Mới đây, Thanh tra Chính phủ vừa có kết luật về hàng loạt sai phạm của tuyến buýt nhanh BRT, cũng như nêu rõ khả năng vận hành không đạt hiệu quả của tuyến buýt này. Trong khi đó, vào tháng 10, Hà Nội tiếp tục triển khai thêm tuyến buýt 2 tầng mui trần thứ hai phục vụ du lịch dù tuyến buýt 2 tầng thứ nhất (khai thác từ tháng 5/2018) vốn rất "ế" khách.
Sở GTVT Hà Nội nói cần thiết
Trao đổi với PV, một cán bộ sở GTVT Hà Nội thông tin, theo kế hoạch trước đó thì ngày 10/10 sẽ bắt đầu vận hành tuyến buýt hai tầng thứ 2 "City tour Thăng Long-Hà Nội" do công ty Du lịch Việt Nam- Hà Nội khai thác. Tuy nhiên còn một số vướng mắc nên công ty này đã xin lùi ngày lại, nhưng vẫn đảm bảo đi vào vận hành vào tháng 10.
Trước thực trạng xe vắng khách vẫn mở thêm tuyến thứ hai, vị cán bộ Sở cho biết: “Năm 2017 Hà Nội đón gần 24 triệu lượt khách du lịch và dự báo sẽ còn tăng mạnh. Trong khi hiện nay tuyến "City tour" do tổng công ty vận tải Hà Nội khai thác chỉ có 3 xe là chưa đủ phục vụ nhu cầu khách du lịch. Việc bổ sung thêm xe, thêm tuyến là cần thiết và kế hoạch mở tuyến thứ hai là 3 xe (tổng 2 tuyển là 6 xe)".
"Nguồn vốn mở những tuyến này là nguồn xã hội hoá do doanh nghiệp đầu tư, nên chắc chắn họ cũng đã nghiên cứu và nhận thấy tiềm năng của loại hình dịch vụ này”, vị đại diện bổ sung.
Chuyên gia nói không khả thi
Mặc dù vốn đầu tư được huy động từ nguồn xã hội hoá nhưng trong quá trình vận hành những xe buýt lớn như vậy gây ra những ảnh hưởng cho xã hội.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng: “Việc tăng thêm dịch vụ để phát triển du lịch là đúng, thế giới cũng áp dụng mô hình xe buýt này. Tuy nhiên, họ có hạ tầng giao thông tốt, ví dụ ở Nga hệ thống tàu điện ngầm của họ đáp ứng 7 triệu lượt khách vào giờ cao điểm. Trong khi hạ tầng của chúng ta quá cũ, những điểm tham quan lại nằm trong khu đông dân, lòng đường hẹp, dây điện thòng lọng…”.
Cũng theo TS. Nguyễn Xuân Thuỷ, việc triển khai như vậy là quá vội vàng. Ông nói: “Triển khai vội vàng như vậy theo tôi sẽ không khả thi. Làm gì cũng cần phải có lộ trình để nghiên cứu, đánh giá hiệu quả. Thời tiết, khí hậu của ta có phù hợp với mô hình này hay không? Ngày mưa thì khách không ngồi được, ngày nắng mua vé ngồi mấy giờ trên xe mui trần cũng không ổn, lại thêm môi trường bụi bẩn, giá vé… Nếu không phù hợp du khách chỉ đi một lần rồi không đi nữa”.
“Việc kinh doanh không hiệu quả sẽ gây ra những tổn thất về mặt kinh tế và còn tăng tình trạng tắc đường. Vì vậy, tôi nghĩ TP.Hà Nội nên nghiên cứu, xem xét kỹ lại dự án này”, vị chuyên gia nhận định.
Trước đó ngày 30/5, 3 chiếc buýt mui trần 2 tầng phục vụ khách du lịch tại Hà Nội chính thức lăn bánh. Hà Nội hy vọng buýt 2 tầng sẽ giúp du khách hiểu hơn về lịch sử, văn hóa Thủ đô.
UBND TP.Hà Nội giao cho tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) là đơn vị quản lý và khai thác xe buýt 2 tầng. Xe có sức chứa gần 80 người, sử dụng công nghệ dẫn đường định vị toàn cầu GPS, lập trình tự động khi vận hành nhằm đảm bảo 30 phút tại bất kỳ điểm nào trong hành trình đều có một xe đến và đi.
Tuyến buýt 2 tầng mui trần số 2 này có cự ly dài 14,8km, tần suất chạy 30 phút/chuyến, hoạt động từ 9h đến 17h30 hằng ngày. Trên tuyến sẽ có 10 điểm dừng để đón, trả khách. Điểm đầu tuyến là vườn hoa Con Cóc (mặt đường Ngô Quyền) - Hai Bà Trưng - Quang Trung - Tràng Thi - Điện Biên Phủ - Hoàng Diệu...
Đối với những đoạn tuyến trùng với tuyến City Tour 1 do Transerco đang khai thác, hai đơn vị sẽ sử dụng chung, thống nhất trình sở Giao thông Vận tải phê duyệt mẫu biển báo. Kinh phí đầu tư cho việc điều chỉnh, bổ sung thông tin do công ty CP Du lịch Việt Nam - Hà Nội chi trả.
Dù chưa tiết lộ giá vé nhưng đại diện công ty CP Du lịch Việt Nam - Hà Nội khẳng định, tuyến buýt này hoạt động theo hình thức không trợ giá. Giá vé được tính toán đủ đạt hiệu quả kinh doanh và đảm bảo cạnh tranh.