Rất nhiều yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến lãi suất mà khách hàng cần chi trả cho khoản vay thế chấp của mình như lượng tiền gửi, tình hình kinh tế, số điểm tín dụng… và tại Hà Lan giờ đây đang có thêm một yếu tố mới ảnh hưởng đến khoản thế chấp mua nhà: chất liệu dùng để xây căn nhà đó.
Chương trình thế chấp dựa trên tính sinh học
Vào tháng 6/2022, ngân hàng Triodos có trụ sở chính tại Hà Lan đã ra mắt chương trình thế chấp mới dựa trên tính sinh học. Theo đó, những khách hàng mua hoặc xây nhà làm từ vật liệu tự nhiên như gỗ, lanh, rơm và thậm chí cả nấm... sẽ được hưởng lãi suất thấp hơn so với người mua nhà sử dụng các vật liệu khác.
Ngân hàng Triodos cho biết mục đích của chương trình nhằm khuyến khích việc sử dụng các vật liệu có nguồn gốc thiên nhiên trong xây dựng, bởi chúng ít tạo ra khí thải nhà kính hơn so với thép, bê tông và xi măng thông thường.
Đây không phải là lần đầu tiên một ngân hàng áp dụng lãi suất gắn với hiệu suất môi trường của tòa nhà. Trong những năm gần đây, khi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu được thúc đẩy mạnh mẽ, các ngân hàng bắt đầu tận dụng khả năng cho vay của mình phù hợp hơn với biến đổi khí hậu. Do đó, thị trường cho vay thế chấp sử dụng năng lượng quả năng lượng đã mở rộng nhanh chóng.
Cho vay thế chấp "xanh" là khoản vay với lãi suất thấp hơn cho những ngôi nhà tiêu tốn ít năng lượng, chúng được cách nhiệt tốt hoặc áp dụng công nghệ để kiểm soát việc sử dụng năng lượng.
Có 2 lập luận logic cho chính sách này: Thứ nhất, chủ nhà chi trả ít hơn cho năng lượng sẽ có thể dành nhiều tiền hơn để trả các khoản thế chấp, vì thể khoản cho vay này trở nên an toàn hơn đối với các ngân hàng; Thứ hai, việc cung cấp khoản thế chấp rẻ hơn cho những ngôi nhà tiết kiệm năng lượng có thể khuyến khích các nhà phát triển xây dựng những ngôi nhà như vậy, thúc đẩy nguồn cung nhà ở ít phát thải khí nhà kính.
Kể từ những năm 1990, các chính quyền tiểu bang và địa phương tại Mỹ cũng đã tạo điều kiện cho hàng loạt chương trình cho vay thế chấp sử dụng năng lượng hiệu quả. Tại Hà Lan, ngân hàng Triodos đã cung cấp khoản thế chấp sử dụng năng lượng hiệu quả đầu tiên của đất nước vào năm 2012. Đến năm 2020, ngân hàng đã ngừng cung cấp các khoản thế chấp cho tất cả tòa nhà có xếp hạng hiệu quả năng lượng thấp.
Tuy nhiên, những nhà hoạt động bảo vệ khí hậu cho rằng điều này mới chỉ tập trung vào giảm sử dụng năng lượng trong các ngôi nhà mà đã bỏ qua phần lớn lượng khí thải cacbon khác. Trước khi ngôi nhà hoàn thành, quá trình sản xuất các vật liệu để xây dựng nó đã thải ra môi trường một lượng lớn chất thải.
Xây dựng là một trong những ngành đóng góp lớn nhất vào việc phát thải khí nhà kính. Theo Hội đồng Công trình xanh thế giới (WGBC), khí thải ngành xây dựng hiện chiếm khoảng 11% trong lượng khí thải toàn cầu, con số này cao hơn 5 lần so với 2% lượng khí thải toàn cầu do toàn ngành hàng không tạo ra.
Vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường
Theo tạp chí Time, việc giải quyết phát thải cacbon là vấn đề thu hút được nhiều sự quan tâm tại Hà Lan. Chương trình thế chấp mới của ngân hàng Triodos sẽ khuyến khích các phương pháp xây dựng từ vật liệu có nguồn gốc thiên nhiên nhằm giảm lượng khí thải từ hoạt động xây dựng.
Gỗ vẫn là vật liệu phổ biến nhất trong xây dựng dựa vào sinh học, nhưng các kỹ sư cũng đã phát triển các vật liệu mới như gạch làm từ tảo và mút làm từ nấm.
Một nghiên cứu năm 2020 đăng tải trên IOPScience của các nhà khoa học Phần Lan cho thấy nếu tỉ lệ các tòa nhà mới ở châu Âu làm từ gỗ tăng từ 10% năm 2020 lên 80% vào năm 2040 và việc sử dụng gỗ trong xây dựng được tăng cường nhiều hơn hiện tại thì có thể loại bỏ 0,42 gigatonnes cacbon khỏi bầu khí quyển trong khoảng thời gian 20 năm đó (tương đương khoảng 1/5 lượng khí thải của Liên minh châu Âu vào năm 2020). Điều này cũng giúp giảm thiểu tạo ra hàng nghìn tấn cacbon dioxide trong quá trình sản xuất thép và bê tông.
Tại Mỹ, tạp chí Time ghi nhận một số người đã bày tỏ quan ngại về việc sử dụng vật liệu gỗ truyền thống cho các ngôi nhà ở khu vực dễ xảy ra cháy rừng. Tuy nhiên, những nhà hoạt động môi trường cho rằng các dạng vật liệu mới như gỗ nhiều lớp (cross-laminated timber) có khả năng chống cháy.
Trong tuần này, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) đã thông báo khoản tài trợ 39 triệu USD cho 18 dự án tập trung vào phát triển vật liệu, kỹ thuật thiết kế và xây dựng có thể biến các tòa nhà thành cấu trúc lưu trữ cacbon ròng.
Tại Hà Lan, Triodos ước tính rằng chỉ có khoảng 1- 2% các tòa nhà được làm từ vật liệu sinh học. Các sáng kiến của chính phủ đang nhằm mục đích nâng con số đó. Các quan chức ở Vùng đô thị Amsterdam đã đạt được một thỏa thuận đảm bảo cứ 5 ngôi nhà xây mới tại đây vào năm 2025 thì có 1 ngôi nhà trong số đó được làm từ gỗ.
Phạm Hà Thanh (theo Time, Forbes)