Xây nhà hát 1.500 tỷ đồng: Trước hết phải làm cho dân tin

Xây nhà hát 1.500 tỷ đồng: Trước hết phải làm cho dân tin

Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

Thứ 6, 12/10/2018 08:49

Trước làn sóng phản đối của dư luận, chuyên gia văn hóa cho rằng, chủ trương đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật của TP.HCM là đúng đắn. Tuy vậy, chính những sai lầm, yếu kém của quản lý Nhà nước trong quá khứ khiến cho người dân chưa thực sự tin tưởng.

image

Nhà hát 1.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm: Dân chưa an tâm thì chưa nên xây dựng

Liên quan đến quyết định xây dựng nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch trị giá 1.500 tỷ đồng tại khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) đang khiến dư luận bàn tán, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa, Phó Trưởng khoa Quản lý văn hóa – nghệ thuật, đại học Văn hóa TP.HCM.

Thưa ông, với góc nhìn quản lý văn hóa, ông đánh giá như thế nào về tình hình sử dụng các nhà hát, khu vực biểu diễn nghệ thuật tại TP.HCM hiện nay?

Tình trạng chung của các thiết chế văn hóa nghệ thuật tại TP.HCM đang có nhiều bất cập. Các nhà hát đều đã xuống cấp, hoặc đầu tư xây dựng nhưng chưa hoàn thiện. Hậu quả là khó khăn trong công tác biểu diễn hoặc không khai thác hết công năng để sử dụng. Nhưng chắc chắn, TP.HCM chỉ thiếu cơ sở vật chất chứ không thiếu tài năng của các nghệ sĩ.

Về mặt nghệ thuật, giao hưởng nhạc vũ kịch là một loại hình nghệ thuật cao cấp, thể hiện đẳng cấp không chỉ của văn nghệ sĩ mà còn là bộ mặt của quốc gia, đem lại giá trị nghệ thuật cao cho người thưởng thức. Công trình này không chỉ phục vụ cho công chúng, mà còn để đối ngoại, tương xứng với một thành phố đầu tàu về kinh tế - xã hội của cả nước.

Văn hoá - Xây nhà hát 1.500 tỷ đồng: Trước hết phải làm cho dân tin

Ths Trịnh Đăng Khoa, Phó Trưởng khoa Quản lý văn hóa – nghệ thuật, đại học Văn hóa TP.HCM. (Ảnh: Hà Nhân).

Chủ trương xây dựng nhà hát Nhạc, giao hưởng và kịch nghệ là hoàn toàn đúng nhưng không nên quá vội vàng trong thời điểm này. Dư luận bàn tán, bất đồng quan điểm vì mấu chốt là tính thời điểm. Tuy dự án đã có từ khi thiết kế khu đô thị Thủ Thiêm nhưng thời gian qua, đất đai tại đây luôn là điểm nóng. Người dân bất đồng với chính quyền vì chưa thể an tâm, an lòng, chưa được giải quyết thỏa đáng.

Ngoài vấn đề kinh phí và yếu tố tâm lý khi sai phạm tại khu vực Thủ Thiêm chưa được giải quyết ổn thỏa thì người dân còn nhắc lại bài học từ nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo). Trong đó, việc cải tạo công trình này bị nâng kinh phí và xây dựng không phù hợp biểu diễn càng khiến dư luận băn khoăn. Yếu kém này thuộc về công tác tổ chức quản lý và giám sát xây dựng. Và qua nhiều lần làm không đúng của cơ quan Nhà nước, người dân sẽ bị mất lòng tin. Bây giờ, người dân phản ứng nhà hát mới cũng là điều dễ hiểu.

Vì thế, chính quyền và người dân cần giải quyết các bất đồng bằng đối thoại trước khi khởi công xây dựng. Sự đồng thuận của người dân là quan trọng nhất. Nếu người dân thấy được lợi ích trong tương lai thì tự động sẽ thay đổi cách nhìn nhận.

Nhiều ý kiến cho rằng số tiền 1.500 tỷ đồng là quá lớn, đặc biệt là khi nguồn kinh phí đến từ ngân sách. Vì vậy đã có đề xuất xây dựng nhà hát bằng nguồn vốn xã hội hóa, kêu gọi các đơn vị tư nhân chung tay thực hiện. Ông có quan điểm như thế nào trước đề xuất này?

Xã hội hóa là chủ trương của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua. Và có thể khẳng định, TP.HCM là địa phương đi đầu trong việc thực hiện đường lối này vời nhiều thành tựu tốt đã đạt được. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta quên đi vai trò lãnh đạo và điều tiết của Nhà nước. Phát triển văn hóa không chỉ cần tiền mà việc định hướng lâu dài với các giá trị thẩm mỹ cũng quan trọng không kém.

Kinh phí lớn thì các đơn vị tư nhân chỉ tham gia khi cảm thấy có lợi, tức là mang về lợi nhuận thì họ mới đầu tư. Vì xét đến cùng, người làm kinh doanh có quan điểm riêng của họ.

Còn phía cơ quan Nhà nước thì ưu tiên cho nhu cầu của người dân, phục vụ lâu dài cho nhiều tầng lớp xã hội. Nên chuyện xây một công trình quy mô lớn như nhà hát Giao hương, Nhạc và Vũ kịch bằng cách xã hội hóa là không khả thi.


Văn hoá - Xây nhà hát 1.500 tỷ đồng: Trước hết phải làm cho dân tin (Hình 2).

Yếu kém trong xây dựng nhà hát cải lương Trần Hữu Trang là bài học sâu sắc.

Theo ông, việc so sánh nhu cầu thưởng thức văn hóa khi xây dựng nhà hát với các vấn đề an sinh xã hội khác (kẹt xe, ngập nước, quá tải bệnh viện, trường học,…) có nên hay không?

Trong đời sống thường ngày, người dân quan niệm rằng hoạt động văn hóa giải trí chỉ dành khi có thời gian rỗi và điều kiện dư dả, thoải mái. Nhiều phương tiện giải trí khác cũng khiến người dân nghĩ rằng các nhà hát, sân khấu là không cần thiết.

Còn theo lý thuyết, nhu cầu của con người được xếp theo nấc thang. Khi được thỏa mãn nhu cầu cấp thấp thì mới có nhu cầu cao hơn và cao nhất là nhu cầu khẳng định và thể hiện bản thân mình.

Nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật thuộc nấc thang cao nên khi các nhu cầu bên dưới chưa được đáp ứng thì dĩ nhiên văn hóa nghệ thuật sẽ bị xem là xa xỉ.

Trong tình huống này, Nhà nước đang thể hiện tầm nhìn về nhu cầu của quốc gia, dân tộc còn người dân lại lên tiếng vì nhu cầu trước mắt của mình. Mỗi bên đều có lý lẽ riêng nên sự hài hòa cần được xây dựng từ 2 phía.

Tại các quốc gia khác, công tác đầu tư cho văn hóa nghệ thuật có gặp trở ngại hay không? Cách họ giải quyết là gì, thưa ông?

Trước đây ở Pháp, công tác đầu tư văn hóa nghệ thuật là chủ trương chính sách công. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò quyết định hoàn toàn. Tương tự tại Trung Quốc, Nhà nước cũng chủ động lãnh đạo hoạt động văn hóa và thực hiện các công trình theo ý chí chủ quan.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, các nước như Pháp hay Trung Quốc đã cởi mở hơn, Nhà nước đã trở thành người phục vụ xã hội. Trong các hoạt động chung tại các quốc gia đó, tính dân chủ đã được phát huy nhiều hơn. Các cơ quan Nhà nước cho người dân tham gia đóng góp ý kiến, thậm chí phản biện lại các kế hoạch, chủ trương qua nhiều phương tiện, đảm bảo tính minh bạch, cho phép người dân giám sát một cách cụ thể.

Từ đó có thể thấy, trong các hoạt động chung của xã hội, không phải lúc nào cũng có sự đồng thuận giữa Nhà nước và người dân. Đây là vấn đề chung của nhiều quốc gia chứ không riêng Việt Nam. Nhưng Nhà nước phải là người bày tỏ thiện chí trước để đối thoại, tạo nên sự thống nhất, hài hòa lợi ích.

Trân trọng cảm ơn ông!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.