đồng, giảm khoảng 33 tỷ so với đầu năm do ghi nhận giảm chủ yếu từ hàng tồn kho 19 tỷ và thu hồi nợ ngắn hạn khách hàng giảm khoảng 10 tỷ đồng, còn khoảng 89 tỷ đồng.
Trong báo cáo tài chính quý 2, PVH ghi nhận khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 25 tỷ đồng, và giá trị bất động sản đầu tư còn hơn 44 tỷ đồng. Đây là tòa nhà dầu khí Thanh Hóa tại đại lộ Lê Lợi mà đơn vị đang cho thuê. Ngoài ra, một chỉ tiêu đáng chú ý khác là tài sản cố định hữu hình công ty còn ghi nhận hơn 228 triệu đồng, khấu hao còn lại từ nguyên giá 2,6 tỷ.
Chiều ngược lại, nợ phải trả của công ty ghi nhận hơn 503 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 108 tỷ, giảm khoản 20 tỷ đồng so với đầu kỳ, chủ yếu giảm từ việc xử lý khoản doanh thu chưa thực hiện được 16,4 tỷ đồng. Nợ dài hạn ghi nhận hơn 394 tỷ đồng, không biến động nhiều so với đầu năm, nợ chủ yếu là các khoản nợ và thuê tài chính dài hạn 310 tỷ đồng.
Ngày 14/5 vừa qua, ông Hoàng Đắc Tuấn được HĐQT công ty bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty CP Xây lắp dầu khí Thanh Hóa. Mặc dù đối mặt nhiều khó khăn, tuy nhiên động thái này được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng giúp Xây lắp dầu khí Thanh Hóa thoát cảnh thua lỗ triền miên, mất vốn Nhà nước như hiện tại.