Cụ thể, sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa yêu cầu công ty CP Du lịch Việt Nam - Hà Nội chuẩn bị các điều kiện cần thiết về phương tiện, nhân lực… để triển khai thêm tuyến buýt hai tầng "City tour Thăng Long - Hà Nội" đạt hiệu quả, an toàn và chất lượng. Tuyến xe dự kiến khai trương vào ngày kỷ niệm giải phóng Thủ đô 10/10 tới.
Tuy nhiên theo ghi nhận thực tế của PV, xe buýt 2 tầng hiện nay rất vắng khách. Cá biệt có những xe chỉ 3-4 khách, trong khi sức chứa mỗi xe lên tới 80 hành khách và chi phí mỗi xe buýt lên tới 6 tỷ đồng.
Trao đổi với PV, ông Phạm Hồng Sơn (khách du lịch từ Quảng Bình) cho hay: "Tôi thấy xe buýt này rất đẹp, tuy nhiên bỏ ra mức giá 300 nghìn để đi 3 giờ thì giá hơi cao. Kể cả giá vé 450 nghìn để đi 24 giờ thì tôi nghĩ khó ai ngồi lâu như vậy được".
Khách du lịch rất thích ngồi trên tầng 2 (là phần mui trần) để ngắm cảnh, nhưng đây cũng chính là điểm bất tiện của phương tiện này. "Hôm qua, tôi có đi xe buýt này nhưng khi trời có mưa nhỏ lại phải xuống tầng 1 thì không ngắm được gì. Hôm nay thì trời lại nắng, ngồi cả tiếng trên đó cũng không chịu được", chị Thu, khách du lịch từ TP.Hồ Chí Minh cho hay.
"Từ ngày mở tuyến buýt 2 tầng, tôi thấy xe rất vắng khách, chủ yếu là khách nước ngoài đi. Theo tôi thì mức giá vài trăm nghìn để mua vé, đại đa số người dân không đáp ứng được", ông Hải, một bảo vệ cho biết.
Sau đây là những hình ảnh ghi nhận sự ế ẩm của loại hình xe buýt này.
Trước đó ngày 30/5, 3 chiếc buýt mui trần, 2 tầng phục vụ khách du lịch tại Hà Nội chính thức lăn bánh. Hà Nội hy vọng buýt 2 tầng sẽ giúp du khách hiểu hơn về lịch sử, văn hóa Thủ đô.
Hà Nội giao cho tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) là đơn vị quản lý và khai thác xe buýt 2 tầng. Xe có sức chứa gần 80 người, sử dụng công nghệ dẫn đường định vị toàn cầu GPS, lập trình tự động khi vận hành nhằm đảm bảo 30 phút tại bất kỳ điểm nào trong hành trình đều có một xe đến và đi.
Tuyến buýt 2 tầng mui trần số 2 này có cự ly dài 14,8km, tần suất chạy 30 phút/chuyến, hoạt động từ 9h đến 17h30 hằng ngày. Trên tuyến sẽ có 10 điểm dừng để đón, trả khách. Điểm đầu tuyến là vườn hoa Con Cóc (mặt đường Ngô Quyền) - Hai Bà Trưng - Quang Trung - Tràng Thi - Điện Biên Phủ - Hoàng Diệu...
Đối với những đoạn tuyến trùng với tuyến City Tour 1 do tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đang khai thác, hai đơn vị sẽ sử dụng chung, thống nhất trình sở Giao thông Vận tải phê duyệt mẫu biển báo. Kinh phí đầu tư cho việc điều chỉnh, bổ sung thông tin do công ty CP Du lịch Việt Nam - Hà Nội chi trả.
Dù chưa tiết lộ giá vé nhưng đại diện công ty CP Du lịch Việt Nam - Hà Nội khẳng định, tuyến buýt này hoạt động theo hình thức không trợ giá. Giá vé được tính toán đủ đạt hiệu quả kinh doanh và đảm bảo cạnh tranh.
Cũng thời gian trước, TP.Hà Nội đã khai trương tuyến buýt 2 tầng mang tên City Tour 1 có lộ trình đi qua 25 tuyến phố với 13 điểm dừng để hành khách dễ dàng tiếp cận 30 điểm tham quan đặc sắc của Hà Nội. Xe buýt 2 tầng hoạt động từ 9h đến 18h hằng ngày với tần suất 30 phút mỗi chuyến, cự ly tuyến dài 13,8km.
Giá vé tính theo giờ với các mức khác nhau, trong đó khung vé 4 giờ là 300.000 đồng; vé 24 giờ có mức giá 450.000 đồng và 48 giờ lên tới 650.000 đồng. Từ ngày 20/7, bổ sung thêm loại vé 2 giờ giá 196.000 đồng (đối với khách có nhu cầu đi suốt, không lên xuống các điểm dọc tuyến).